Na Uy đã phát hiện mỏ đá phốt phá có trữ lượng lớn nhất thế giới, được cho là đủ để đáp ứng nhu cầu toàn cầu về phốt pho trong pin và tấm pin mặt trời trong thế kỷ tới. Ảnh: Wionews
Cuộc thăm dò hoàn thành gần đây của Norge Mining đã phát hiện ra một mỏ đá phốt phát khổng lồ ở Na Uy, được coi là lớn nhất thế giới, chứa tới 70 tỷ tấn vật liệu quý đang có nhu cầu cao trên toàn thế giới trong bối cảnh nguồn cung gặp vấn đề.
Trước đó, Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ liệt kê trữ lượng phốt phát được chứng minh trên thế giới ở mức 71 tỷ tấn, tức chỉ lớn hơn một chút so với tổng lượng vừa được phát hiện ở Na Uy.
Trước phát hiện tại Na Uy, mỏ phốt phát lớn nhất nằm ở Maroc với tổng trữ lượng khoảng 50 tỷ tấn, tiếp theo là Trung Quốc với 3,2 tỷ tấn và Ai Cập với 2,8 tỷ tấn. Các trữ lượng đáng kể khác nằm ở Mỹ, Syria, Uzbekistan, Nam Phi và Nga.
Mỏ phốt phát trên được Norge Mining phát hiện lần đầu tiên vào năm 2018 dựa trên dữ liệu do Cơ quan Khảo sát Địa chất Na Uy cung cấp. Tuy nhiên, một chương trình khoan mở rộng sau đó do công ty thực hiện đã phát hiện ra rằng, chiều sâu của mỏ quặng trong lòng đất, ban đầu được ước tính chỉ sâu 300 mét, trên thực tế lại chạy sâu tới 4.500 mét.
Phốt phát khai thác từ mỏ chủ yếu được sử dụng để sản xuất phân bón cho nông nghiệp giúp tăng năng suất đáng kể, trong khi phốt pho, sản phẩm tinh chế của nó, có nhu cầu cao trong sản xuất pin mật độ năng lượng cao và tấm pin mặt trời, khiến nó trở thành khoáng chất quan trọng đối cho những uqốc gia và khu vực muốn "chuyển đổi xanh" và theo đuổi mục tiêu trung hòa carbon.
Cả hai đều mang lại cơ hội thương mại to lớn cho Na Uy, quốc gia đã trở thành nhà cung cấp năng lượng hàng đầu của khối, sau khi EU tung các biện pháp trừng phạt Nga. Năm 2022, Na Uy đã trở thành đối tác thương mại quan trọng thứ sáu của EU và có thể vươn lên vị trí nổi bật hơn nữa do tính chất chiến lược của các mặt hàng mà nước này xuất khẩu. Trong tương lai, điều này có thể góp phần hình thành một sự phụ thuộc mới, khi EU tìm cách tách rời và loại bỏ rủi ro khỏi Trung Quốc, hiện là một trong những nguồn cung cấp khoáng sản chính của khối.
Đáng chú ý, phốt pho đã lọt vào danh sách khoáng sản thô chiến lược của EU. Khối này gần như đã ngừng tinh chế phốt pho, với lý do gây ô nhiễm nặng và lượng khí thải carbon cao, vì thế hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu phốt phát.
Công ty Norge Mining của Na Uy đã phát hiện mỏ đá phốt phát lớn nhất thế giới, gần bằng tổng trữ lượng của cả thế giới được xác định trước đó. Ảnh: Getty Images
Norge Mining hiện đang chờ giấy phép từ EU và chính quyền địa phương. Theo chính công ty, các bộ trưởng Na Uy đã ủng hộ dự án và coi đây là ưu tiên hàng đầu. Cùng với phốt phát, các mỏ của Na Uy được phát hiện có chứa vanadi và titan, vốn được sử dụng trong ngành công nghiệp hàng không vũ trụ và quốc phòng và cũng được EU coi là nguyên liệu thô quan trọng.
Phốt pho được nhà khoa học người Đức Hennig Brandt tình cờ phát hiện vào năm 1669 trong quá trình tìm kiếm "hòn đá triết gia" với tham vọng biến kim loại thành vàng. Nó được xác định là một nguyên tố quan trọng, cần thiết cho việc tạo ra DNA, màng tế bào, và cho sự hình thành xương và răng ở người. Phốt pho là chất dinh dưỡng trong phân bón được sử dụng rộng rãi thứ hai, sau đạm và trước kali.
Thị trường phốt pho và các sản phẩm phái sinh toàn cầu được dự đoán sẽ tăng từ 65,13 tỷ USD vào năm 2021 lên 85,01 tỷ USD vào năm 2028 với tốc độ tăng trưởng 3,9%/năm. Thị trường phân lân toàn cầu dự kiến sẽ đạt 207 tỷ USD vào năm 2026, với tốc độ tăng trưởng 5,1%.
Các yếu tố thúc đẩy là sự tăng trưởng nhanh chóng trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm để đáp ứng nhu cầu của dân số thế giới ngày càng tăng trong bối cảnh đất nông nghiệp có hạn. Châu Á hiện là thị trường lớn nhất do các cộng đồng nông nghiệp lớn ở Trung Quốc và Ấn Độ.