Ngày 13/2, tờ Moscow Times xuất bản bài viết "Russia-Turkey Alliance Is Beginning to Unravel in Syria" (tạm dịch: Những sự kiện ở Syria đang làm sáng tỏ cái gọi là "liên minh Nga Thổ") của tác giả Maryna Belenkaya.
Nhằm đem lại cho độc giả cái nhìn khách quan, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại tây bắc Syria giữa một bên là Nga-Syria và bên còn lại là Thổ Nhĩ Kỳ-phiến quân, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.
Chuyện gì đang xảy ra ở Idlib?
Cái gọi là tình trạng liên minh giữa Moscow-Ankara ở Syria liệu có còn tồn tại? Đây là câu hỏi chính được đặt ra sau các cuộc đụng độ giữa Quân đội Arab Syria (SAA) và Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) ở Idlib.
Damascus đã tái triển khai một chiến dịch quân sự nhằm vào tỉnh Idlib do phiến quân kiểm soát ở tây bắc Syria vào cuối tháng 12/2019.
Cho tới tháng 2/2019 (sau khi lệnh ngừng bắn được trung gian bởi Moscow và Ankara sụp đổ), TAF bắt đầu triển khai binh lính và các trang thiết bị quân sự nhằm thiết lập các cứ điểm mới trong Idlib để hỗ trợ phiến quân Syria.
Trong 10 ngày qua, xe cơ giới bị phá hủy, binh lính và sĩ quan TAF đã hai lần bị thương vong do pháo binh Syria và Thổ tuyên bố đã trả đũa vào các vị trí của SAA, bắn rơi trực thăng và gây thiệt hại cho đối phương "ít nhất gấp 10 lần".
Bằng cách bày tỏ sự ủng hộ vô điều kiện cho Thổ Nhĩ Kỳ, rõ ràng người Mỹ đang hy vọng có thể tận dụng tình hình và nắm lấy một cơ hội khác để "chĩa mũi dùi" vào các hoạt động của Nga ở Syria.
Một vị trí của SAA ở Idlib bị pháo kích của TAF.
Ai là người có lỗi, Syria hay Nga?
Ankara đã đổ lỗi cho Damascus vì leo thang căng thẳng ở Idlib, và vào đầu tháng 2/2020, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã lần đầu tiên cáo buộc Nga "bao che" cho Tổng thống Syria al-Assad.
Mặc dù hành động của ông Erdogan đã làm suy yếu cái gọi là Thỏa thuận Astana (được ký bởi Nga-Thổ-Iran) nhưng nhiều khả năng Thổ Nhĩ Kỳ đã cố kéo dài thời gian bằng cách hỗ trợ phiến quân ở Idlib với hy vọng nhận được sự "thấu hiểu" của Nga.
Ankara đã tổ chức hai vòng đàm phán giữa bộ ngoại giao và lực lượng an ninh của cả hai nước, nhưng nỗ lực này đã "không đi đến đâu". Ngay cả khi đã có một cuộc thảo luận qua điện thoại giữa ông Erdogan và ông Putin thì nó cũng không đem lại sự thỏa hiệp đến từ cả hai phía.
Sau đó, Ankara đã đưa ra tối hậu thư yêu cầu SAA quay trở lại các vị trí trước cuộc tấn công của họ. Điều này đồng nghĩa với việc tránh xa các cứ điểm của Thổ Nhĩ Kỳ mà hiện đang bị bao vây.
Ông Erdogan nói thêm rằng nếu TAF tiếp tục thương vong do các phản ứng của Damascus, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tấn công SAA ở khắp mọi nơi trên lãnh thổ Syria, bất chấp những gì đã được thống nhất trong thỏa thuận ở Sochi tháng 10/2019.
Mặc dù TAF và phiến quân tổ chức phản kích ở Kafr Halab nhưng trong ngày 13/2, SAA vẫn tiếp tục giải phóng một số khu vực ở phía tây nam thành phố Aleppo.
Quan điểm "cứng rắn" của Nga
Ban đầu, Nga đã cố gắng giải quyết tình hình căng thẳng bằng cách bình luận rằng TAF đã không cảnh báo kịp thời cho Nga về kế hoạch hành quân và sau đó đổ lỗi cho các nhóm khủng bố.
Theo một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga ngày 6/2/2020, mặc dù Nga và Thổ đã cố gắng triển khai một nỗ lực ngưng bắn khác vào giữa tháng 1/2020 ở khu vực Idlib nhưng các nhóm khủng bố không những không giảm mà còn gia tăng tấn công vào vị trí của SAA.
Có thể thấy rõ ý định của Moscow là cho Thổ Nhĩ Kỳ thấy cả hai phải chịu tổn thất ra sao nếu tiếp tục leo thang. Các nhóm khủng bố ở Idlib là nguyên nhân chính dẫn đến thương vong không chỉ hàng trăm binh sĩ SAA, dân thường và cả các cố vấn quân sự Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.
Moscow đã duy trì quan điểm này của họ trong thời gian vừa qua và chưa có gì chứng minh rằng họ sẽ nhượng bộ Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian tới.
Việc binh sĩ Syria được cấp phát quân trang mới để chiến đấu trong điều kiện băng tuyết trên vùng núi cho thấy quyết tâm của SAA và Nga trong việc mở rộng vùng giải phóng sang hướng tây, khu vực cao nguyên thuộc các tỉnh Idlib và Latakia.
Trò "chọc gậy bánh xe" của Mỹ?
Sự sụp đổ của Thỏa thuận Astana có thể gây nguy hiểm cho kế hoạch giải quyết dứt điểm chiến tranh ở Syria mà Nga đã mất rất nhiều thời gian để xây dựng.
Sự hợp tác giữa Nga-Thổ- Iran liên quan mật thiết tới các chiến thắng liên tiếp của SAA trong ba năm qua và một số tiến bộ trên mặt trận nhân đạo và chính trị. Trên thế giới khó có nhóm hòa giải nào khác có thể đạt được những kết quả tương tự như đã diễn ra tại Syria.
Trước khi Thỏa thuận Astana được thông qua, Nga và Mỹ đã tìm cách giải quyết chiến tranh, nhưng hóa ra Washington không có cùng mức độ ảnh hưởng đối với phiến quân như Thổ Nhĩ Kỳ.
Phương Tây tin rằng Thỏa thuận Astana, chỉ giúp củng cố quyền lực của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, người đã giành lại 70% lãnh thổ Syria trong ba năm qua.
Về cơ bản nhận định này khá đúng, nhưng rõ ràng nó chỉ diễn ra với sự đồng thuận của Thổ, quốc gia mà Phương Tây thường cho rằng sẽ lựa chọn ủng hộ phiến quân.
Mối quan tâm hàng đầu của Ankara đối với Syria là một "vùng an toàn" ngăn các chiến binh người Kurd vượt biên giới xâm nhập vào Thổ Nhĩ Kỳ và mở ra một loạt khu định cư nằm ngoài sự kiểm soát của CP Syria để đưa hàng triệu người tị nạn trở về.
Chiến dịch "Mùa xuân Hòa bình" nhằm vào các tay súng người Kurd ở đông bắc Syria chỉ tạo ra một "nơi đứng chân" khá hạn chế, nó không đủ lớn cho hàng triệu người tị nạn Syria. Thổ Nhĩ Kỳ có thể đã chọn giải pháp thêm Idlib vào "vùng an toàn".
Căng thẳng gần đây giữa Nga-Syria và Thổ-phiến quân dường như đang hướng tất cả tới một thỏa thuận mới liên quan đến ranh giới mới tại Idlib. Tuy nhiên, "tối hậu thư" của Ankara tới Damascus đã khiến khả năng thực hiện điều đó tiếp tục bị nghi ngờ.
Washington từ lâu đã cố gắng phá vỡ cái gọi là "tình trạng liên minh" giữa Ankara và Moscow ở Syria, và giờ đây họ đã có cơ hội. Mới đây, trong chuyến thăm Ankara, Đại diện đặc biệt của Mỹ tại Syria James Jeffrey đã tuyên bố "Nga và Syria là mối đe dọa đối với TAF".
Câu hỏi tiếp theo là liệu Moscow có một lần nữa đảo ngược thế bế tắc hiện tại và khiến tình hình ở Syria trở nên thuận lợi cho người Nga hay không?
Tác giả Maryna Belenkaya là nhà phân tích về tình hình Trung Đông, chuyên gia về các vấn đề Arab và là một phóng viên thuộc tờ Kommersant/Doanh nhân của Nga.
Cảnh quay được cho là phiến quân Syria trong đội hình với binh sĩ Thổ khai hỏa Tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) bắn rơi trực thăng Mi-17 hôm 11/2.