Mỹ đã thành lập được "liên quân" để can thiệp vào Yemen sau ngày 17/7?
Rạng sáng ngày 24/6 (giờ Việt Nam) tờ National đưa tin Arab Saudi, UAE, Anh và Mỹ đã lần đầu tiên cùng nhau "quan ngại" về vai trò của Iran trong việc gây bất ổn và xung đột ở Yemen nói riêng và Trung Đông nói chung.
4 nước nói rằng vấn đề đặc biệt quan trọng là các cuộc leo thang tấn công của lực lượng Houthi (hay còn gọi là Ansar Allah) vào lãnh thổ Arab Saudi sử dụng tên lửa hành trình và máy bay không người lái (UAV) do Iran sản xuất.
Theo Al-Jazeera, đêm ngày 23/6 lực lượng Houthi một lần nữa sử dụng UAV tấn công sân bay Abha, khiến 1 người chết và 7 người khác bị thương.
Các nước nói trên đồng loạt lên án vụ tấn công Houthi vào sân bay dân sự ở Abha vào ngày 12/6. Cuộc tấn công (Liên minh quân sự can thiệp Yemen do Arab Saudi dẫn đầu xác nhận) khiến 26 thường dân bị thương.
Bốn quốc gia kêu gọi Iran và lực lượng Houthi chấm dứt ngay lập tức các cuộc tấn công và lưu ý rằng Chương trình Lương thực Thế giới đã buộc phải ngưng giao thực phẩm viện trợ cho Sanaa vì lực lượng Houthi đã chiếm dụng hàng viện trợ.
"Chúng tôi kêu gọi Houthi chấm dứt ngay lập tức mọi hạn chế đối với các cơ quan viện trợ để đảm bảo cung cấp hỗ trợ khẩn cấp cho người dân Yemen".
Chúng tôi nhắc lại cam kết của chúng tôi đối với tiến trình hòa bình của Yemen và các nghị quyết của Hội đồng Bảo an.
Chúng tôi bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn cho đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc, Martin Griffiths".
Liên minh quân sự do Saudi dẫn đầu đưa ra tuyên bố về thương vong của dân thường tại sân bay Abha hôm 23/6.
4 quốc gia cũng kêu gọi lực lượng Houthi tham gia vào quá trình hòa bình được xây dựng bởi ông Griffiths theo sau việc thực thi thỏa thuận ngưng bắn đạt được tại Stockholm.
"Chúng tôi kêu gọi Houthi rút hoàn toàn khỏi các cảng Hodeidah, Ras Isa và Saleef để Liên Hiệp Quốc tiếp cận đầy đủ và không bị cản trở.
Chúng tôi sẽ kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ xem xét tiến độ thực thi tiến trình hòa bình vào ngày 17/7".
Arab Saudi và UAE là hai nước dẫn đầu trong Liên minh quân sự can thiệp vào Yemen từ năm 2014. Vào cuối năm 2018 chiến dịch cảng Hodeidah diễn ra đẫm máu và lâm vào bế tắc cho tới khi Thỏa thuận ngưng bắn được thông qua tại Na Uy.
Sau Thỏa thuận, lực lượng Houthi đã leo thang tấn công ở các khu vực khác trên lãnh thổ Yemen cũng như thực hiện các cuộc đột kích xuyên biên giới và tấn công bằng tên lửa và UAV vào lãnh thổ Arab Saudi.
Về phần mình, liên minh quân sự do Saudi dẫn đầu cũng tổ chức các chiến dịch không kích khu vực để hỗ trợ lực lượng trung thành với Tổng thống Yemen Hadi nỗ lực mở rộng vùng kiểm soát.
Việc Mỹ - Anh "cùng chung tiếng nói" với Saudi - UAE được cho là hành động "dọn đường" can thiệp quân sự hạn chế bằng không kích hỗ trợ lực lượng mặt đất của Liên minh.
UAV của lực lượng Houthi được cho là đã phát nổ trong bãi đậu xe ở sân bay Abha khiến 1 người chết và 7 người khác bị thương trong đêm ngày 23/6.
Cuộc phong tỏa Iran sau "sự cố" RQ-4 "Global Hawk"?
Mỹ - Anh - Saudi - UAE không quên cảnh báo về các "mối nguy hiểm liên quan đến Iran" trong khu vực, bao gồm các cuộc tấn công vào tàu chở dầu tại Fujairah vào ngày 12/5 và tại Vịnh Oman vào ngày 13/6. Cả 4 quốc gia đều tin rằng Iran đứng sau các cuộc tấn công.
"Những cuộc tấn công này đe dọa các tuyến đường thủy quốc tế mà tất cả chúng ta đều sử dụng. Tàu hàng phải được phép đi trong vùng biển quốc tế một cách an toàn.
Chúng tôi kêu gọi Iran tạm dừng tất cả các hành động đe dọa sự ổn định khu vực và thúc giục các giải pháp ngoại giao để giảm căng thẳng".
Người dân Iran biểu tình ủng hộ lực lượng Houthi với ảnh của lãnh đạo nhóm này Abdul Malik và Thiếu tướng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Qassem Souleiman.
Tehran cho biết họ đã bắn hạ UAV RQ-4 "Global Hawk" và đe dọa một máy bay P-8 "Poseidon" của Mỹ xâm phạm không phận hôm 20/6. Về phía Mỹ, họ cho biết các máy bay đang bay trên không phận quốc tế tại eo biển Hormuz.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý cho một kế hoạch trả đũa bằng "tập kích đường không" nhằm vào 3 vị trí tên lửa phòng không của Iran ngay sau cuộc tấn công, tuy nhiên khi các máy bay đã cất cánh và tàu chiến mang tên lửa đã vào vị trí ông đã rút lại lệnh tấn công.
Thay vào đó, ông Trump được cho là đã ra lệnh tấn công mạng để vô hiệu hóa các hệ thống máy tính điều khiển các bệ phóng rocket và tên lửa và thiết lập các biện pháp trừng phạt mới đối với Tehran vào ngày 24/6.
Hoa Kỳ được cho là sẽ tận dụng "sự cố" RQ-4 "Global Hawk" để tăng cường phong tỏa các mối liên kết giữa Iran và các quốc gia ủng hộ cũng như các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực.
Trong trường hợp bị phong tỏa leo thang quanh khu vực bán đảo Arab, Iran sẽ khó khăn hơn nhiều lần khi tiếp cận và hỗ trợ đồng minh Houthi ở Yemen (Iran cho tới nay vẫn bác bỏ cáo buộc họ hỗ trợ lực lượng Houthi).
Và nếu phiên họp của Hội đồng Bảo an vào ngày 17/7 kết thúc (dù với bất kỳ kết quả nào), lực lượng này nhiều khả năng sẽ bị liên quân do Mỹ - Anh đứng đầu không kích hủy diệt, trong khi Arab Saudi và UAE sẽ tổ chức tấn công trên bộ.
Vào lúc này Iran khó có thể đưa ra hành động "đảo ngược tình thế".
Rõ ràng sự việc bắn rơi UAV của Mỹ tại eo biển Hormuz là "con dao hai lưỡi", mặc dù đưa khả năng chiến tranh ra xa khỏi lãnh thổ Iran nhưng lại có thể làm mất lòng tin của các "đồng minh" ở Trung Đông nếu lực lượng Houthi bị hủy diệt.
Cụm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln hiện cùng với nhóm đột kích B-52 chờ đợi mệnh lệnh tiếp theo của ông Trump, nhiều khả năng nhóm tấn công này sẽ nhận nhiệm vụ tập kích vào Yemen.