Ảnh: Cắt từ video trong bài
Vào khoảng 2h sáng ngày 3/7, một nữ sinh (sinh năm 2000, trú tại xóm Yên Phú, xã Nghĩa Lâm, Nghệ An) đã bị một con rắn cạp nia cắn vào cổ và tay khi đáng ngủ ở tầng 2, sau đó cô được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng đến ngày 8/7 thì không qua khỏi.
Chỉ 2 ngày sau, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết đã tiếp nhận và điều trị một trường hợp tương tự khi bị rắn cạp nia cắn trong lúc đi ra vườn, nạn nhân là một cháu bé 5 tuổi (trú xã Hưng Đông, TP Vinh, Nghệ An). May mắn là cháu bé đã được cứu sống kịp thời.
Hai sự việc trên khiến nhiều người không khỏi lo ngại về loài rắn cực độc này, vậy rắn cạp nia nguy hiểm đến mức nào?
Dấu hiệu nhận biết loại rắn này rất đơn giản, đó là những khoang đen trắng xen kẽ nhau.
Có một loài rắn giả cạp nia, không hề có độc nhưng có khoang đen trắng là rắn sói - Tên khoa học là Lycodon septentrionalis. Mặc dù vậy, hễ gặp rắn khoang đen - trắng thì phải vô cùng cảnh giác.
Xem video clip động vật:
Loài rắn độc bậc nhất Việt Nam - Malayan krait (Bungarus candidus)
Ở Việt Nam có 4 loài rắn cạp nia khác nhau phân bố ở miền Bắc, Đông Bắc và ở miền Nam, tất cả đều là những loài rắn độc chết người. Cùng với rắn cạp nong (khoang đen - vàng), thì chúng là những loài rắn độc bậc nhất trong tổng số 60 loại rắn độc sống ở Việt Nam.
Khi bị rắn cạp nia cắn, nạn nhân lại thường không có triệu chứng gì rõ rệt mà phải vài tiếng sau đó thì nạn nhân mới bắt đầu bị liệt các cơ từ vùng đầu xuống đến mặt rồi tới cổ, sườn, cơ hoành, cuối cùng là các chi.
Rắn cạp nia. Ảnh: Lost Bird
Theo trang Toxinology của Đại học Adelaide thì tỷ lệ tử vong khi bị loại rắn này cắn lên đến 50% ngay cả khi nạn nhân đã được điều trị bằng huyết thanh (phương thức điều trị tối ưu nhất), còn nếu không có huyết thanh thì tỷ lệ tử vong này còn lên đến 70%!
Tại Việt Nam thì loại huyết thanh kháng độc cạp nia có tên Bungarus candidus Antivenom (mã SAsVRU03) do Đại học Y Dược TP.HCM điều chế. Ngoài ra ở Thái Lan cũng có một cơ sở của Hội Chữ thập đỏ, điều chế huyết thanh kháng độc rắn cạp nong.