Liên hoàn đòn của Flores, "cái chết" của Võ Đang và nỗi lo cho võ Việt Nam

Trư Cương Liệt |

Sau 3 pha cú đòn liên tiếp của Flores, võ sư Đoàn Bảo Châu gục xuống và chấp nhận thất bại.

Hàng loạt tranh cãi đã nổ ra sau liên hoàn đòn của võ sư Flores. Người ta làm hẳn một clip để phân tích rằng cách mà võ sư người Canada sử dụng chẳng khác gì trong thi đấu MMA.

Phân tích đòn thế của võ sư Flores

Một võ sư Vịnh Xuân tại Anh cho rằng, ông Flores đã có phần vượt quá khuôn khổ của cuộc "giao lưu võ thuật". 

Nhiều nhân vật khác trong làng võ Việt cũng lên tiếng cho rằng 2 màn trao đổi võ thuật của ông Flores tại Hà Nội chưa phải "tỉ thí" thực sự. Một số người còn đề xuất tổ chức những cuộc đấu chính thức, có xin cấp phép đàng hoàng để thử sức với võ sư đến từ Canada.

Người ta nhìn thấy một chút tương đồng giữa 2 sự kiện Flores và Từ Hiểu Đông. Tất nhiên, võ sư thuộc môn phái Vịnh Xuân Nam Anh tỏ ra đầy thân thiện và trân trọng những người tham gia trao đổi chiêu thức cùng mình như võ sư Đoàn Bảo Châu hay võ sư Trần Lê Hoài Linh, khác hẳn họ Từ với nhiều lời lẽ ngạo mạn.

Liên hoàn đòn của Flores, cái chết của Võ Đang và nỗi lo cho võ Việt Nam - Ảnh 2.

Võ sư Flores đến tặng tranh cho võ sư Đoàn Bảo Châu.

Chỉ có điều, những nỗi lo về võ cổ truyền tại Việt Nam hay Trung Quốc đều giống nhau.

Sau scandal Từ Hiểu Đông, người Trung Quốc bàng hoàng nhận ra ngoài Thiếu Lâm nhiều môn phái tưởng là hào nhoáng như Võ Đang, Nga Mi đều đang lay lắt. Ngay tại "sân nhà", những niềm tự hào của đất nước đông dân nhất thế giới lép vế khá nhiều so với Taekwondo du nhập từ nước ngoài.

Trong đó, nguyên nhân lớn nhất chính là việc có quá nhiều chi phái. Rất khó khăn để thống nhất được một hệ thống thi đấu hoàn chỉnh với các luật lệ làm vừa lòng tất cả. Ngay chuyện đồng phục, cấp bậc trong môn phái cũng khác biệt rất lớn.

Cứ thế, Võ Đang và Nga Mi trên phim ảnh thì "đánh Đông dẹp Bắc", ngoài đời thì lay lắt tìm cách sinh tồn.

Tại Việt Nam, cũng có nhiều môn phái hiện đang "sống khỏe". Dù vậy, Vovinam – môn võ được coi là đại diện cho chúng ta – lại vẫn rất gian nan trên hành trình trở nên phổ biến.

SEA Games 29 sắp tới là lần thứ 2 liên tiếp Vovinam vắng mặt. Chính Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam Lê Quốc Ân cũng phải lo lắng. Bởi nếu cứ tập luyện mà không được thi đấu thì VĐV sẽ dễ chán nản.

Rõ ràng, giao đấu luôn là một phần đầy hấp dẫn và chẳng thể tách biệt của võ thuật. Các môn phái võ cổ truyền Việt Nam cũng đã nỗ lực tổ chức nhiều sự kiện, tiếc rằng tiếng vang chưa được như mong đợi.

Liên hoàn đòn của Flores, cái chết của Võ Đang và nỗi lo cho võ Việt Nam - Ảnh 3.

Liệu võ cổ truyền Việt Nam có thể tạo dựng thành "thương hiệu" như Karate, Taekwondo, Judo hay ít ra như Pencak Silat ở khu vực Đông Nam Á?

Nếu có thể cùng nhau tạo nên một hệ thống thi đấu với những hạng mục cụ thể đi kèm luật lệ hoàn chỉnh, làng võ Việt Nam sẽ tự tạo cho mình các "cú hích" và thu hút sự quan tâm từ mọi người.

Từ mong muốn đến hiện thực còn khoảng cách rất xa. Và trong khi chờ đợi, người ta sẽ vẫn phải tạm coi sự kiện Flores như một cách "giải khát" niềm đam mẽ võ thuật.

Tiêu chuẩn hóa và phổ biến rộng rãi đã biến Taekwondo thành môn võ quốc tế thế nào?

Mãi tới sau chiến tranh thế giới thứ hai, Taekwondo mới được truyền bá rộng rãi trở lại ở bán đảo Triều Tiên. Năm 1955, tên gọi Taekwondo chính thức được xác lập, thay cho các tên khác trong dân gian.

4 năm sau, Hiệp hội Taekwondo Hàn Quốc ra đời với 13 võ sư. Tới năm 1966, Liên đoàn Taekwondo quốc tế được thành lập. Các luật lệ của môn võ này dần được hệ thống hóa, đưa thành tiêu chuẩn trên khắp Hàn Quốc và trên thế giới.

Taekwondo nhanh chóng lan rộng khắp thế giới và đến năm 2000 trở thành môn thi đấu chính thức tại Olympic. Tính đến hết năm 2009, Liên đoàn Taekwondo thế giới đã có 189 thành viên. Giải vô địch thế giới được tổ chức 2 năm một lần.

Võ sĩ Taekwondo Trần Hiếu Ngân là người Việt Nam đầu tiên giành huy chương tại một kỳ Olympic (HCB Olympic Sydney 2000).


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại