Trong tuần qua, giá vàng thế giới đã liên tiếp phá đỉnh lịch sử mà theo truyền thông Phương Tây, nguyên nhân chính đến từ Trung Quốc, bên cạnh các yếu tố bất ổn địa chính trị và kinh tế khác.
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng giao ngay tăng lên 2.178 USD/ounce, thậm chí có thời điểm chạm 2.194 USD/ounce, mức cao nhất lịch sử.
Phiên 9/3/2024 cũng là phiên thứ 4 liên tiếp kim loại quý lập đỉnh mới, qua đó cho thấy sự "điên loạn" của giá vàng thế giới.
Tính từ đầu tuần, giá đã tăng hơn 3%. Đây là tuần tăng mạnh nhất của vàng từ giữa tháng 10/2023.
Cơn khát từ Trung Quốc
Hãng tin Bloomberg cho hay nhiều chuyên gia nhận định bên cạnh sự kỳ vọng của các nhà đầu tư vào việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) nới lỏng chính sách tiền tệ ảnh hưởng đến thị trường vàng thì một phần nguyên nhân chính lại đến từ Trung Quốc.
Việc giá vàng tăng trước những bất ổn của địa chính trị cũng như kỳ vọng thay đổi chính sách tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản là điều không thể bàn cãi.
Tuy nhiên theo Bloomberg, giá vàng tăng thái quá khi liên tiếp phá đỉnh trong bối cảnh lãi suất vẫn còn cao như hiện nay thì lại quá bất thường. Xin được nhắc rằng đầu tư vào vàng không trả lãi cao như các kênh tài sản khác và phần lớn trở thành nơi trú ẩn tài sản hoặc đầu cơ.
Bởi vậy giá vàng thường chỉ phá đỉnh kỷ lục khi lãi suất giảm, thời điểm các kênh đầu tư khác cho lợi suất không bằng vàng và có độ rủi ro cao hơn.
Do đó, Bloomberg chỉ ra rằng chính cơn khát vàng từ Trung Quốc mới là nguyên nhân chính cho sự điên loạn của giá vàng hiện nay.
Vì lãi suất vẫn ở mức cao nên trong khi các nhà đầu tư Phương Tây bán tháo vàng để chuyển qua đầu tư những kênh khác như chứng khoán, tiền số thì Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) cũng như người tiêu dùng nước này lại tăng cường tích trữ kỷ lục.
Theo Bloomberg, nền kinh tế gặp nhiều bất ổn đã khiến người dân Trung Quốc đi ngược lại thế giới, dịch chuyển tiền khỏi chứng khoán và bất động sản để hướng vào vàng nhằm giữ giá trị tài sản.
"Thị trường vàng không được thúc đẩy bởi các nhà đầu tư phương Tây mà là Trung Quốc. Nền kinh tế Châu Á này trong cả năm ngoái lẫn năm nay vẫn là động lực thúc đẩy giá vàng", chuyên gia phân tích Bernard Dahdah của Natixis nhận định.
Tất nhiên theo nhiều chuyên gia, việc FED có khả năng hạ lãi suất cũng khiến nhiều nhà đầu tư quan tâm hơn đến thị trường vàng, thế nhưng điều này không đủ động lực để đẩy giá kim loại quý này lên cao kỷ lục liên tiếp như vậy.
16 tháng liên tiếp
Đồng quan điểm, hãng tin CNBC cho hay PBOC đã liên tục mua vàng từ tháng 11/2022, đưa tổng dự trữ lên 2.257 tấn, đồng thời đã gia tăng lượng dự trữ vàng 16 tháng liên tiếp.
"Dự trữ vàng của PBOC đã tăng 16 tháng liên tiếp", chuyên gia phân tích Krishan Gopaul của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết khi PBOC mua ròng 12 tấn vàng trong tháng 2/2024.
Mặc dù tăng mua nhưng lượng vàng hiện tại mới chiếm 4% tổng dự trữ chiến lược của PBOC, do đó khả năng cơ quan này tiếp tục tích trữ vàng là vô cùng lớn.
"Tôi cho rằng các ngân hàng trung ương ngày càng tăng mua vàng và giảm nắm giữ các ngoại tệ khác trong bối cảnh thế giới phân cực, đầy bất ổn", giám đốc Ryan McIntyre của Sprott nói.
Theo CNBC, nhu cầu tích trữ vàng của các ngân hàng trung ương được cho là yếu tố chính giúp kim loại quý giữ được ngưỡng hỗ trợ 2.000 USD vài tháng qua.
Báo cáo cả năm 2023 của WGC vào tháng 1/2024 cho thấy tổng khối lượng vàng giao dịch trên toàn cầu đạt kỷ lục 4.899 tấn. Trong đó, lượng mua giai đoạn 2022-2023 từ các ngân hàng trung ương vượt 1.000 tấn.
Đặc biệt, báo cáo chỉ ra PBOC là bên mua vàng nhiều nhất với 225 tấn trong năm 2024.
"Năm 2023 là năm thứ hai liên tiếp các ngân hàng trung ương tăng mua vàng ở mức kỷ lục", giám đốc nghiên cứu Shaokai Fan của WGC thừa nhận.