Những ngày này, căn nhà của cụ Nguyễn Thị Tự (ở xóm Ao Trạch, xã Dân Hòa, huyện Kì Sơn, tỉnh Hòa Bình) bớt đi vẻ lạnh lẽo cô độc thường ngày. Thay vào đó là niềm vui tràn ngập xem lẫn những giọt nước mắt hạnh phúc.
Cách đây hơn một tháng, người con trai cả của bà Tự, ông Nguyễn Văn Khuyên đã trở về sau 36 năm công nhận liệt sĩ.
Gần 30 năm sau sự ra đi của người chồng, cụ Tự lủi thủi ở một mình trong căn nhà cũ. Bà không thể ngờ rằng, một ngày nào đó cụ lại được gặp cậu con trai bằng xương bằng thịt chứ không phải trong những cơn mơ mộng mị.
"Ngày nhận giấy báo tử của con, tôi và chồng chỉ biết khóc. Vợ chồng tôi chỉ mong trước khi nhắm mắt tìm được hài cốt của con chứ chưa bao giờ dám nghĩ con sẽ trở về mà vẫn sống", cụ nghẹn ngào kể.
Không chỉ cụ Tự mà mỗi ai ở xã Dân Hòa khi nói đến sự trở về của ông Khuyên cũng nhắc tới hai từ kỳ diệu.
Tháng 5/1978, ông Nguyễn Văn Khuyên khi đó mới 17 tuổi lên đường nhập ngũ. Sau 5 tháng huấn luyện, ông Khuyên được phân công chiến đấu tại chiến trường Campuchia.
Ở đây, ông tham gia vào đội du kích, bảo vệ xóm làng Campuchia trước chế độ diệt chủng Pôn Pốt.
Nhớ lại những tháng ngày chiến đấu với Pôn Pốt gian nan, ông Khuyên cho biết, kể từ khi đặt chân lên đất Campuchia, ông cùng đồng đội phải chiến đấu, truy quét Pôn Pốt liên tục.
Năm 1981, khi di chuyển đến gần biên giới Thái Lan, ông Khuyên cùng đồng đội giáp mặt với Pôn Pốt và đây cũng là trận đánh cuối cùng của người chiến sỹ trước khi bước vào những ngày tháng lưu lạc nơi xứ người.
Gần 40 năm lưu lạc nơi xứ người
Theo ông Khuyên, sau trận đánh với Pôn Pốt, ông di tản vào sâu trong rừng. Sau nhiều ngày di chuyển để tìm về đơn vị bất thành, ông Khuyên bị sốt rét.
Những tưởng mình sẽ mãi mãi nằm lại nơi rừng núi Campuchia nhưng ông Khuyên may mắn được một gia đình tại tỉnh Oddar Meanchey (Ốt-đa Miên-chay) cứu sống.
"Lúc đầu gia đình này không dám đưa tôi về làng vì lúc đó Pôn Pốt có mặt ở khắp nơi, thấy người lạ là có vấn đề.
Tôi phải nằm lại trong lán dựng tạm trong nương rẫy, rồi ngày ngày họ mang đồ ăn tới", ông Khuyên nhắc lại về ân nhân của mình.
Trong suốt thời gian này, ông Khuyên tiếp tục chống chọi với bệnh sốt rét. Phải sau 3 tháng được xông lá thuốc, chết đi sống lại không dưới 2 lần ông Khuyên mới đỡ.
"Nhiều hôm lên cơn sốt, phải 2,3 người khác đè lên người", ông Khuyên kể. Sau đó, ông Khuyên được gia đình ân nhân giữ lại và sống trong lán liên tục gần 1 năm cho đến khi ông biết được chút ít ngôn ngữ mới quyết định ra làng.
Thời gian đầu, do chưa quen với lối sống của người bản địa lại phải tránh Pôn Pốt nên ông Khuyên rất ít tiếp xúc với người lạ.
Ông cũng không nói gì vì sợ bị phát hiện. "Pôn Pốt lúc đó vẫn còn rất nhiều, lại sống lẫn trong dân, chỉ khi nó cầm súng bắn ai thì mình mới biết đó là Pôn Pốt", ông Khuyên nói.
Được sự mai mối, ông Khuyên sau đó kết hôn với một người phụ nữ hơn mình 4 tuổi, là con của gia đình đã cưu mang ông. Nhưng ông Khuyên sau đó mới biết, vợ mình cũng là con nuôi của gia đình này vì họ không có con.
Năm 1984, chia tay gia đình đã cưu mang mình, ông Khuyên cùng vợ rời Oddar Meanchey để tới Battambang (Bát-tam-bang) cách đó gần 300 cây số.
Ở lại đây thêm khoảng chục năm và chủ yếu sống bằng nghề nông, gia đình ông chuyển về sinh sống ở quê vợ tại tỉnh Takeo cho tới hiện tại.
Ông Khuyên cùng người vợ hơn tuổi có với nhau 8 người con, nhưng hai người con đã mất từ lúc còn nhỏ, còn hai người con gái khác của ông lại bị bệnh thần kinh.
Sinh nhiều con khiến cuộc sống của gia đình ông Khuyên nơi xứ người hết sức khó khăn. Bản thân ông trở thành người lo kinh tế chính sau khi vợ ông phải cắt một chân vì bệnh tiểu đường.
Ông Khuyên kể, nhiều đêm chỉ biết nằm khóc nhớ về quê hương vì điều kiện gia đình không cho phép.
"Nhiều lúc trong mơ được trở về nhà nhưng giật mình thì không phải...Gia đình đông con, nhiều lúc tích góp được đồng nào thì phải phải dành cho con cái, vợ thì đau ốm suốt, nên muốn về cũng không được.
Mở mắt ra thì chỉ nghĩ tới hôm nay lo sao cho đủ hai bữa cơm", ông Khuyên chia sẻ.
Thế là, trong sự quẩn quanh của nghèo đói, giấc mơ lớn nhất của ông Khuyên là trở lại quê hương phải gác lại sau gần 40 năm.
Gặp gỡ định mệnh ở Phnom Penh
Ông Khuyên làm thợ xây ở thủ đô Phnom Penh, cách nhà khoảng 50 cây số. Vào tháng 2, trong quá trình xây dựng tại một ngôi nhà, ông gặp một người đàn ông tên Trực (quê Nam Định) làm thợ mộc.
Trong cuộc trò chuyện, ông Khuyên đã kể hoàn cảnh của mình. Ông Trực sau đó chụp ảnh ông Khuyên và đưa địa chỉ quê nhà ông nhớ được lên mạng xã hội Facebook để tìm kiếm người thân.
Tuy nhiên, phải vài tháng sau, người thân của ông Khuyên ở Việt Nam mới có cơ hội tiếp cận được thông tin mà ông Trực chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Tình, em trai của ông Khuyên nhớ lại khoảnh khắc nhận được tin của anh trai: "Lúc đó, tôi đang nằm ngủ trên gác thì con gái mang điện thoại đưa cho xem.
Tôi đọc thông tin trên mạng thì đúng là tên anh trai mình, địa chỉ xã cũng đều đúng hết. Nhưng vẫn không tin lắm vì mạng xã hội nhiều lúc không biết thật hay giả nữa".
Ngày 18/6, ông Khuyên cho biết đang ăn Tết Đoan Ngọ (5/5 Âm lịch) ở nhà theo truyền thống của Việt Nam thì nhận được thông báo từ ông Trực rằng có người nhà từ Hòa Bình liên hệ sang.
Ông Khuyên mừng rơi nước mắt, thu xếp công việc lên Phnom Penh ngay trong ngày hôm sau.
Ông Khuyên nhớ, vào khoảng 7h sáng, ông được gọi điện để nói chuyện với gia đình ở Việt Nam. Người đầu tiên mà ông Khuyên gặp là người em dâu tên Trần Thị Kim Ngân.
Tuy nhiên, cả hai đều không biết nhau trước đó. Sau đó, mẹ cùng các anh em ông Khuyên mới tề tựu đông đủ, một cuộc trò chuyện đầy niềm vui và nước mắt kéo dài cả ngày bắt đầu.
Có mặt trong cuộc gặp gỡ, ông Tình kể: "Lúc đầu, tôi chưa dám nhận là anh mình, đợt anh đi bộ đội, tôi mới có 9 tuổi nên không hình dung hết được hình ảnh của anh, giờ gặp anh lúc đã già rồi nên ngợ lắm.
Nhưng khi nhìn thấy anh mình tôi có cảm giác rất lạ. Tôi hỏi anh Khuyên về một vài điều thì anh đều nói đúng. Tôi nói, đây đúng là anh mình rồi và thế là tất cả cùng òa khóc".
Hạnh phúc nhất có lẽ là cụ Nguyễn Thị Tự, người phụ nữ ngoài 80 tuổi này không thể ngờ một ngày bà lại gặp được cậu con trai mà gần 40 năm qua bà vẫn tổ chức giỗ vào ngày 27/7.
Nhưng cũng như ông Nguyễn Văn Tình, cụ Tự lúc đầu cũng không nhận. "Lúc đi nó còn trai tráng lắm, giờ bỗng ở đâu xuất hiện một người tóc bạc phơ.
Tôi hỏi có đúng phải con không Khuyên, thì nó bảo con đây, nước mắt tôi rơi. Thế rồi tôi bảo, con có chịu về với mẹ không để mọi người qua đón, nó đồng ý ngay".
Ngày 9/7, ông Nguyễn Văn Tình cùng em dâu lên đường qua Campuchia để đón anh trai. Tại sân bay ở Campuchia, những giọt nước mắt hạnh phúc tiếp tục rơi.
"Tôi và anh trai mình ôm chầm lấy nhau", anh Tình kể. Ở lại Campuchia thêm hai ngày, ông Khuyên cùng các em lên đường trở lại quê hương.
Chỉ tay ra mảnh vườn trước cửa nhà ở Hòa Bình, ông Khuyên bảo, giờ mọi thứ đều khác, ngay cả cái ngõ trước vẫn đủ cho hai ô tô thì nay đã bé lại. "Nhưng ký ức của tôi về những người thân đều vẫn còn nguyên", ông Khuyên nói.
Ông Khuyên cho biết, ông sẽ ở lại Việt Nam để sống với mẹ bù đắp những quãng thời gian thiếu thốn bấy lâu nay. Người con trai lớn của ông Khuyên cũng qua Việt Nam thăm hỏi họ hàng rồi lại trở lại Campuchia.
Xác nhận với phóng viên về trường hợp của ông Khuyên, một cán bộ xã Dân Hòa cho biết đây là một trường hợp hy hữu của địa phương, UBND xã đã báo cáo sự việc lên huyện.
Ngày ông Khuyên trở về, đại diện phòng LĐ&TBXH huyện Kỳ Sơn cũng đến thăm hỏi, ghi nhận trường hợp hy hữu của người chiến sỹ trở về suốt 36 năm lưu lạc nơi xứ người.