Thổ "khuấy tung" Trung Đông: Nước mắt và máu người Kurd sau 5 lần bị bội phản?

DK |

"Người Kurd không có bạn bè ngoại trừ những ngọn núi". Chỉ vài ngày trước các chiến binh mà Ankara coi là khủng bố, vẫn là "đồng minh trung thành nhất" của người Mỹ.

Những giọt nước mắt người Kurd

Đứng trước một kho hàng bên đường, Hussein Rammo khom lưng, đôi mắt ướt đẫm. Ông lão người Kurd có dáng vẻ của một người đã suy sụp.

"Sự phản bội là hương vị cay đắng nhất" ông thì thầm khi bình luận về quyết định từ bỏ người Kurd Syria của Tổng thống Mỹ Donald Trump. "Tôi đã 63 tuổi và tôi chưa từng thấy điều gì tương tự. Nếu so với những áp bức trước đây thì sự phản bội hiện tại tồi tệ hơn nhiều".

Tiếng đạn pháo của Thổ Nhĩ Kỳ vang vọng khi Rammo lê bước về phía chiếc xe buýt nhỏ đang di chuyển đến, ông cùng với hàng chục người Kurd đang chen lấn tìm chỗ ngồi.

Cũng như hàng nghìn người Kurd khác ở đông bắc Syria, họ đang tuyệt vọng chạy trốn khỏi Qamishli và tìm đường đến bất cứ nơi nào có thể ẩn náu khỏi chiến tranh.

Thành phố lớn nhất khu vực đã trở nên trống rỗng. Dân quân người Kurd và những người chậm chân thưa thớt trên đường phố. Các điểm dừng xe buýt là nơi đông người còn sót lại trong một khu vực đô thị chuẩn bị cho chiến tranh.

Rahima Osman, người phụ nữ 52 tuổi cùng hai cháu trai 3 tuổi và 12 tuổi đang chờ đợi tới lượt minh để bắt chuyến xe đến Hassakah, thành phố cách Qamishly 2 giờ đi xe về phía nam.

"Các con trai của tôi đều chiến đấu vì một lý do, đó là mối quan hệ đối tác giữa người Kurd với Mỹ để chống lại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). Hai trong số chúng đã thiệt mạng".

Chỉ vào đứa cháu ít tuổi nhất, Osman nói: "Thằng bé được ba tháng tuổi khi bố nó hy sinh. Tên nó là Farhan Lezin. Tôi đang đưa chúng đến một nơi an toàn, càng xa càng tốt".

Sự tức giận và hoang mang diễn ra trong đám đông khi nhận ra phóng viên là người Phương Tây. Một người đàn ông nói trước khi chen lên xe bus: "Anh đang chế giễu chúng tôi bằng cách ở đây".

Sự tức giận của Nizamuddin Ibrahim, một công nhân xây dựng 41 được thể hiện rõ hơn: "Sau khi thiệt mạng tới 5.000, đây là cách họ (người Mỹ) đáp lại sự hy sinh của chúng tôi. Chúng tôi là những người nghèo, và giờ đây chúng tôi đã mất tất cả".

Thổ khuấy tung Trung Đông: Nước mắt và máu người Kurd sau 5 lần bị bội phản? - Ảnh 2.

Phụ nữ và trẻ em người Kurd di tản khi khói do không kích và pháo kích của Thổ Nhĩ Kỳ bốc lên từ Ras al-Ayn.

"Người Kurd không có bạn bè ngoại trừ những ngọn núi"

Câu tục ngữ cổ của người Kurd là một sự thật cay đắng và được trích dẫn thường xuyên đến mức nó đã trở thành một chân lý và đã được chứng minh thêm một lần nữa.

Mặc dù có tới 30 triệu người, lớn thứ tư trong khu vực, nhưng người Kurd lại là một dân tộc thiểu số sống rải rác khắp Trung Đông.

Người Kurd đã vận động cho sự độc lập của họ kể từ cuối những năm 1800. Cùng với sự sụp đổ của Đế chế Ottoman sau Thế chiến thứ nhất, cơ hội đã lần đầu tiên đến với người Kurd.

