Trong ngày 28/7, Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần thuộc Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã phát đi liên tục 21 bản tin động đất tại khu vực huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum.
Trong đó, trận động đất có độ lớn lớn nhất vào trưa 28/7 ghi nhận lên tới 5.0 độ xảy ra vào lúc 11 giờ 35 phút 10 giây, tọa độ 14.827 độ vĩ Bắc, 108.245 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2.
Cường độ trận động đất này khá mạnh. Không chỉ người dân sống ở khu vực tâm chấn có thể cảm nhận rõ rung lắc mà các tỉnh thành lân cận như Gia Lai, Đắk Lắk, Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế… đều thấy rõ rung chấn của hai trận động đất này.
Mới nhất là trận động đất xảy ra vào lúc 23 giờ 13 phút 55 giây ngày 28/7 có độ lớn 3.0 xảy ra tại huyện Kon Plông có vị trí có tọa độ (14.910 độ vĩ Bắc, 108.188 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.
Các trận động đất còn lại có độ lớn từ 2.5 đến 4.1, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1-10 km cũng được ghi nhận tại khu vực huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum.
Cũng trong sáng 28/7, Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã ban hành văn bản, yêu cầu thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện; các cơ quan đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện; Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn Măng Đen khẩn trương ứng phó với động đất.
Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông yêu cầu thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện theo phân công địa bàn phụ trách, khẩn trương xuống địa bàn nắm tình hình, đánh giá thiệt hại nhà cửa, tài sản, trụ sở các cơ quan, đơn vị để có phương án xử lý, khắc phục kịp thời thiệt hại do động đất gây ra; phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn triển khai các biện pháp ứng phó với động đất, đồng thời nắm bắt tư tưởng, động viên nhân dân ổn định tư tưởng, tiếp tục lao động, sản xuất và ổn định cuộc sống.