Từ Syria tới Libya, Thổ đã 2 lần bị các tiêm kích lạ "chọc gậy bánh xe"?
Tiếng súng thưa thớt ở Syria không đồng nghĩa với xung đột ở Trung Đông chấm dứt, có thể hiểu một cách đơn giản rằng những "bất đồng" của Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria đã tạm thời được các bên gác lại để tập trung cho một mục tiêu mới "đầy hứa hẹn", Libya.
Cùng với thỏa thuận quân sự được Thổ Nhĩ Kỳ ký kết với Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) vào cuối năm 2019, trong nửa đầu năm 2020 Ankara đã dần "trám lỗ hổng" trong năng lực quân sự của GNA cùng lúc với chiến sự tiếp diễn tại quốc gia Bắc Phi này.
Cho tới thời điểm hiện tại, với hàng chục nghìn lính đánh thuê Syria, hàng trăm trang thiết bị quân sự và máy bay không người lái (UAV) ở Libya, lực lượng dân quân GNA có lẽ chỉ còn là "bình phong" cho một cuộc chiến để Ankara tái khẳng định vị thế "ông lớn".
Mặc dù liên tục bác bỏ tham vọng tái thiết lập Đế chế Ottoman ở Trung Đông và Bắc Phi, tuy nhiên những gì đã diễn ra ở Syria và Libya cho thấy người Thổ cũng đang muốn "trỗi dậy lần nữa" trong một khu vực thiếu vắng sức mạnh của người Mỹ.
Nhưng cũng như cuộc không kích khiến hàng chục lính Thổ thương vong ở Idlib cuối tháng 2, cuộc tập kích của "máy bay không xác định danh tính" tại căn cứ al-Watiya hôm 5/7 đã một lần nữa "chọc gậy bánh xe", làm phá sản từ "trứng nước" tham vọng nói trên của Ankara.
Một quan chức Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã bình luận về vụ tập kích hôm 5/7 tại al-Watiya rằng nó "cho thấy Tướng Haftar và những quốc gia ủng hộ ông muốn Libya tiếp tục hỗn loạn".
Cảnh quay vụ tập kích căn cứ al-Watiya, Libya hôm 5/7 được tờ báo Arab al-Hadath công bố (Nguồn: al-Hadath /al-Arabiya).
S-125 tới al-Watiya, Thổ ngầm công nhận điểm yếu "chí tử" của MIM-23 Hawk?
Vài giờ sau cuộc tập kích hôm 5/7, Quân đội Quốc gia Libya (LNA) tuyên bố rằng 9 mục tiêu tại al-Watiya đã bị vô hiệu hóa "ở mức 80%" và một chỉ huy hàng đầu của lực lượng "viễn chinh" Thổ Nhĩ Kỳ đã bị thiệt mạng.
Đáng chú ý là các hệ thống phòng không MIM-23 HAWK, hệ thống tác chiến điện tử KORAL và các radar phòng không đã bị phá hủy chỉ sau 2 ngày chúng được triển khai tại al-Watiya.
Sáng 7/7, hãng tin Asharq al-Awsat đưa tin Thổ Nhĩ Kỳ tái triển khai các hệ thống phòng không mới tại căn cứ al-Watiyah.
Theo trang tin Haber7, Ankara sẽ triển khai các hệ thống S-125 mà họ mới mua từ Ukraine tại al-Watiya (5 bệ phóng) và khu vực lân cận thành phố Sirte (1 bệ phóng) để ngăn các cuộc tập kích tương tự diễn ra.
Việc đưa hệ thống S-125 tới al-Watiya được cho là để ứng phó với các mục tiêu di chuyển với tốc độ cao và ở độ cao thấp - nhiều khả năng là cách mà các "máy bay không xác định danh tính" đã tiếp cận căn cứ và khiến MIM-23 HAWK "trở tay không kịp" hôm 5/7.
Nếu suy đoán này là chính xác thì có lẽ Thổ Nhĩ Kỳ đã kịp nhận ra điểm yếu chí tử trong năng lực phòng không của chính mình và với việc đưa S-125 trực chiến, Ankara đã tỏ rõ quyết tâm trong việc tiếp tục hỗ trợ GNA ở Libya.
Việc các hệ thống phòng không MIM-23 Hawk bị phá hủy tại al-Watiya là một đòn giáng mạnh vào tham vọng chiếm ưu thế trên không trong khu vực Tripolitania của Thổ Nhĩ Kỳ.
Vào cuối năm 2019, Tập đoàn xuất nhập khẩu vũ khí nhà nước Ukrspetsexport của Ukraine đã bí mật bàn giao radar cảnh giới băng tần L MARS-L, radar cảnh giới P-180U và hệ thống phòng không S-125M1 Pechora-M1 cho một công ty của Thổ Nhĩ Kỳ.
Cuối tháng 5/2020, các nguồn tin địa phương chưa được xác thực ở Libya cho biết GNA đã nhận được hệ thống S-125 và đưa vào trang bị.
Mặc dù có tầm bắn ngắn hơn và độ cao tối đa thấp hơn các thế hệ trước (S-25 và S-75) nhưng tên lửa hai giai đoạn của S-125 có lợi thế nhất định với tốc độ cao (có thể đạt đến Mach 3-3,5) và kích hoạt đầu dò mục tiêu bằng hồng ngoại (IR) ở cuối hành trình.
Để đối phó với các mục tiêu di động ở độ cao thấp, S-125 được cho là thích hợp hơn MIM-23 Hawk do tên lửa của hệ thống do Mỹ sản xuất chỉ có tốc độ Mach 2.4 và dẫn đường bằng radar bán chủ động.
Tổ hợp S-125 Pechora diễn tập tiêu diệt mục tiêu.