Liệu Saudi Arabia có "mềm mỏng" lập trường với Israel?

Hà Linh |

Bài thuyết giáo của một lãnh tụ Hồi giáo tại Mecca trình chiếu trên truyền hình quốc gia Saudi Arabia vào 5/9 đã đánh dấu thay đổi khi đề cập đến người Do Thái.

Lãnh tụ Hồi giáo Abdulrahman al-Sudais ở thánh đường Grand đã đưa ra phát biểu chỉ 3 tuần sau khi Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đạt thỏa thuận lịch sử bình thường hóa quan hệ với Israel. Và phát biểu này cũng được đưa ra vài ngày trước khi Bahrain, một đồng minh thân thiết của Saudi Arabia, đi theo chân UAE.

Ông Sudais đã đề cập đến việc Nhà tiên tri Muhammad từng đối xử tốt với hàng xóm Do Thái và cách tốt nhất để thuyết phục người Do Thái cải sang Đạo Hồi là “đối xử tốt với họ”. Điều đáng chú ý là trước đây, lãnh tụ Hồi giáo Abdulrahman al-Sudais từng cầu nguyện để người Palestine giành được chiến thắng trước “kẻ xâm lược” Do Thái.

Tuy Saudi Arabia nhiều khả năng không sớm đi theo chân của UAE và Bahrain nhưng phát biểu của ông Sudais có thể coi là minh chứng cho thấy phương hướng của quốc gia này về vấn đề nhạy cảm “hâm nóng” quan hệ với Israel.

Thỏa thuận đạt được giữa UAE và Bahrain được coi là một “thắng lợi” cho Israel và Thủ tướng Mỹ Donald Trump trước thềm bầu cử vào tháng 11 tới. Nhưng phần thưởng ngoại giao lớn nhất từ thỏa thuận lịch sử này đối với Israel có thể là Saudi Arabia.

Ông Marc Owen Jones tại Đại học Exeter nhận định rằng việc UAE cùng Bahrain bình thường hóa quan hệ sẽ tạo điều kiện để Saudi Arabia kiểm tra ý kiến dư luận và phát biểu của Lãnh tụ Hồi giáo Sudais cũng nằm trong bước đi này. Được chỉ định bởi Quốc vương, Lãnh tụ Hồi giáo Sudais là một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất ở Saudi Arabia.

Các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ trong khi đó coi xu hướng mối quan hệ giữa Israel và các quốc gia Arab nồng ấm hơn là tiến triển tích cực.

Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman cam kết trong kế hoạch cải tổ nội địa của ông sẽ bao gồm tăng cường đối thoại giữa các tín ngưỡng khác nhau. Thái tử Mohammed bin Salman từng nói rằng người Israel được quyền sinh sống hòa bình trên đất đai họ sở hữu với điều kiện một thỏa thuận hòa bình đảm bảo ổn định cho tất cả các bên.

Việc Saudi Arabia và Israel cùng quan ngại Iran có thể là động lực để hai quốc gia này tăng cường quan hệ.

Còn có dấu hiệu cho thấy Saudi Arabia đang chuẩn chị cho người dân "cảm tình hơn" với Israel. Trong phim truyền hình “Umm Haroun” trình chiếu trên kênh MBC của Saudi Arabia vào tháng 4, có một phân đoạn đạt tỷ suất người xem cao đột ngột, với nội dung xoay quanh phiên xử một bà đỡ Do Thái. “Umm Haroun” nói về cộng đồng đa tôn giáo tại một quốc gia Arab trong thập niên 30 và 50 của thế kỷ trước. Biên kịch của bộ phim truyền hình này khẳng định không hề gửi gắm thông điệp chính trị.

Vào đầu năm nay, cựu Bộ trưởng và Tổng thư ký Liên minh Hồi giáo Thế giới Mohammed al-Aissa đã đến thăm trại tập trung Auschwitz. Trong tháng 6, ông tham dự hội thảo do Ủy ban Do Thái Mỹ tổ chức và tại đây ông đã lên tiếng kêu gọi một thế giới không bài Hồi giáo và không có chủ nghĩa bài Do Thái.

Saudi Arabia tuy không trực tiếp nhắc đến thỏa thuận giữa Israel với UAE và Bahrain nhưng khẳng định vẫn duy trì cam kết với hòa bình dựa trên nền tảng Sáng kiến Hòa bình Arab.

Để thể hiện thiện chí, Saudi Arabia đã cho phép máy bay của Israel-UAE sử dụng không phận nước này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại