Để hiểu tường tận hơn sự tích này, chúng ta cần lật lại lịch sử 1 chút. Vào đầu thế kỷ 16 là thời điểm có phần rối ren của xã hội, lúc này, vua Lê Chiêu Tông bị Mạc Đăng Dung hãm hại, cướp đi ngôi báu.
Theo người xưa kể lại, trong thời gian bị giam lỏng, biết mình khó qua nổi đại nạn lâm đầu nên vua Lê Chiêu Tông đã để lại "giọt máu hoàng tộc" với 1 người phụ nữ dân gian. Sau này, bà hạ sinh 1 đứa bé và đặt tên là Chổm (tên thật là Lê Duy Ninh).
Do sống trong cảnh nghèo khổ từ nhỏ nên cậu bé thường phải làm lụng thêm cùng mẹ để trang trải cuộc sống. Nhưng lạ là, sau mỗi chiều đi làm về, Chổm thường ăn ở những gánh hàng nhỏ, nhưng cứ hàng nào có cậu ngồi thì khách đến đông, đồ bán chạy như tôm tươi, còn những chỗ khác thì ế chỏng chơ.
Phố Tống Duy Tân và ngõ Cấm Chỉ thông với nhau.
Chính vì được coi là người mang may mắn nên Chổm thường được các bà chủ cho ăn chịu, chỉ cần ghi nợ là được bởi chắc chắn kiểu gì hôm đó cũng đông khách. Cứ như vậy, thành thói quen, cậu nợ ngày một nhiều nhưng cũng có lời hứa sau này làm ăn phát đạt nhất định sẽ trả đủ.
Không bao lâu sau, trung thần của triều cũ là Nguyễn Kim tìm và đón được 2 mẹ con Chổm về và tôn làm vua. Trên đường trở về kinh thành, những bà chủ cửa hàng trước đây cho Chổm ăn nợ ghi sổ nhận ra, ùn ùn kéo đến chỉ chỏ đòi nợ, có cả những người không biết gì cũng hùa theo.
Mà Chổm ăn nợ nhiều, làm sao nhớ hết mặt bao nhiêu con người phía trước để mà trả, thế nên quyết định miễn thuế 1 năm cho nhân dân trong vùng, coi như đó là để xóa nợ xưa. Đồng thời cho viết 1 bảng ghi "Cấm Chỉ" đặt ở gần của Nam để cấm dân tình sau này thấy vua không được chỉ chỏ đòi nợ nữa.
Và cũng từ đó, đoạn đường ngắn năm nào được đặt tên thành Cấm Chỉ, nay nó nằm giữa phố hàng Bông và Tống Duy Tân.
Tuy nhiên, còn 1 cách lý giải khác về cái tên này. Theo đó, nó là lối vào Dương Mã Thành, tức là 1 bộ phận của của Đông Nam, thường cấm không cho người dân qua lại sau khi đã có trống, chiêng báo chiều tối.
Ngoài ra, nếu so trên bản đồ cũ, Cấm Chỉ nằm gần cửa Nam, trên con đường từ Hoàng Thành đi ra, vua và các đại thần thường đi lại có quân lính hộ tống nên khi có đoàn kiệu, võng xuất hiện, luôn cấm người dân qua lại nơi này.
Tạm kết:
Dù chỉ là 1 con phố nhỏ ở trung tâm Hà Nội, nhưng Cấm Chỉ lại có rất nhiều những sự tích khác nhau để lý giải về tên gọi của nó cũng như lịch sử hình thành. Ngày nay, nó là 1 trong những tuyến phố sầm uất với nhiều hàng quán ăn uống nhất thủ đô.