Khi nói đến quan hệ Nga-Ấn, dù mối quan hệ này đã đạt được những thành công lịch sử trong những năm gần đây thì vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề. Những vấn đề đó chủ yếu liên quan đến quan hệ kinh tế song phương: bao gồm tỷ lệ hoạt động thương mại và đầu tư thấp, tập trung quá nhiều vào một số lĩnh vực quan trọng có tính hạn chế (hợp tác kỹ thuật-quân sự, năng lượng hạt nhân, lĩnh vực dầu khí) và nhận thức thấp của các bên tham gia khu vực tư nhân về thị trường của nhau.
Những vấn đề nói trên có thể vượt qua được. Nhu cầu của Nga về các đối tác kinh tế nước ngoài đáng tin cậy và chính sách đa dạng hóa quan hệ kinh tế của nước này tạo điều kiện để hai nước đạt được sự chuyển đổi cơ cấu trong quan hệ. Sự hiện diện của các chiến lược tương tự để khắc phục sự mất cân bằng phát triển toàn cầu, tầm nhìn chung về tiến bộ công nghệ (bao gồm chuyển giao công nghệ và thành lập liên doanh) và đầu tư chung vào nghiên cứu và phát triển - tất cả các bước này sẽ giúp hai nước không chỉ tăng cường hơn nữa mối quan hệ đã được xây dựng, bồi đắp trong quá khứ mà còn cùng nhau nhìn về tương lai.
Tuy nhiên, trong những thập kỷ gần đây, những thách thức chính trị đã xuất hiện thêm ngoài những thách thức kinh tế có sẵn trong mối quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt giữa Nga và Ấn Độ: Moscow đặc biệt lo ngại về sự gia tăng nhanh chóng trong quan hệ giữa Washington và New Delhi.
Quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu toàn diện giữa Ấn Độ và Mỹ là kết quả hợp lý của quá trình phát triển chính trị Ấn Độ kể từ những năm 1990. Vào thời điểm đó, chính phủ của Thủ tướng Narasimha Rao đã bắt đầu quá trình tự do hóa dần dần nền kinh tế. Đất nước này đã trở thành một mục tiêu hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài, vì không có đủ vốn tài chính trong nước.
Việc 'mở cửa' nền kinh tế Ấn Độ cho các nhà đầu tư nước ngoài đã được tiếp tục dưới thời người kế nhiệm Narendra Modi - với sáng kiến 'Sản xuất tại Ấn Độ' mời các nhà sản xuất nước ngoài đặt cơ sở sản xuất của họ tại quốc gia Nam Á này. Một dạng tiếp nối của điều này là chương trình 'Ấn Độ tự cung tự cấp' (Aatmnitbhar Bharat). Một mặt, chương trình nói trên là nhằm đạt được chủ quyền về công nghệ, mặt khác, nó buộc các nhà sản xuất nước ngoài phải nội địa hóa sản xuất của họ.
Bất chấp sự gia tăng tỷ lệ tổng tiết kiệm, Ấn Độ vẫn cần đầu tư nước ngoài để đẩy nhanh quá trình phát triển công nghiệp và cung cấp việc làm cho dân số ngày càng tăng - những vấn đề này được coi là tồn tại ở New Delhi. Theo hướng đó, Mỹ đã trở thành một đối tác quan trọng – không quốc gia nào khác có lượng vốn tự do có thể đáp ứng được 'yêu cầu' của Ấn Độ.
Ngoài lợi ích kinh tế, mối quan hệ Mỹ-Ấn còn là vì các yếu tố chính trị. Thất bại của Ấn Độ trong Chiến tranh Trung-Ấn năm 1962 là một đòn giáng mạnh đối với New Delhi. Sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc, kết hợp với việc tăng cường xây dựng quân đội, đã làm gia tăng tâm lý hoang mang ở Ấn Độ.
New Delhi đặc biệt lo ngại về sự phát triển của Hải quân Trung Quốc. Từ quan điểm của Ấn Độ, Bắc Kinh muốn đảm bảo sự thống trị ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trong bối cảnh này, hợp tác với người Mỹ được người Ấn Độ coi là một trong số ít cách để vô hiệu hóa các mối đe dọa đối với an ninh của họ.
Quan hệ đối tác chiến lược Ấn-Mỹ là xu hướng lâu dài mà không ai, kể cả Nga, có thể đảo ngược. Moscow cần nhận ra rằng giới tinh hoa chính trị Ấn Độ đang mở rộng quan hệ với người Mỹ không phải vì áp lực từ Washington, mà vì theo quan điểm của họ, hợp tác với Mỹ là vì lợi ích quốc gia của chính đất nước họ. Nỗ lực thuyết phục họ rằng họ hiểu sai về lợi ích quốc gia sẽ không những không mang lại kết quả mà còn gây tổn hại cho quan hệ Nga-Ấn.
Nếu nhận thức như vậy trở thành một phần chủ đạo trong diễn ngôn chính trị của Nga thì Moscow cũng mong đợi từ New Delhi một thái độ tương tự đối với “mối quan hệ đối tác toàn diện và tương tác chiến lược trong thời đại mới” với Bắc Kinh.
Nga và Trung Quốc là láng giềng có lịch sử quan hệ song phương lâu đời. Giới tinh hoa chính trị của Liên bang Nga và Trung Quốc có quan điểm giống nhau về hầu hết các vấn đề toàn cầu và khu vực hiện nay, và hợp tác kinh tế giữa các quốc gia đang phát triển với tốc độ nhanh chóng. Đồng thời, "quan hệ đối tác mà không thành lập liên minh" giữa hai nước được chủ trương không nhằm chống lại các nước thứ ba; tất cả đều được tính toán chỉ để đáp ứng lợi ích quốc gia của Nga và Trung Quốc.
Bản chất chiến lược của các mối quan hệ, một mặt, là trực quan và không cần giải thích thêm. Mặt khác, bất kỳ quan hệ đối tác chiến lược nào cũng là kết quả của sự tương tác lâu dài; nó được định hình dưới tác động của các yếu tố độc nhất và không thể quy về một mẫu số chung.
Cả Nga và Ấn Độ đều đang theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập dựa trên lợi ích quốc gia của họ. Giới tinh hoa của cả hai nước sẽ phải chấp nhận điều đó, nếu họ muốn duy trì mối quan hệ chặt chẽ trong tương lai.