Là phụ nữ, bạn nghĩ đâu là nơi nguy hiểm nhất? Một con hẻm tối? Nhà hàng, quán bar? Hay chiến trường?
Đáp án chẳng ở đâu xa, mà chính là nhà của họ.
Nghe kỳ lạ nhỉ, vì đáng ra nhà phải là nơi an toàn nhất? Nhưng đó là những gì được đưa ra từ báo cáo của Văn phòng Liên Hiệp Quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC), dựa trên số liệu các vụ án mạng với nạn nhân là nữ và có liên quan đến vấn đề giới tính.
Cụ thể theo báo cáo của UNODC, trong năm 2017 có khoảng 87.000 trường hợp phụ nữ bị sát hại được ghi nhận, trong đó 50.000 thủ phạm là người thân và người tình. Con số này tương đương với việc cứ mỗi 10 phút lại có một phụ nữ bị sát hại bởi một người mà họ quen biết.
Trong số 50.000 này, có 30.000 là do người tình, và mỗi ngày lại có 137 phụ nữ bị sát hại bởi người thân trong gia đình.
Những con số đang chỉ ra một xu hướng đáng lo ngại trên phạm vi toàn cầu, về vấn đề bạo lực gia đình.
Bất chấp việc các nhà hoạt động đã tổ chức nhiều chương trình để nâng cao nhận thức và xóa bỏ nạn bạo lực với phụ nữ, thì số liệu vẫn tiếp tục tăng lên. Năm 2012, 47% nạn nhân nữ của các vụ án mạng có thủ phạm là người thân hoặc người tình. Đến năm 2017, tỉ lệ lên tới 58%.
Xét trên phạm vi toàn cầu, tỉ lệ đàn ông là nạn nhân của một vụ giết người cao hơn phụ nữ gấp 4 lần. Tuy nhiên, phụ nữ vẫn chiếm tỉ lệ cao hơn khi nói về những vụ án gây ra bởi người tình, hoặc chồng. Hầu hết là do bạo hành, hoặc do quan niệm về danh dự tôn giáo.
"Về số vụ án mạng, nạn nhân đa số vẫn là nam giới. Tuy nhiên, có một tỉ lệ rất lớn phụ nữ phải trả giá quá đắt về bất bình đẳng giới tính, phân biệt giới tính và các định kiến tiêu cực. Họ cũng là những người dễ bị sát hại nhất trong các vụ việc gây ra bởi người tình và người thân trong gia đình," - trích lời Yury Fedotov, giám đốc UNODC.
Nếu chia theo khu vực, thì châu Phi là nơi phụ nữ chịu rủi ro nhiều nhất - lên tới 3,1:100.000 phụ nữ. Tỉ lệ tại châu Mỹ cũng khác cao: 1,6:100.000; châu Đại dương (châu Úc) là 1,3; còn châu Á là 0,9.
Châu Âu là nơi có tỉ lệ phụ nữ là nạn nhân thấp nhất, chỉ 0,7:100.000 thôi.
UNODC cho rằng báo cáo này là một lời cảnh báo, rằng luật pháp cần được điều chỉnh, và cần nhiều hơn các chương trình chống bạo lực với phụ nữ. Đặc biệt, sự thay đổi cần đến với những nơi còn nhiều định kiến về giới tính, cần sự hỗ trợ của hệ thống tư pháp và lập pháp của cả một quốc gia.