Báo Wall Street Journal (Mỹ) ngày 1/6 đưa tin: các phi công Mỹ hoạt động trên bầu trời Biển Hoa Đông, thuộc Thái Bình Dương từng 20 lần trở thành mục tiêu của các vụ tấn công bằng tia laser trong những tháng gần đây.
Trong một bản tin của Đài phát thanh Australia được phát trong ngày 29/5 vừa qua, trích dẫn các nguồn tin của Bộ Quốc phòng Australia cho biết: chiếc trực thăng của Hải quân nước này đã bị tia laser từ các tàu cá gần đó chiếu vào khi đang thực hiện nhiệm vụ huấn luyện đêm trên khu vực Biển Đông.
Phi hành đoàn đã phải hủy nhiệm vụ chuyến bay và chiếc trực thăng trên đã hạ cánh an toàn trên tàu mẹ; sau đó các thành viên phi hành đoàn được kiểm tra y tế và xem xét các thương tổn.
Báo cáo cũng không cho biết những chiếc tàu đánh cá chiếu tia laser có mang cờ Trung Quốc hay không; nhưng thực tế hiện nay Trung Quốc đang duy trì đội tàu đánh cá lớn nhất trong khu vực.
Mặc dù nguồn tin không chỉ đích danh, nhưng dư luận đều cho rằng lực lượng "Dân quân biển" của Trung Quốc được cho là đứng sau cuộc tấn công bằng laser vào chiếc máy bay trực thăng của hải quân Australia trên Biển Đông vừa qua cũng như một loạt các cuộc tiến công tương tự khác vào lực lượng không quân của Mỹ tại Biển Hoa Đông trước đó.
Theo một báo cáo của một nhóm chuyên gia cố vấn thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington, D.C cho biết: nhiều tàu trong số này không tham gia vào các hoạt động đánh bắt cá, mà thực tế thuộc về lực lượng dân quân biển, một lực lượng bán quân sự, có nhiệm vụ tham gia tuần tra, giám sát, tiếp tế và các nhiệm vụ khác để tăng cường sự hiện diện của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp thuộc khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Lý do thúc đẩy Trung Quốc thành lập lực lượng dân quân biển?
Andrew Erickson, giáo sư về chiến lược tại Viện nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc của Đại học Hải quân Mỹ, cho biết: lực lượng dân quân biển của Trung Quốc là một thành phần của lực lượng vũ trang Trung Quốc, được sử dụng trong các nhiệm vụ ở "vùng xám", hay nói cách khác là đấu tranh bảo vệ lợi ích trên biển ở cường độ thấp với các hoạt động mang tính chất quấy rối liên tục, gây căng thẳng, ức chế cho các lực lượng chấp pháp của các quốc gia trong khu vực hoặc các lực lượng hải quân của các nước đang hiện diện trên khu vực Biển Đông hoặc Biển Hoa Đông.
Erickson khẳng định rằng, Trung Quốc đã sử dụng lực lượng dân quân biển để thúc đẩy các yêu sách về chủ quyền biển khu vực đang tranh chấp tại Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Theo Erickson, những dân quân biển thực chất là những ngư dân hoặc công nhân hàng hải, họ vẫn làm công việc bình thường; nhưng được huấn luyện quân sự và sẵn sàng phục tùng mệnh lệnh khi được yêu cầu của Hải quân Trung Quốc.
Còn chuyên gia của CSIS cho rằng, những thành viên của lực lượng dân quân biển được huấn luyện bài bản và trang bị tốt; lực lượng này tham gia vào các hoạt động bán quân sự như quấy rối các tàu nước ngoài hoạt động gần các đảo nhỏ bị Trung Quốc kiểm soát hoặc các hoạt động khiêu khích, thậm chí là đâm va với các tàu từ các quốc gia láng giềng.
Khu vực Đá Subi bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp. Ảnh: AFP
Trong Báo cáo sức mạnh quân sự Trung Quốc năm 2019, Lầu Năm Góc đã gọi lực lượng dân quân biển là một thành phần của lực lượng vũ trang Trung Quốc; thực chất là dân thường được vũ trang, sẵn sàng có thể huy động vào nhiệm vụ chiến đấu. Báo cáo nói thêm, lực lượng dân quân biển đóng vai trò chính trong các hoạt động cưỡng chế, nhằm đạt được mục tiêu chính trị mà không cần chiến đấu.
Trung Quốc đã phát triển các đơn vị dân quân biển có tính chuyên nghiệp hóa, quân sự hóa và được trả lương cao; hiện nay lực lượng dân quân biển của Trung Quốc được biên chế 84 tàu; các tàu này đều có gắn vòi rồng trên cột buồm để phun nước và vỏ tàu được gia cố để đâm va.
Tiêu biểu trong đội tàu của lực lượng dân quân biển hoạt động ở khu vực Biển Đông trong báo cáo của CSIS đó chính là đội tàu Yue Yue Tai Yu, gồm 9 tàu đánh cá, mỗi tàu có chiều dài 62,8 mét được đóng bởi Công ty đóng tàu và công nghiệp nặng Guangxin năm 2017.
CSIS đã sử dụng hệ thống nhận dạng tự động của các tàu này để theo dõi hoạt động của chúng; họ đã xác định được sau khi rời xưởng đóng tàu, những tàu cá này đã đi đến cảng Shadi thuộc tỉnh Quảng Đông và đây là căn cứ để xuất phát đến các chuỗi đảo ở khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Khu vực mà những tàu này thường ở lại lâu dài là vỉa đá ngầm Subi, đá Vành Khăn, đá Gaven và đá Gạc Ma - nơi Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp trái phép để xây dựng những căn cứ quân sự rộng lớn, bất chấp sự phản đối của dư luận quốc tế.
Những hình ảnh vệ tinh có độ phân giải cao cho thấy, những tàu này dành rất ít thời gian cho việc đánh bắt cá; thời gian chủ yếu là lảng vảng ở vùng biển xung quanh đảo Thị Tứ và đảo Loại Ta hiện bị Philippines kiểm soát, để gây hấn với lực lượng chấp pháp của Philippines; hoặc quấy rối, ngăn cản, thậm chí là đâm chìm các tàu cá của ngư dân nước này đến khu vực này đánh bắt cá.
Một lời cảnh báo
Trung Quốc không che giấu sự tồn tại của lực lượng dân quân biển và họ luôn khẳng định dân quân biển là một thành phần không thể thiếu của lực lượng vũ trang Trung Quốc.
Trên thực tế, Đô đốc John Richardson - Tham mưu trưởng hải quân Mỹ, trong một cuộc họp với người đồng cấp Trung Quốc, Phó Đô đốc Shen Jinlong đã lên tiếng cảnh báo rằng, ông biết Trung Quốc sử dụng các tàu phi quân sự để giúp Bắc Kinh tuyên bố tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Theo một cuộc phỏng vấn trong cuộc họp vào tháng 1 vừa qua với tờ Thời báo Tài chính của Anh, ông Richardson cũng cho biết, Mỹ sẽ đáp trả các hành động gây hấn của những con tàu đó giống như với tàu Hải quân Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Richardson đã không nói rõ những biện pháp đó sẽ là gì? Và một thực trạng hiện nay là hàng trăm tàu của lực lượng dân quân biển Trung Quốc đang từng ngày, từng giờ đang có mặt trên các vùng biển có tranh chấp nhưng không có lực lượng nào ngăn chặn, làm tình hình khu vực tiếp tục căng thẳng.