Không ngoài dự liệu chung của thế giới và vì đã đâm lao quá mức nên buộc phải theo lao, Mỹ cùng với Anh và Pháp tiến hành không kích nhằm vào những mục tiêu của quân đội chính phủ Syria.
Chuyện hồi tháng 4 năm ngoái vừa lặp lại vừa không lặp lại. Lặp lại là những cáo buộc của Mỹ và đồng minh cho rằng chính phủ Syria đã sử dụng vũ khí hoá học, là tuyên bố sẽ thể hiện thái độ phản ứng mạnh mẽ và là cuộc tấn công quân sự bằng tên lửa. Lặp lại còn ở hai khía cạnh rất quan trọng là cả Mỹ lẫn đồng minh đều quả quyết chỉ tấn công một trận và không theo đuổi ý định lật đổ chính thể hiện tại ở Syria.
Không lặp lại là trận tấn công này không diễn ra bất ngờ, với mức độ quyết liệt hơn, nhằm vào nhiều mục tiêu hơn, không thông báo trước cho Nga nhưng duy trì kênh liên lạc trực tiếp thường xuyên với Nga. Cho nên cũng còn có thể dễ dàng nhận thấy điều không lặp lại là thiệt hại gây ra trên thực tế cho phía chính phủ Syria không đến mức như lần năm ngoái cả về người và của.
Theo thông tin của Nga, phía Mỹ và đồng minh đã phóng khoảng 100 quả tên lửa. Phía Mỹ và đồng minh cho biết mục tiêu ở Syria bị họ tấn công là một trung tâm nghiên cứu hoá học, một kho hoá chất và một sở chỉ huy các hoạt động liên quan đến hoá chất. Mục tiêu bị tấn công không phải là sân bay quân sự và lực lượng không quân của chính phủ Syria, càng không phải tất cả những nơi có sự hiện diện của quân đội Nga và quân đội Iran.
Vì uy danh, giữ thể diện
Liên minh Mỹ - Anh - Pháp tấn công Syria
Mỹ, Anh và Pháp rõ ràng ngay từ đầu tránh tạo ấn tượng gây chiến với Nga và Iran mà tránh như có thể được việc tạo cớ để Nga và Iran hiểu hoặc cảm nhận là bị Mỹ và mấy đồng minh kia tuyên chiến ở Syria.
Mức độ của trận không kích này lớn hơn năm ngoái nhưng rõ ràng không đến mức mà thế giới cho rằng sẽ đến thế nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Theresa May thực hiện đúng như những tuyên bố và phát biểu về vụ việc này.
Xem ra, bộ ba này đã thấy rằng bây giờ, trong bối cảnh tình hình và cục diện chính trị hiện tại ở Syria, không còn có thể làm được gì nhiều nữa bằng không kích và ném bom. Phía chính phủ Syria, Nga và Iran đã có đủ thời gian chuẩn bị để đối phó, để hạn chế thiệt hại và gây thiệt hại cho phía tấn công trong trường hợp xảy ra mà phía tấn công không thể không dè chừng.
Cho nên trận không kích này của Mỹ, Anh và Pháp không phải nhằm trước hết vào mục tiêu là phá huỷ tiềm lực về vũ khí hoá học của chính phủ Syria để từ nay không còn có thể sử dụng được nữa mà nhằm 2 mục tiêu chính.
Thứ nhất là giữ uy danh và thể diện cho Mỹ, Pháp và Anh. Cả ông Trump lẫn ông Macron và bà May đã đi xa tới mức không còn có thể lùi trên hai khía cạnh là vội vàng quả quyết chính phủ Syria đã sử dụng vũ khí hoá học ở Douma, thậm chí còn tuyên cáo đã có bằng chứng trong tay, và mạnh miệng tuyên bố sẽ tấn công quân sự vào Syria.
Cho nên phải thực hiện những gì đã tuyên bố thì họ mới tránh không bị tồn hại thể diện và sa sút uy danh cũng như càng chần chừ hành động thì càng bị mất đi sự tin cậy. Đối với họ, tiến hành tấn công là chuyện quan trọng và quyết định nhất chứ còn gây thiệt hại cho chính phủ Syria nhiều hay ít không phải là điều được quan tâm và theo đuổi hàng đầu. Ở đây có thể thấy rất rõ họ gây chiến vì họ chứ đâu có phải vì người dân ở Syria.
Thứ hai là thông điệp chính trị họ muốn phát đi về phía Nga và Iran là họ vẫn muốn có phần và hai nước kia phải để cho họ có phần trong cuộc chơi hiện tại ở Syria, đặc biệt trong giải pháp chính trị cho tương lai của Syria.
Vụ việc liên quan đến chất độc hoá học ở Douma có thể sẽ kết thúc ở đây hoặc còn tiếp diễn tuỳ thuộc vào phản ứng của phía Nga. Nga đã lên tiếng đòi phía tấn công phải chịu trách nhiệm. Nhưng nhiều khả năng Nga sẽ không làm gì hơn vì những lợi ích cơ bản, chiến lược và lâu dài của Nga ở Syria gần như không bị suy xuyển gì và quân đội chính phủ Syria cũng đâu có bị tổn hại nặng.
Bài học mà phía Nga, Iran và chính phủ Syria không thể không rút ra từ vụ việc này là không tạo cớ cho phía Mỹ và mấy đồng minh và đồng thời cũng còn phải kiên quyết ngăn chặn Mỹ và đồng minh kiếm cớ và dựng cớ để lại can thiệp quân sự vào Syria, cho dù không còn xoay chuyển được tình thế thì cũng ngăn cản tiến trình hướng tới giải pháp chính trị cho Syria đang được Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ cùng phía chính phủ Syria vận hành và dẫn dắt.
* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.