Một khu vực lãnh thổ dành cho người Kurd có thể đã được xem xét trong các cuộc đàm phán vào năm 1918, nhưng sau khi vấp phải sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp và Anh đã hủy bỏ kế hoạch và chia các vùng đất nơi người Kurd sinh sống vào 3 quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và Syria.

Quãng thời gian ngắn hậu Thế chiến, người Kurd đã cố gắng thành lập một Vương quốc Kurdistan độc lập nằm ở biên giới Iran nhưng nó đã bị Iraq nghiền nát vào năm 1924 với sự hỗ trợ của người Anh.

Thổ khuấy tung Trung Đông: Nước mắt và máu người Kurd sau 5 lần bị bội phản? - Ảnh 3.

Các cuộc nổi dậy của Mahmud Barzanji đã dẫn tới việc thành lập Vương quốc Kurdistan. Tuy nhiên vương quốc này chỉ tồn tại ngắn ngủi trong 2 năm từ 1922 đến 1924 do sự vượt trội về vũ khí và nhân lực của Anh và Iraq.

Với việc Nhà Trắng quyết định bật đèn xanh cho chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ hôm 6/10, lịch sử mối quan hệ "cay đắng" của người Kurd với người Mỹ đã quay ngược trở lại lần phản bội đầu tiên của người Mỹ và lần thứ 3 của phương Tây năm 1975.

Vào năm đó, Tổng thống Iraq Saddam Hussein đã bất ngờ ký một thỏa thuận hòa bình với Shah (Vua) Iran tại Algeria nhằm giải quyết các vấn đề biên giới.

Súng đạn và tài trợ của Hoa Kỳ cho lực lượng Peshmerga (dân quân người Kurd Iraq) để chiến đấu với Baghdad đã đột ngột bị cắt đứt. Quân đội Iraq đã nhanh chóng phản công và tàn sát các chiến binh người Kurd.

Thổ khuấy tung Trung Đông: Nước mắt và máu người Kurd sau 5 lần bị bội phản? - Ảnh 4.

Chiến binh người Kurd Iraq những năm 1990.

Đến thập niên 1980, cùng với việc Shah bị lật đổ và Cộng hòa Hồi giáo Iran được thành lập, người Mỹ đã xem ông Hussein là đồng minh hiệu quả hơn nhiều so với người Kurd.

Chính quyền của Tổng thống Ronald Reagan tiếp tục ủng hộ cuộc chiến tranh chống lại Iran ngay cả khi binh lính Iraq đã tấn công các cộng đồng người Kurd trong một chiến dịch quân sự mà chính quyền Iraq hiện tại công nhận là một cuộc diệt chủng.

Năm 1990, cuộc xâm lược Kuwait của Saddam Hussein đã biến ông trở thành kẻ thù của nước Mỹ. Chiến dịch "Bão táp sa mạc" đã đẩy lùi lính Iraq ra khỏi Kuwait và chính quyền của Tổng thống George Bush khuyến khích người Shia và Kurd Iraq nổi dậy.

Cuộc nổi dậy ở miền nam Iraq của người Shia đã sớm bị đè bẹp, nhưng việc áp đặt vùng cấm bay của phương Tây đã cho phép thành lập một khu vực người Kurd tự trị.

Tuy nhiên, kết thúc một lần nữa cay đắng cho người Kurd Iraq khi bị người Mỹ phản bội lần thứ hai (và là lần phản bội thứ 4 của phương Tây) vào năm 2017 khi họ không nhận được sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ và đã bị các lực lượng Iraq đẩy lui khỏi khu vực Kirkuk.

Ở Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc đấu tranh của người Kurd đã có một bước ngoặt vào những năm 1980 với sự thành lập Đảng Công nhân người Kurd (PKK). PKK đã tiến hành một cuộc chiến tranh du kích chống lại Thổ Nhĩ Kỳ trong 35 năm khiến khoảng 40.000 người thiệt mạng.

Thổ khuấy tung Trung Đông: Nước mắt và máu người Kurd sau 5 lần bị bội phản? - Ảnh 5.

Chiến binh PKK.

