Mỹ đồng ý cung cấp Patriot cho Ukraine, Ukraine lại hy vọng về Vòm Sắt
Trong chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Ukraine Zelensky, Tổng thống Mỹ Biden công bố một thay đổi đặc biệt quan trọng đối với chính sách của Mỹ. Washington giờ sẽ gửi tới Ukraine các hệ thống phòng không Patriot để giúp nước này đối phó với UAV và tên lửa của Nga.
Hệ thống phòng không Vòm Sắt của Israel. Ảnh: Army Technology.
Về một số phương diện, động thái này thu hút sự chú ý vào Israel. Quốc gia Tây Á này đã từ chối cung cấp cho Ukraine hệ thống phòng không Vòm Sắt mà Ukraine rất khát khao. Hệ thống Vòm Sắt có tỷ lệ thành công lên tới hơn 90%, chặn được rocket, tên lửa và UAV. Đây là một trong các hệ thống vũ khí tiên tiến hàng đầu của Israel.
Giới chức Ukraine đã thúc giục Mỹ cung cấp cho họ hệ thống vũ khí này. Lời thỉnh cầu chính thức được phát đi từ Văn phòng Tổng thống Ukraine, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Ukraine và Đại sứ quán Ukraine ở Israel.
Vì sao Israel e ngại cung cấp tên lửa phòng không Vòm Sắt ra ngoài?
Có một số lý do khiến Israel từ chối đề nghị của Ukraine.Trước tiên và quan trọng nhất, Israel lo ngại nếu một hệ thống Vòm Sắt được triển khai ở Ukraine, hệ thống đó sẽ bị phía Nga thu giữ được trên chiến trường. Khi Nga đã thu giữ được Vòm Sắt, khả năng cao hệ thống này sẽ được gửi tới Iran để phân tích giúp Iran tìm cách chống lại hệ thống phòng không này khi xảy ra đụng độ quân sự với Israel. Những phân tích về Vòm Sắt cũng có thể giúp sức cho các tổ chức vũ trang như Hezbollah, Hamas và phong trào Jihad ở Palestine trong tình huống nổ ra xung đột với Israel. Chính phủ đương nhiệm của Israel đã tuyên bố rõ họ không mạo hiểm làm như vậy. Chính phủ mới của Israel có lẽ cũng sẽ đưa ra tuyên bố tương tự.
Thứ hai, Israel dè dặt với việc cung cấp vũ khí phòng không này trong bối cảnh quân đội Israel đánh giá rằng bản thân họ cần có thêm các hệ thống đánh chặn để tự vệ. Việc sản xuất các hệ thống như thế sẽ đòi hỏi một khoảng thời gian nhất định, còn việc xuất khẩu Vòm Sắt sang Ukraine có thể làm gián đoạn quá trình cung cấp thêm vũ khí phòng không cho quân đội Israel.
Thứ ba, lượng thời gian cần thiết để huấn luyện quân nhân Ukraine vận hành hệ thống Vòm Sắt sẽ không giúp được Ukraine trong ngắn hạn. Trong khi đó, đối với lực lượng quân sự Ukraine, hệ thống phòng không Patriot của Mỹ có thể dễ dàng làm chủ hơn.
Cuối cùng, Israel không muốn kích thích một phản ứng cứng rắn từ phía Nga - quốc gia duy trì sự hiện diện đáng kể ở Syria, nơi Israel có nhiều hoạt động đều đặn để vô hiệu hóa các nỗ lực của Iran cung ấp vũ khí cho Hezbollah ở Lebanon.
Patriot giúp giảm áp lực lên Israel?
Dường như có một sự phân công giữa Mỹ và Israel. Với việc hệ thống Patriot được triển khai ở Ukraine, Ukraine sẽ không còn khẩn thiết cần hệ thống phòng không Vòm Sắt nữa. Giờ đây Israel có thể tập trung vào các viện trợ mà Israel đã cam kết dành cho Ukraine. Israel đã đồng ý cung cấp cho Ukraine các viện trợ nhân đạo (chủ yếu thông qua một bệnh viện dã chiến lớn nằm ở biên giới với Ba Lan).
Israel cũng có khả năng cung cấp cho Ukraine thông tin tình báo chính xác và kịp thời về các hoạt động của Iran cũng như UAV và tên lửa đạn đạo mà Iran cung cấp cho Nga. Ngoài ra, Israel cũng có thể gửi các cảm biến và một hệ thống Cảnh báo sớm tích hợp cho Ukraine.
Vũ khí Mỹ hay Israel khi được gửi tới Ukraine thì đều đối mặt với rủi ro như nhau. Các hệ thống vũ khí của Mỹ bị thu giữ có thể được cả Nga và Iran khai thác sử dụng, từ đó làm suy giảm hiệu quả của các vũ khí này trên chiến trường.
Thực tế, có thông tin cho biết một số hệ thống của Mỹ đã bị quân Nga ở Ukraine thu giữ, và một số hệ thống vũ khí như thế đã được Nga chuyển cho Iran.
Chắc hẳn Tổng thống Biden và đội ngũ cố vấn của mình đã cân nhắc kỹ các rủi ro đó trước khi quyết định gửi Patriot cho Ukraine.