Lịch sử tai nạn đáng lo ngại của hãng máy bay Indonesia vừa lao xuống biển

Hải Anh |

Chiếc máy bay của Lion Air chở 189 hành khách lao xuống biển ở Indonesia ngày 29.10. Trên máy bay có 2 phi công, 6 tiếp viên hàng không và 178 hành khách, trong đó có cả 1 trẻ nhỏ và 2 bé sơ sinh.

Ngoài ra, trong số hành khách, có khoảng 20 nhân viên từ Bộ Tài chính Indonesia cũng trong chuyến bay này.

Theo Straits Times, hãng Lion Air đã thành lập một trung tâm khủng hoảng tại nhà ga số 1 của sân bay Soekarno-Hatta để hỗ trợ thân nhân của hành khách trên chuyến bay JT610 .

Phát ngôn viên của hãng cho hay, chiếc máy bay Boeing 737 MAX gặp nạn được sản xuất năm 2018 và bắt đầu được Lion Air đưa vào vận hành từ ngày 15.8. Máy bay do cơ trưởng Bhavye Suneja chỉ huy, cơ phó là Harvino.

Phát ngôn viên của hãng cho biết, cơ trưởng Bhavya đã có kinh nghiệm hơn 6.000 giờ bay, trong khi cơ phó có kinh nghiệm hơn 5.000 giờ bay.

Lion Air là hãng vận tải giá rẻ lớn nhất của Indonesia, chiếm hơn 40% thị phần. Hãng được lên kế hoạch mở rộng trong những năm gần đây, trong đó có việc đặt hàng sản xuất 50 máy bay Boeing 737 Max thuộc dòng máy bay thương mại một lối đi.

Hãng có tổng số gần 300 máy bay, hơn 1 nửa trong số đó là do Boeing sản xuất. Năm ngoái, hãng hàng không của Indonesia phục vụ gần 51 triệu hành khách, tăng hơn 6 triệu lượt so với năm 2016.

Dù vậy, Lion Air cũng là hãng từng xảy ra nhiều các vụ tai nạn hàng không thảm khốc trong năm 2002, chưa đầy 3 năm sau khi được anh em người Indonesia Rusdi và Kusnan Kirana thành lập.

Tháng 1.2002, chiếc Boeing 737-200 của hãng bị rơi khi cất cánh tại sân bay quốc tế Sultan Syarif Kasim II ở Pekanbaru, tỉnh Riau. Hành khách trên chuyến bay này may mắn sống sót. Tuy nhiên, hai năm sau đó, một tai nạn hàng không khác của Lion Air ở Solo đã cướp đi sinh mạng của 25 người.

Các vụ tai nạn khác liên quan đến máy bay của hãng hàng không giá rẻ Indonesia này gồm sự cố vào tháng 8.2013. Khi đó, một chiếc Boeing 737-800 của Lion Air chở 117 hành khách và phi hành đoàn từ Makassar đến Gorontalo đã đâm phải một con bò trong khi hạ cánh ở sân bay Jalaluddin và bị hất khỏi đường băng.

Cũng trong năm này, một máy bay của hãng lao xuống nước sau khi lao khỏi đường băng ở sân bay Ngurah Rai, đảo Bali.

Được biết, năm 2006, Liên minh Châu Âu từng cấm Lion Air bay vào không phận của các nước thành viên do lo ngại về vấn đề an toàn. Đến tháng 6.2016, Lion Air đã bị loại ra khỏi danh sách đen về an toàn hàng không của Liên minh Châu Âu.

Trước thảm kịch ngày 29.10 của Lion Air, vụ tai nạn hàng không mới nhất của Indonesia là chuyến bay của AirAsia số hiệu QZ8501 chở 162 người lao xuống biển Java sau khi cất cánh từ Surabaya.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại