Nguyên nhân quốc tế áp đặt các biện pháp trừng phạt và cấm vận với Triều Tiên trong hơn mười năm qua tập trung vào việc Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Theo CFR - một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận, Bình Nhưỡng cần duy trì vũ khí hạt nhân để bảo vệ đất nước trước mối đe dọa từ các căn cứ quân sự Mỹ trong khu vực cũng như các cuộc tập trận chung của Mỹ cùng các đồng minh.
Triều Tiên tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (Nuclear Nonproliferation Treaty) năm 1985 nhưng rút khỏi hiệp ước này vào năm 2003, đề cập đến sự hung hăng của Mỹ. Ba năm sau thử nghiệm hạt nhân đầu tiên được Bình Nhưỡng thực hiện.
Nhiều vòng đàm phán song phương và đa phương về phi hạt nhân hóa những năm 1990 chưa đạt được hiệu quả như mong đợi, theo CFR. Sau hội nghị thượng đỉnh đầu tiên tại Singapore năm 2018 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, Mỹ đã ngừng một số cuộc tập trận quy mô lớn với Hàn Quốc, nhưng tuyên bố chung ký với Triều Tiên chưa tạo ra được những bước tiến đột phá.
Hội nghị thượng đỉnh lần hai tại Hà Nội kết thúc không có tuyên bố chung, tuy nhiên hai lãnh đạo khẳng định họ đã có cơ hội quan trọng để hiểu nhau hơn và sẽ tiếp tục đối thoại.
Liên Hợp Quốc đang áp dặt các lệnh cấm vận quốc tế nào với Triều Tiên?
15/7/2006: Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC) thông qua Nghị quyết 1695 chỉ trích các vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên ngày 5/7 và cấm bán các vật liệu và hoạt động sẽ tăng cường khả năng đẩy mạnh chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
14/10/2006: UNSC thông qua Nghị quyết 1718 chỉ trích thử nghiệm hạt nhân đầu tiên và áp đặt các lệnh trừng phạt lên Triều Tiên, bao gồm hạn chế nguồn cung cấp vũ khí hạng nặng, công nghệ tên lửa và vật liệu, hàng hóa cao cấp; đóng băng tài sản và cấm xuất cảnh với một số cá nhân.
06/2008: Triều Tiên công khai chương trình hạt nhân với Trung Quốc và cam kết đóng cửa một số phần các cơ sở hạt nhân Yongbyon.
Ảnh vệ tinh trung tâm nghiên cứu khoa học hạt nhân Yongbyon. (Ảnh: Straits Times)
12/6/2009: UNSC áp dụng Nghị quyết 1874, tăng cường các lệnh trừng phạt chống lại Triều Tiên sau vụ thử nghiệm hạt nhân thứ hai. Các lệnh hạn chế bổ sung thêm nguồn vũ khí hạng nhẹ, hoạt động đào tạo đặc biệt có thể đóng góp cho chương trình hạt nhân và quyền tịch thu các sản phẩm bị cấm khi kiểm tra lô hàng.
17/12/2011: Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il qua đời, con trai ông là Kim Jong-un lên thay.
22/1/2013: UNSC thông qua Nghị quyết 2087 chỉ trích hoạt động phóng vệ tinh và phổ biến vũ khí hạt nhân năm 2012 của Triều Tiên.
7/3/2013: UNSC thông qua Nghị quyết 2094 áp đặt các lệnh trừng phạt nặng hơn sau thử nghiệm hạt nhân lần thứ 3 của Triều Tiên (diễn ra một tháng trước đó).
Các lệnh hạn chế bổ sung thêm hoạt động ngân hàng của Triều Tiên, hoạt động của các tổ chức tài chính nước ngoài ở Triều Tiên. Các nước có thể từ chối tàu thuyền, máy bay không hợp tác với các nghị quyết, trục xuất các cá nhân nghi liên quan đến hoạt động bị cấm hoặc nhân sự ngoại giao Triều Tiên để ngăn chặn các hoạt động bị cấm.
2/3/2016: UNSC áp dụng Nghị quyết 2270 chỉ trích thử nghiệm hạt nhân thứ 4 của Triều Tiên và thử nghiệm tên lửa phóng từ tàu ngầm năm 2015. Các lệnh trừng phạt được tăng cường, bao gồm cấm các chính phủ cung cấp nhiên liệu hàng không cho Triều Tiên, ngăn chặn xuất nhập khẩu các mặt hàng (thuốc, thực phẩm) có thể tăng cường khả năng quân đội trừ khi hàng phục vụ mục đích nhân đạo.
30/11/2016: UNSC thông qua Nghị quyết 2321 mở rộng các lệnh trừng phạt sau thử nghiệm hạt nhân lần thứ 5 của Triều Tiên, bổ sung bao gồm lệnh cấm xuất khẩu khoáng sản như đồng và nikel, trực thăng, hạn chế hợp tác khoa học công nghệ trừ khi liên quan đến trao đổi y tế và một số ngoại lệ nhất định.
5/8/2017: UNSC áp dụng Nghị quyết 2371 thúc đẩy các lệnh trừng phạt sau hai thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa vào tháng 7 của Triều Tiên, bổ sung bao gồm lệnh hạn chế xuất khẩu than, sắt và hải sản.
11/9/2017: UNSC thống nhất thông qua Nghị quyết 2375 tăng tốc các lệnh trừng phạt theo sau thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 lớn nhất của Triều Tiên. Hạn chế xuất khẩu sang Triều Tiên các sản phẩm dầu thô và dầu tinh chế, hạn chế vận chuyển, sang chiết tàu-sang-tàu.
22/12/2017: UNSC thông qua Nghị quyết 2397 áp đặt các hạn chế mới lên nhập khẩu dầu, cũng như xuất khẩu kim loại hàng nông nghiệp và nguồn nhân lực.
21/3/2018: UNSC thống nhất áp dụng Nghị quyết 2407, gia hạn hiệu lực của Nghị quyết 1718 (ngày 14/10/2006) đến 24/4/2019.
Video: Mỹ tuyên bố không từ bỏ trừng phạt kinh tế Triều Tiên (2018)
Video: Mỹ tuyên bố không từ bỏ trừng phạt kinh tế Triều Tiên (2018)
Các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc với Triều Tiên nhìn chung đã mở rộng ra các lĩnh vực:
- Cấm buôn bán vũ khí và thiết bị quân sự, công nghệ sử dụng kép (cho hai mục đích quân sự và dân sự), máy móc công nghiệp và kim loại;
- Đóng băng tài sản của các cá nhân liên quan đến chương trình hạt nhân của đất nước;
- Cấm nhập khẩu một số mặt hàng xa xỉ;
- Cấm xuất khẩu thiết bị điện, than, khoáng sản, hải sản, thực phẩm và nông sản khác, gỗ, dệt may và đá;
- Giới hạn xuất khẩu lao động Triều Tiên;
- Giới hạn nhập khẩu dầu và các sản phẩm dầu tinh chế;
- Cấm nhập khẩu khí đốt tự nhiên;
- Hạn chế quyền đánh bắt cá;
Ngoài ra, Triều Tiên còn phải đối mặt với các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ, hạn chế thêm nhiều hoạt động thương mại, các cá nhân và doanh nghiệp so với lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Trong năm đầu tiên nhậm chức, Tổng thống Trump đã ủy quyền cho Bộ Tài chính Mỹ ngăn chặn hệ thống tài chính của Mỹ và bất kỳ doanh nghiệp hoặc cá nhân nước ngoài nào tạo điều kiện giao dịch với Triều Tiên như một phần của chiến dịch áp lực tối đa. Bộ trưởng tài chính Steven Mnuchin cho biết, các tổ chức tài chính nước ngoài hiện được thông báo rằng, trong tương lai, họ có thể chọn làm ăn với Mỹ hoặc với Triều Tiên, không phải cả hai.