Trong sự hỗn loạn của cuộc nội chiến Syria, các chiến binh người Kurd có liên hệ với PKK đã kiểm soát các khu dân cư quan trọng ở miền bắc Syria và tự vệ trước nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) khi chúng bắt đầu bành trướng ở giai đoạn sau năm 2014.

Với mục đích tiêu diệt IS, người Mỹ mong muốn có một đồng minh đáng tin cậy ở Syria và họ lựa chọn hỗ trợ người Kurd bằng các cuộc không kích và cuối cùng là tiền và vũ khí. Thổ Nhĩ Kỳ theo dõi liên minh này với hàng loạt cảnh báo ngày càng gia tăng.

Sau cuộc điện thoại với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan hôm 6/10, ông Trump đã làm cả thế giới ngạc nhiên bằng cách tuyên bố rằng người Mỹ sẽ đứng sang một bên, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến vào đông bắc Syria và "dọn dẹp" khu vực biên giới.

Chỉ vài ngày trước đó, các chiến binh người Kurd mà Ankara coi là khủng bố, vẫn là "đồng minh trung thành nhất" của người Mỹ trong cuộc chiến chống IS.

Quân đội Syria tại sân bay Tabqa sau khi được người Kurd bàn giao đêm 13/10.

"Kẻ thống trị" Trung Đông thế kỷ 21

Với chiến dịch quân sự tại miền bắc Syria, Tổng thống Erdogan đã làm được "điều không thể", đó là khiến các quốc gia trong khu vực và các cường quốc (Nga, Mỹ, Iran, Arab Saudi, Israel...) "đứng yên chịu trận" tại Syria.

Là người theo chủ nghĩa dân tộc với khuynh hướng độc tài, ông Erdogan thường tự nhận mình "chống lại thế giới" trong suốt 16 năm liên tiếp cầm quyền và đây là lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được vị thế là một "kẻ thống trị", một thế lực mới không thể bỏ qua trong khu vực.

Giao tranh dọc biên giới hiện nay vẫn đang được kiểm soát, nhưng chiến sự có thể nhanh chóng thay đổi nếu một cuộc tiến quân lớn hơn của Thổ vào các khu vực đông dân cư có thể gây ra thương vong lớn cho dân thường và các cuộc nổi dậy khác ở địa phương (nằm vào người Kurd).

Thổ khuấy tung Trung Đông: Nước mắt và máu người Kurd sau 5 lần bị bội phản? - Ảnh 7.

Tổng thống ba nước Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga trong cuộc hội đàm tại Astana năm 2019.

Châu Âu có quá ít ảnh hưởng với những gì đã, đang và sẽ xảy ra tiếp theo, người Mỹ dường như đã thể hiện "quyết tâm vứt bỏ". Đó là một quyết định tai hại mà họ sẽ phải sửa chữa trong nhiều năm tới.

Phản bội đồng minh người Kurd trong cuộc chiến chống lại IS đã tồi tệ, nhưng việc từ bỏ Syria cho đối thủ - các thế lực ủng hộ chính phủ Damascus (Nga, Iran) được cho là thất bại mới nhất về chính sách của Mỹ sau 8 năm "Mùa xuân Arab" diễn ra.

Đối với người Nga, mặc dù đẩy người Mỹ ra khỏi Syria là mục tiêu lâu dài của họ. Tuy nhiên, phản ứng của Moscow đối với cuộc chiến phần lớn là tiêu cực.

Khi người Nga quyết định can thiệp vào Syria vào năm 2015, tiền và vũ khí Nga đã giúp Damascus chiến thắng, nhưng chiến thắng này đã tỏ ra khó nắm bắt, trong khi chi phí tăng lên.

Chiến dịch quân sự của ông Erdogan làm phức tạp thêm vấn đề và có thể cản trở kế hoạch hòa bình mà Nga, Iran (và Thổ Nhĩ Kỳ) đã theo đuổi thông qua "Tiến trình Astana".

