Phát biểu với báo giới, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết, dự án do Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ chủ trì, nhằm mục đích cung cấp cho các nước đang phát triển các hệ thống cảnh báo vốn đã được nhiều nước giàu sử dụng.
“Ngày nay, 1/3 dân số thế giới, chủ yếu ở các nước kém phát triển nhất và các quốc đảo nhỏ đang phát triển vẫn chưa được bao phủ bởi các hệ thống cảnh báo sớm. Ở châu Phi, điều đó thậm chí còn tồi tệ hơn khi 60% người dân không được bao phủ. Điều này là không thể chấp nhận được, đặc biệt với các tác động khí hậu thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn. Cảnh báo sớm và hành động sẽ cứu sinh mạng.
Với mục tiêu đó, hôm nay tôi tuyên bố Liên Hợp Quốc sẽ dẫn đầu hành động mới để đảm bảo mọi người trên Trái đất được bảo vệ bởi các hệ thống cảnh báo sớm trong vòng 5 năm. Tôi đã yêu cầu Tổ chức Khí tượng Thế giới dẫn đầu nỗ lực này và trình bày kế hoạch hành động tại hội nghị khí hậu tiếp theo của Liên Hợp Quốc diễn ra cuối năm nay ở Ai Cập” - Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói.
Hệ thống cảnh báo sớm cho phép theo dõi các điều kiện khí quyển theo thời gian thực trên biển và trên đất liền nhằm dự báo các hiện tượng thời tiết sắp tới, cho dù ở thành phố, vùng nông thôn, vùng núi hoặc vùng ven biển và các địa điểm khô cằn hoặc vùng cực.
Báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới về thống kê thiên tai công bố năm ngoái cho thấy trong nửa thế kỷ qua, các thảm họa liên quan đến khí hậu và nước trên thế giới, khiến trung bình 115 người chết và gây thiệt hại hơn 200 triệu USD mỗi ngày. Để giảm thiểu tác động ngày càng tồi tệ đó, Liên Hợp Quốc, các đối tác của LHQ và nhiều chính phủ đang cố gắng đạt được mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ dưới ngưỡng 1,5 độ C (2,7 độ F)./.