Binh sĩ Liên Xô. Ảnh: Sputnik.
Thời đó, hai siêu cường Mỹ và Liên Xô thường trực trong trạng thái sẵn sàng nổ ra chiến tranh nóng với nhau. Mọi người đều chắc chắn rằng nếu Thế chiến III nổ ra, đó sẽ là chiến tranh hạt nhân, trong đó hai bên chắc chắn sẽ hủy diệt lẫn nhau.
Tuy nhiên vào năm 1979, Liên Xô phát triển một kế hoạch để đè bẹp đối thủ sừng sỏ nhất của mình mà vẫn tránh được thảm họa hạt nhân. Kế hoạch mang tên “Bảy ngày tiến tới sông Rhine” (lần đầu tiên được Bộ Quốc phòng Ba Lan công bố vào năm 2005) hứa hẹn sẽ đập tan các lực lượng của khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Âu chỉ trong một tuần lễ.
Phản ứng lại thái độ thù địch từ NATO
Moscow tin rằng NATO sẽ tấn công họ trước. Theo kế hoạch đó, khối quân sự này sẽ ném bom hạt nhân xuống 25 mục tiêu bên trong Ba Lan dọc theo sông Vistula, biến quốc gia này (khi đó thuộc khối XHCN) thành một vùng ô nhiễm và bị tàn phá nặng nề, từ đó cắt đứt quân Xô viết ở Đông Đức, Hungary, và Tiệp Khắc khỏi các căn cứ chính ở Liên Xô.
Tuy nhiên, hành động trên của NATO cũng lập tức kích hoạt hành động phản ứng của Khối Hiệp ước Warsaw (Vác-sa-va). Các lực lượng hạt nhân Liên Xô sẽ tấn công Tây Đức, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, và miền bắc Italy. Như vậy, trụ sở của NATO ở Brussels cũng sẽ bị phá hủy.
Tuy nhiên, theo kế hoạch này Liên Xô sẽ không tấn công hạt nhân vào Mỹ, Pháp, và Anh Quốc. Ý đồ của Liên Xô là gieo rắc sự chia rẽ trong nội bộ các đồng minh phương Tây của Mỹ và NATO. Liên Xô hiểu rằng không phải Bộ tổng chỉ huy của NATO mà là ban lãnh đạo Mỹ, Pháp, và Anh quyết định một cách riêng rẽ về cách thức và thời điểm sử dụng bom hạt nhân. Như vậy, nếu không tấn công hạt nhân 3 nước này, Liên Xô dành cho đối phương sự lựa chọn khó khăn: Tấn công hạt nhân vào Liên Xô thì chắc chắn sẽ bị tấn công hạt nhân đáp trả; hoặc chiến đấu không sử dụng năng lực hạt nhân, hay thậm chí tránh xa xung đột.
Sau khi kết thúc loạt tấn công bằng vũ khí hạt nhân, quân đội Liên Xô và quân đội Séc lên kế hoạch đột phá qua phòng tuyến đối phương hướng về sông Rhine. Họ tính toán vậy là vì về số xe tăng, họ vượt NATO tới vài lần, nên họ chắc chắn về thành công. Đồng thời, nước Áo trung lập nhưng có tầm quan trọng chiến lược, sẽ bị quân Hungary tấn công và chiếm giữ.
Trong lúc các lực lượng đổ bộ của Liên Xô đánh chiếm các cầu quan trọng bắc qua sông thì không quân của Khối Hiệp ước Warsaw sẽ có nhiệm vụ tiêu diệt các căn cứ quân sự và sân bay của NATO trên phần đất châu Âu.
Nhiệm vụ quan trọng được giao phó cho hải quân Liên Xô, đó là cắt đứt mọi liên lạc giữa Mỹ và châu Âu trên Đại Tây Dương và ngăn Mỹ gửi viện binh cho các đồng minh. Các tàu ngầm Liên Xô sẽ săn lùng và phá hủy quân át chủ bài của hải quân Mỹ - các nhóm tấn công của tàu sân bay. Trong khi ấy, các tàu ngầm hạt nhân của Liên Xô ở Bắc Băng Dương sẽ sẵn sàng đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân do Mỹ thực hiện.
Ngây thơ?
Moscow tin rằng nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ theo đúng kế hoạch thì các lực lượng chủ lực của NATO ở châu Âu sẽ bị nghiền nát trong 7 ngày. Nếu cần thiết, Lục quân Liên Xô sẽ tiếp tục tiến về phía Pháp. Theo tính toán của Liên Xô, ban lãnh đạo của các nước phương Tây lúc đó sẽ ở trong tình trạng sốc và phân tán tư tưởng, và sẽ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc ngồi vào bàn đàm phán, khi ấy chiến tranh hạt nhân quy mô lớn có thể tránh được.
Bộ tư lệnh quân đội Xô viết hoàn toàn chưa tính tới học thuyết phòng thủ tập thể của NATO, được công bố trong Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 1949, theo đó nếu một nước thành viên bị tấn công thì coi như cả liên minh này bị tấn công. NATO sẵn sàng leo thang cuộc chiến tranh hạt nhân quy mô đầy đủ dù chỉ một trong các nước thành viên bị tấn công hạt nhân, bất chấp việc nước này có sở hữu vũ khí hạt nhân riêng hay không.
Thậm chí các đồng minh thân cận của Liên Xô trong Khối Hiệp ước Warsaw cũng cho rằng kế hoạch “Bảy ngày tiến tới sông Rhine” là lạc quan thái quá và gần như bất khả thi. Tuy nhiên, Liên Xô giữ bí mật về các cuộc tập trận dựa trên kế hoạch này trong 10 năm liền, tới cuối thập niên 1980./.