Đó là lý do tại sao người Nga đã làm trung gian để người Kurd (sau khi bị Mỹ bỏ rơi) ký với chính phủ Syria một thỏa thuận khiến đêm 13/10, Quân đội Arab Syria (SAA) tiến vào một loạt khu dân cư do người Kurd nắm giữ

Tổng thống Bashar al-Assad đã ngay lập tức nhận ra cơ hội để chiếm lại các lãnh thổ bị mất từ tay người Kurd ở bờ đông sông Euphrate. Khu vực an toàn 30 km dọc biên giới của Erdogan trong ngắn hạn chưa phải là mục tiêu của SAA.

Thổ khuấy tung Trung Đông: Nước mắt và máu người Kurd sau 5 lần bị bội phản? - Ảnh 9.

Các hướng di chuyển của lực lượng chính phủ Syria đêm 13/10.

Trước việc rút quân của người Mỹ và sự không có thiện cảm với người Kurd, một nhóm thiểu số "rắc rối" ngay chính bên trong quốc gia của mình, liệu người Iran có vui mừng?

Ngoài việc chiến dịch quân sự của Thổ đang đe dọa kế hoạch của Tehran nhằm thiết lập một hành lang phía bắc Syria nối với lực lượng Hezbollah ở Lebanon thì việc Mỹ rút quân làm dấy lên lo ngại về một cuộc nổi dậy của người Sunni thông qua một hình thái khác của IS.

Iran giờ đây đã có nhiều thứ để mất sau một quá trình vất vả ủng hộ các đồng minh ở Damascus và Baghdad và rõ ràng là họ không muốn một mình đối mặt với một cuộc nổi dậy khác của người Sunni.

Lo lắng của Iran cũng như tất cả các thế lực khác trong khu vực là điều không phải bàn cãi vì một viễn cảnh hồi sinh của IS sau chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ khuấy tung Trung Đông: Nước mắt và máu người Kurd sau 5 lần bị bội phản? - Ảnh 10.

Phiến quân Syria trung thành với Thổ Nhĩ Kỳ tại một vị trí mới chiếm được từ tay lực lượng YPG người Kurd ở miền bắc Syria.

Kỳ lạ thay, sự lo lắng này đã khiến Mỹ, Iran và Arab Saudi (các quốc gia đứng trên bờ vực chiến tranh vài tuần trước sau cuộc tập kích bằng máy bay không người lái và tên lửa hôm 14/9) thấy họ đứng chung một chiến tuyến.

Cũng như Arab Saudi, các chính phủ Arab khác bao gồm Ai Cập, Jordan, Bahrain, Lebanon và UAE đều lên án Thổ Nhĩ Kỳ về sự ủng hộ tổ chức Huynh đệ Hồi giáo và các ý tưởng về việc tái lập Đế chế Ottoman.

Trước đây họ đã tính toán rằng cách duy nhất để chấm dứt tình trạng chiến tranh của Syria và ngăn chặn IS là lật đổ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad. Nhưng việc Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng mở rộng kiểm soát tại Syria đã hoàn toàn lật ngược kế hoạch này.

Sau một thời gian dài ủng hộ phiến quân Syria, các nước nói trên đã theo đuổi mối quan hệ thận trọng với Damascus, dựa trên mối quan tâm chung về ổn định khu vực và giữ vững nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ.

Tình thế của người Kurd đã trở thành một cảnh báo khác trong khu vực rằng liên minh với Mỹ thiếu sự tin tưởng.

Trong bối cảnh leo thang trả đũa trở thành một cuộc chiến với Iran sẽ chắc chắn đem lại thiệt hại kinh tế và nhân mạng nặng nề, Arab Saudi đã nhận ra bài học từ người Kurd rằng họ không thể tin tưởng vào Mỹ và bắt đầu ngồi vào bàn đàm phán với đối thủ.

Thật mỉa mai rằng Israel quốc gia được ví như "tàu sân bay của Hoa Kỳ trên sa mạc" sẽ một lần nữa thấy họ trở thành mục tiêu của một cuộc chiến tiếp theo mà nhiều khả năng sẽ không nhận được sự hỗ trợ của người Mỹ.

Quân chính phủ Syria tiến vào thành phố Manbij trong đêm 13/10 sau thỏa thuận với người Kurd.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại