Theo đó, Triều Tiên đã gửi một lượng lớn đạn pháo tới Nga như một "phao cứu sinh" trong cuộc xung đột với Ukraine đã cô lập Nga khỏi phần lớn thế giới.
Trích dẫn một báo cáo tình báo, một nhà lập pháp Hàn Quốc cho biết, kể từ năm 2022, Triều Tiên đã vận chuyển hơn 13.000 container tới Nga, trong đó có thể chứa tới 6 triệu quả đạn pháo.
Theo Business Insider, con số này lớn hơn nhiều so với số lượng đạn pháo mà các đồng minh phương Tây giàu có của Ukraine đã cố gắng gom lại. Tính từ đầu năm đến tháng 5/2024, các đồng minh châu Âu của Ukraine đã không đạt được mục tiêu chuyển 1 triệu quả đạn pháo cho nước này.
Business Insider dẫn lời các nhà phân tích cho biết, hoạt động tiếp tế của Triều Tiên có nghĩa là Nga có thể duy trì cuộc chiến tiêu hao dai dẳng của mình ở Ukraine trong tương lai gần khi Moscow tìm cách làm xói mòn sự ủng hộ của quốc tế đối với Kyiv và chờ Ukraine hết đạn pháo.
Mặt khác, Triều Tiên đang tiếp nhận công nghệ của Nga để giúp họ tiến lên mặc dù là một quốc gia bị cấm vận.
Giá trị mới của vũ khí cũ
Theo Business Insider, các loại đạn pháo kiểu cũ một lần nữa trở nên quan trọng ở Ukraine, nơi giao tranh thường giống với chiến tranh chiến hào khốc liệt của Thế chiến I, và cả hai bên bắn ra hàng nghìn viên đạn mỗi ngày.
Không giống như các loại vũ khí dẫn đường chính xác tinh vi do các đồng minh phương Tây cung cấp cho Ukraine, đạn pháo không dựa vào hệ thống định vị toàn cầu (GPS) sẽ không bị các đơn vị tác chiến điện tử làm xáo trộn tọa độ tấn công.
Mà loại đạn pháo này lại là thứ mà Triều Tiên có nguồn cung lớn.
"Mặc dù về hầu hết các mặt, Triều Tiên tụt hậu so với các quốc gia NATO về công nghệ quân sự, nhưng việc sản xuất đạn pháo hàng loạt không đòi hỏi sự tinh vi", nhà phân tích quốc phòng Jacob Parakilas tại tổ chức nghiên cứu RAND Europe có trụ sở tại Cambridge (Anh) nói với Business Insider.
Ông cho biết, kể từ năm 1953, Triều Tiên đã chuẩn bị cho một cuộc chiến "sinh tồn" với Mỹ bằng cách tích trữ kho vũ khí khổng lồ.
Nhu cầu đạn dược không giới hạn ở Ukraine có nghĩa là kho vũ khí của Triều Tiên đã tìm thấy một giá trị mới bất ngờ, cho phép nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đạt được một thỏa thuận với Tổng thống Nga Vladimir Putin, một thỏa thuận đang chứng minh là có lợi cho cả hai bên, Parakilas nhận định.
Đổi lại những thùng đạn pháo kiểu cũ, Bình Nhưỡng sẽ nhận được công nghệ quân sự có giá trị từ Điện Kremlin.
"Nga có thể đưa ra một số ưu đãi khá quan trọng về mặt chuyển giao công nghệ, mà Bình Nhưỡng có thể đánh giá là có giá trị hơn một phần dự trữ vũ khí của mình", Parakilas nói.
Các báo cáo cho thấy Nga có thể cung cấp cho Triều Tiên công nghệ vệ tinh cho phép nước này giám sát và nhắm mục tiêu chính xác hơn vào các địa điểm quân sự thuộc về Mỹ và các đồng minh của nước này ở khu vực Đông Á.
Theo Business Insider, Nga cũng đã sử dụng quyền lực ngoại giao của mình với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để bảo vệ Triều Tiên, sử dụng quyền phủ quyết của mình trong năm nay để cản trở ủy ban giám sát chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Các nước phương Tây từ lâu đã tìm cách cô lập Triều Tiên và gây sức ép buộc nước này phải giải giáp vũ khí hạt nhân. Nhưng lập trường mới của Điện Kremlin là một sự thay đổi hoàn toàn.
Theo chuyên gia Parakilas, Triều Tiên có thể tận dụng nhu cầu đạn pháo của Nga để đảm bảo có thêm công nghệ mà quân đội lạc hậu của Bình Nhưỡng rất cần.
"Ví dụ, lực lượng không quân của Triều Tiên quá nhỏ và rất cần loại máy bay hiện đại hơn để trở thành lực lượng chiến đấu khả thi", Parakilas nói.
Liên minh khiến Trung Quốc lo ngại
Các chuyên gia nhận định, mặc dù cả hai nhà lãnh đạo Nga – Triều Tiên đều đang gặt hái được những thành quả ngắn hạn, nhưng những vấn đề sắp xảy ra có thể làm chệch hướng liên minh.
Tuy Triều Tiên đang cung cấp đạn pháo mà Nga cần với số lượng lớn, nhưng chất lượng của chúng thường kém và có những nghi ngờ về khả năng duy trì việc giao hàng của Triều Tiên.
"Các nguồn tin từ Ukraine cho rằng những quả đạn pháo mà Nga nhận được từ Triều Tiên đã lỗi thời; một số được cho là được sản xuất vào những năm 1970 và 1980, và có chất lượng kém, có tỷ lệ hỏng hóc cao", Daniel Salisbury - chuyên gia về phổ biến vũ khí tại trường King's College London - cho biết.
Và quyết định xích lại gần nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un của Tổng thống Nga Putin đang gây e ngại cho mối quan hệ của Bình Nhưỡng với đồng minh quan trọng nhất của mình: Trung Quốc.
Các nhà phân tích nói với Business Insider vào tháng 6 rằng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang thận trọng theo dõi liên minh an ninh giữa Nga và Triều Tiên, lo ngại rằng liên minh này có thể làm đảo lộn cán cân quyền lực ở Đông Á và gây ra một cuộc xung đột mà Trung Quốc cần tránh.
Business Insider đưa tin, cả hai ông Kim và Putin hiện đang gặt hái những lợi ích từ mối quan hệ của họ, làm mới một quan hệ đối tác được hình thành từ nhiều thập kỷ trước khi Điện Kremlin giúp trang bị vũ khí cho Bình Nhưỡng trong cuộc chiến chống lại Mỹ và các đồng minh của nước này trong Chiến tranh Lạnh.
"Phần lớn đạn dược mà họ [Triều Tiên] sản xuất trong thời gian đó ít nhất là vẫn sẽ khả thi ở mức tối thiểu cho mục đích của Nga, vì phần lớn vũ khí của họ được Liên Xô thiết kế và do đó tương thích với những gì lực lượng Nga sử dụng", Parakilas nói.