Liên Hợp Quốc kết thúc kỳ họp khẩn chưa từng có: Đã đến lúc cả thế giới đoàn kết chống vi khuẩn kháng kháng sinh

Zknight |

Nó gây ra một mối đe dọa nền tảng cho sức khỏe con người, sự phát triển và an ninh trên toàn cầu.

Trong cuộc hợp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vừa diễn ra ngày 21 tháng 9 vừa rồi tại Mỹ, các nhà lãnh đạo thế giới đã cùng nhau thể hiện một sự tập trung chưa từng có, trên việc hạn chế sự lây lan của các bệnh nhiễm khuẩn kháng với thuốc kháng sinh.

Phát biểu tại cuộc họp, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Ban Ki-moon cho biết vi sinh vật kháng thuốc đang gây ra “một mối đe dọa dài hạn cho sức khỏe con người, sản xuất lương thực và sự phát triển bền vững”.

Đó không phải một vấn đề có thể xảy ra trong tương lai.

Kháng kháng sinh là thực tế đang xảy ra hiện tại, xuất hiện ở khắp nơi trên thế giới, từ các nước đang phát triển đến các nước phát triển, từ nông thôn tới thành thị, trong bệnh viện, ra tới những trang trại và cộng đồng”, ông Ban Ki-moon lưu ý.

Liên Hợp Quốc cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc đến việc chúng ta đang mất dần khả năng bảo vệ cả con người lẫn động vật trước những nhiễm trùng đe dọa tính mạng do vi sinh vật kháng thuốc.

Điều này xảy ra ở cả vi khuẩn, virus, ký sinh trùng và nấm. Những chủng loài đã phát triển khả năng đề kháng với nhiều loại thuốc, trước đây, có thể tiêu diệt chúng dễ dàng.

Hãy để tôi cung cấp một vài ví dụ nghiêm túc”, ông Ban Ki-moon nói và liệt kê hàng loại những căn bệnh đang phải đối mặt với kháng kháng sinh hiện nay.

Hơn 200.000 trẻ sơ sinh tử vong mỗi năm do hậu quả của nhiễm trùng không đáp ứng với những loại kháng sinh có sẵn.

Một dịch thương hàn đa kháng thuốc đang càn quét tại Châu Phi ngay lúc này, mà vi khuẩn được lan truyền trong môi trường nước.

Kháng điều trị HIV/AIDS cũng đang gia tăng. Lao kháng thuốc được xác nhận rộng rãi tại 105 quốc gia. Kháng với thuốc điều trị sốt rét đang là vấn đề sức khỏe cộng đồng khẩn cấp ở khu vực sông Mekong”.

Xu hướng này đang phá hủy đi những thành tựu mà chúng ta khó khăn mới đạt được trong Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ, bao gồm chống lại HIV/AIDS, lao, sốt rét, sự sống còn của trẻ sơ sinh và các bà mẹ.

Nếu chúng ta không giải quyết vấn đề này một cách nhanh chóng và toàn diện, vi sinh vật kháng thuốc sẽ làm cho việc cung cấp chăm sóc y tế chất lượng cao đến toàn thế giới khó khăn hơn, nếu không muốn nói là không thể”.

Nhấn mạnh những điều này, ông Peter Thomson, Chủ tịch phiên họp thứ 71 tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc cho biết vi sinh vật kháng thuốc đã đặt mục tiêu phát triển bền vững của nhân loại trong tình trạng nguy hiểm.

Chúng đang đe dọa các thành tựu trong mục tiêu phát triển bền vững và đòi hỏi một phản ứng toàn cầu”, ông Thomson nói.

Ngày hôm nay, các nước thành viên đã đi đến nhất trí về một tuyên bố chính trị mạnh mẽ, cung cấp một cơ sở tốt cho cộng đồng quốc tế cùng tiến về phía trước.

Không có một quốc gia, khu vực hoặc tổ chức riêng lẻ nào có thể giải quyết vấn đề ấy một mình”, ông Thomson nhấn mạnh cùng với sự hiện diện của những người đứng đầu Tổ chức Y tế giới (WHO), Tổ chức Lương thực và nông nghiệp (FAO) và Tổ chức Thú y thế giới (OIE).

Liên Hợp Quốc kết thúc kỳ họp khẩn chưa từng có: Đã đến lúc cả thế giới đoàn kết chống vi khuẩn kháng kháng sinh - Ảnh 1.

Các nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết sẽ hành động để giải quyết nhanh chóng, triệt để vấn đề vi sinh vật kháng thuốc

Bàn về giải pháp, ông Ban Ki-moon cho biết để có thể khiến thế giới trở nên an toàn, khỏe mạnh và phát triển nhanh chóng hơn, chúng ta sẽ cần đến sự chung tay và phối hợp hợp tác của nhiều ngành.

Cùng với đó là một nguồn hỗ trợ tài chính bền vững.

Lần đầu tiên, những nhà lãnh đạo thế giới cùng nhau cam kết tham gia một hướng tiếp cận phối hợp rộng rãi, giải quyết những gốc rễ của vấn đề vi sinh vật kháng thuốc trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là sức khỏe con người, thú y và nông nghiệp.

Đây mới là lần thứ 4 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thảo luận về một vấn đề sức khỏe ở mức độ này. Trước đó, chỉ có HIV, Ebola và các bệnh mãn tính như tiểu đường mới nhận được sự quan tâm lớn đến vậy.

Được coi là một nỗ lực tập thể để giải quyết thách thức với sức khỏe, an ninh lương thực và duy trì phát triển toàn cầu, các nước thành viên Liên Hợp Quốc đã tái khẳng định cam kết của mình trong việc thực hiện Kế hoạch toàn cầu hành động trên vi sinh vật kháng thuốc được đưa ra bởi WHO, FAO và OIE vào năm ngoái.

