Ngày 19/9, trong bài phát biểu đầu tiên tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố: "Mỹ có sức mạnh và nhiều kiên nhẫn, nhưng nếu buộc phải bảo vệ chính mình cũng như bảo vệ các đồng minh, chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác là hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên".
Trước đây, ông Donald Trump cũng nhiều lần đe dọa sẽ trút "lửa và thịnh nộ" lên Triều Tiên. Mới đây, ông tuyên bố cụ thể hơn về khả năng dùng vũ khí hạt nhân để tiêu diệt Bình Nhưỡng.
Liệu Tổng thống Trump có dám thực hiện lời đe doạ của mình như một Harry Truman mới? Liệu Bình Nhưỡng có trở thành thành phố thứ ba bị bom nguyên tử san phẳng trong thời đại ngày nay? Hoặc tình hình sẽ đi theo hướng ngược lại, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ là Harry Truman thứ hai?
Thời khắc lịch sử
Hiroshima hoàng toàn vì sức hủy diệt khủng khiếp của bom nguyên tử. Ảnh: U.S. National Archives
Để có thể trả lời những câu hỏi phức tạp này, cần nhìn lại bối cảnh khi Tổng thống Harry Truman quyết định ném hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản vào những ngày cuối cùng của chiến tranh thế giới thứ hai.
Ngày 6/8/1945, quả bom thứ nhất mang tên "Little Boy" đã được thả xuống thành phố Hiroshima làm hơn 140 ngàn người thiệt mạng. Sau đó ba hôm, ngày 9/8/1945, quả bom thứ hai mang tên "Fat Man" đã phát nổ trên bầu trời thành phố Nagasaki làm 74 ngàn người thiệt mạng. Ở hai thành phố, hầu hết số người thiệt mạng đều là dân thường.
Đáng lưu ý là Tổng thống Truman và chính quyền của ông lúc đó đã quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Nhật Bản vào cuối Thế chiến thứ hai khi hoàn toàn biết rõ rằng sự đầu hàng của Nhật chỉ còn là vấn đề thời gian.
Tuy nhiên, việc chỉ một mình Washington lúc đó có vũ khí hạt nhân và sẽ không có bất cứ nguy cơ đáp trả nào, để kết thúc chiến tranh sớm, Mỹ đã dội hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản.
Nhìn lại lịch sử, ngày 26/7/1945, Truman và các lãnh tụ phe Đồng minh ra Tuyên bố Potsdam kêu gọi Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện và đe dọa nếu không sẽ bị hủy diệt hoàn toàn ngay lập tức.
Tổng thống Mỹ Harry Truman lúc đó đã phác thảo ra một bức tranh hủy diệt hạt nhân kinh hoàng cho nước Nhật với những lời tuyên bố hết sức mạnh mẽ: "Nếu họ không chấp nhận các điều kiện của chúng tôi thì họ sẽ phải hứng chịu một cơn mưa hủy diệt từ trên không chưa từng có trên trái đất."
Ngày hôm sau, tại cuộc họp báo tại Tokyo, Thủ tướng Nhật Suzuki Kantaro đã phát biểu không chấp nhận tối hậu thư và bác bỏ tuyên bố Potsdam. Ông cho rằng Tuyên bố Potsdam chỉ là sự lặp lại của Tuyên bố Cairo và chính phủ của ông không quan tâm.
Sau khi hai quả bom nguyên tử được ném xuống Hiroshima và Nagasaki một tuần, ngày 15/8/1945, Nhật tuyên bố đầu hàng vô điều kiện Đồng minh và ngày 2/9/1945 đã ký vào văn kiện đầu hàng, chính thức chấm dứt chiến tranh thế giới thứ hai.
Căng thẳng hiện tại
Triều Tiên đã phóng 1 quả tên lửa bay qua Nhật Bản hôm 15/9 với tầm cao và tầm xa lớn hơn so với các lần thử trước đó. Ảnh: AP
Đó là câu chuyện của 72 năm trước. Còn bây giờ, Kim Jong-un, không chỉ tăng tần xuất các vụ thử tên lửa đạn đạo mà còn phóng qua bầu trời Nhật Bản vài ngày trước khi tiến hành vụ nổ hạt nhân thứ sáu dưới lòng đất, gây ra một cơn chấn động địa chấn cực mạnh. Các vụ nổ hạt nhân này của Triều Tiên ngầm cảnh báo về một loại vũ khí mới có sức phá hủy khủng khiếp.
Các giới chức quân sự Hàn Quốc cho biết cuộc thử nghiệm hạt nhân thứ sáu thành công của Bình Nhưỡng ngày 4/9/2017 mạnh hơn nhiều lần các vụ thử trước đó và ước tính sức công phá của nó lên tới 160 kiloton. Điều này có nghĩa là quả bom này mạnh gấp 10 lần so với "Little Boy" đã từng phá huỷ 90% thành phố Hiroshima và giết chết hàng chục ngàn cư dân ở đó.
Bây giờ Donald Trump sẽ phải làm gì với Kim Jong-un? Liệu ông có chờ đợi nhà lãnh đạo Triều Tiên này tiến hành nhiều cuộc phiêu lưu hơn nữa rồi mới bắt đầu trút "lửa và thịnh nộ" hoặc tạo ra "một cơn mưa hủy diệt từ trên không chưa từng có trên trái đất" lên Triều Tiên như Harry Truman đã từng làm với Nhật Bản?
Tình hình hiện nay hoàn toàn khác với thời Harry Truman. Mỹ không còn là nước duy nhất có vũ khí hạt nhân. Đối thủ của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên được trang bị tất cả các loại vũ khí. Sợ bị trả thù và đáp trả bằng một đòn hạt nhân đang buộc Mỹ phải tính toán hết sức kỹ lưỡng việc sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Triều Tiên.
Mặc dù cả hai phía đều đưa ra các tuyên bố hết sức cứng rắn, nhưng hậu quả mang tính chất hủy diệt khủng khiếp đang là nhân tố chính buộc Mỹ và Triều Tiên phải kiềm chế, không chủ động khai hỏa trước.
Tính toán từ hai bên
Mọi hành động đe dọa của Donald Trump từ các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc mang tên "Ulchi Freedom Guardian" (Người bảo vệ Tự do Ulchi) hay điều máy bay ném bom chiến lược tới bán đảo Triều Tiên, cho tàu ngầm hạt nhân, tàu sân bay vây quanh bán đảo đều không ngăn cản được Bình Nhưỡng tiếp tục chương trình hạt nhân của mình.
Cứ mỗi lần Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ trừng phạt Triều Tiên thì họ lại tiếp tục bắn thử tên lửa đạn đạo, quả sau có tầm bắn và độ cao lớn hơn quả trước.
Bất chấp sức ép cấm vận và đe dọa vũ lực của Mỹ và các nước, Triều Tiên sẽ không đời nào từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình.
Đội ngũ lãnh đạo Triều Tiên cho rằng, số phận của Tổng thống Iraq Saddam Hussein và nhà lãnh đạo Libya bị kết thúc bi thảm trong cuộc tấn công của Mỹ và NATO chống Iraq năm 2003, Libya năm 2011 là do các nước này lùi bước trước sức ép quốc tế và từ bỏ chương trình vực khí hủy diệt của mình.
Giải pháp quân sự sẽ dẫn đến một thảm họa toàn cầu và thiệt hại sẽ lớn hơn gấp nhiều lần so với những gì đã xảy ra tại Hiroshima và Nagasaki. Vấn đề Triều Tiên chỉ có thể giải quyết bằng con đường thương lượng hoà bình.
Vấn đề cấp bách hiện nay là chấm dứt mọi sự khiêu khích, đe doạ, leo thang căng thẳng, nối lại các cuộc đàm phán sáu bên (Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga) về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên bị ngừng từ 2009.
Thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) đạt được giữa Iran và các nước P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) sau hơn một thập kỷ đàm phán đầy khó khăn chứng tỏ một điều rằng nếu các bên có thiện chí thì vấn đề dù khó khăn, phức tạp đến đâu cũng có thể giải quyết được bằng biện pháp hoà bình. JCPOA có thể là một hình mẫu cho việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.