Trong một tuyên bố chung tại cuộc họp, WHO, FAO và OIE lưu ý rằng “những kế hoạch như vậy là cần thiết để mọi người hiểu được đầy đủ quy mô của vấn đề, ngăn chặn việc lạm dụng thuốc kháng vi sinh vật trong chăm sóc y tế con người, động vật và cả nông nghiệp”.

Các nhà lãnh đạo đã nhận ra sự cần thiết của một hệ thống mạnh mẽ hơn trong việc theo dõi bệnh nhiễm khuẩn kháng thuốc, cũng như số lượng thuốc kháng sinh sử dụng trên con người, động vật và cây trồng.

Bên cạnh đó, họ cũng cần tăng cường hợp tác quốc tế và các nguồn tài trợ”.

Tuyên bố cũng nhấn mạnh một số thống nhất của các nhà lãnh đạo trên thế giới, trong việc giải quyết vấn đề vi sinh vật kháng thuốc.

Họ đã cam kết sẽ tăng cường các quy định liên quan đến kháng sinh, nâng cao kiến thức và nhận thức trong xã hội, thúc đẩy những phương pháp thực hành tốt nhất, cũng như các hướng tiếp cận sáng tạo thay thế thuốc kháng sinh, các công nghệ mới dành cho việc chẩn đoán và vắc-xin”.

Liên Hợp Quốc kết thúc kỳ họp khẩn chưa từng có: Đã đến lúc cả thế giới đoàn kết chống vi khuẩn kháng kháng sinh - Ảnh 2.

Từ trái sang: Bà Margaret Chan, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Ông José Graziano da Silva Giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) và Bà Monique Eloit Giám đốc Tổ chức Thú y thế giới (OIE) tiếp xúc báo chí sau cuộc họp

Tiến sĩ Margaret Chan, Tổng giám đốc WHO cho biết: “Vi sinh vật kháng thuốc gây ra một mối đe dọa nền tảng cho sức khỏe con người, sự phát triển và an ninh toàn cầu.

Các cam kết hiện nay phải được thực hiện nhanh chóng, có hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực từ con người đến động vật và sức khỏe môi trường. Chúng ta không còn nhiều thời gian”.

Ngày nay, các loại nhiễm trùng phổ biến như viêm phổi, bệnh lậu, nhiễm trùng hậu phẫu cho đến HIV, bệnh lao và sốt rét đang ngày càng trở nên khó chữa hơn vì kháng kháng sinh.

“Không được kiểm soát, vi sinh vật kháng thuốc được dự đoán sẽ ảnh hưởng sâu sắc lên an ninh sức khỏe và xã hội. Hậu quả của nó trên nền kinh tế sẽ làm suy yếu sự phát triển của các quốc gia”.

Theo WHO, FAO và OIE, sự phát triển và lan rộng của vi sinh vật kháng thuốc ngày nay là hậu quả của việc lạm dụng thuốc kháng sinh trên con người, động vật và nông nghiệp.

Dư lượng của các loại thuốc này cũng có thể lây lan trong đất, cây trồng và nước.

Trong bối cảnh rộng, kháng kháng sinh đang được coi là nguy cơ toàn cầu lớn nhất, cấp bách nhất cần sự quan tâm của tất cả các quốc gia trên thế giới.

Tiến sĩ Jose Graziano da Silva, Giám đốc FAO cho biết: “Vi sinh vật kháng thuốc là vấn đề không chỉ xảy ra trong các bệnh viện của chúng ta, mà cả ở các trang trại và trong thực phẩm.

Nông nghiệp phải gánh một phần trách nhiệm, bằng cách sử dụng kháng sinh hợp lý hơn và cắt giảm nhu cầu sử dụng chúng, thông qua chất lượng vệ sinh trang trại”.

Phát biểu trong cuộc họp, Tiến sĩ Monique Eloit, Tổng giám đốc OIE cho biết: “Sự hiệu quả và dễ tiếp cận của kháng sinh có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe và điều kiện chăm sóc cho động vật không khác gì so với con người.

Chúng tôi kêu gọi các quốc gia hỗ trợ tích cực, thúc đẩy sử dụng kháng sinh thận trọng và có trách nhiệm”.

Liên Hợp Quốc kết thúc kỳ họp khẩn chưa từng có: Đã đến lúc cả thế giới đoàn kết chống vi khuẩn kháng kháng sinh - Ảnh 3.

Việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi cũng phải gánh một phần trách nhiệm

Tại cuộc họp, lãnh đạo các quốc gia đã kêu gọi WHO, FAO và OIE phối hợp với các ngân hàng phát triển như Ngân hàng thế giới (World Bank) cùng các bên liên quan khác lên kế hoạch, hành động và báo cáo lại cho Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào cuộc họp trong tháng 9 năm 2018.

Cuối cùng, các quốc gia đã cùng nhau kêu gọi việc sử dụng tốt hơn những công cụ hiện có, tối ưu hóa chi phí để ngăn ngừa bệnh nhiễm trùng ở người và động vật.

Các biện pháp bao gồm các lĩnh vực tiêm chủng, nước sạch, vệ sinh môi trường, vệ sinh y tế và trong chăn nuôi.

Ngoài ra, để chuẩn bị cho tương lai, các quốc gia cũng kêu gọi ưu đãi mới cho những nghiên cứu, ứng dụng thuốc mới, xét nghiệm chẩn đoán nhanh.

Một điều được nhấn mạnh là những vấn đề này nên được ưu tiên trên toàn cầu, nhưng đồng thời cũng phải tính đến nhu cầu của từng quốc gia.

Theo UnitedNationsNews

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại