Lịch sử của hệ thống thuế

Nguyễn Minh |

Từ xác ướp của các pharaoh đến Kim tự tháp Giza vĩ đại, văn hóa Ai Cập cổ đại có sức lan truyền và ảnh hưởng lớn trong thế giới hiện nay.

Bên cạnh đó, người Ai Cập cổ đại còn để lại một di sản thiết thực là thuế và các nguyên tắc quản lý hành chính.

Các loại hình thuế

Hệ thống thuế được biết đến sớm nhất trên thế giới xuất hiện từ thuở bình minh của Ai Cập cổ đại, tức là cách đây 3 nghìn năm trước Công nguyên. Sau Ai Cập, nền văn minh Lưỡng Hà đã học hỏi. Hệ thống này tiếp tục hoạt động trong nhiều thiên niên kỷ sau khi Ai Cập cổ đại sụp đổ vào thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên và tồn tại cho đến ngày nay.

Hệ thống thuế của Ai Cập phát triển và đa dạng hóa trong suốt quá trình tồn tại của nền văn minh. Tuy nhiên, khái niệm cơ bản vẫn giữ nguyên. Đó là nhà nước đánh thuế để chi trả cho các hoạt động của mình và duy trì trật tự xã hội. Điều này có nguyên nhân từ việc Ai Cập thường xuyên xây dựng cung điện, lăng tẩm và đối mặt với chiến tranh.

Ông Toby Wilkinson - chuyên gia Ai Cập học tại Đại học Cambridge (Anh), đánh giá di sản của chính quyền AI Cập cổ đại là hệ thống thuế đa dạng từ thuế thu nhập đến thuế hải quan. Hệ thống này có thể nhìn thấy trong các hình thức chính phủ hiện đại.

Trong phần lớn lịch sử, người Ai Cập cổ đại đánh thuế hàng hoá. Các quan chức thu thuế dưới dạng ngũ cốc, hàng dệt may, sức lao động, gia súc và nhiều hàng hoá khác. Số tiền thuế phải nộp thường liên quan đến nông nghiệp, với một tỷ lệ nhất định thu hoạch trên cánh đồng dành cho các kho thóc hoặc trung tâm lưu trữ hành chính do nhà nước điều hành.

Đáng chú ý, thuế được điều chỉnh theo năng suất đồng ruộng. Đơn cử, cánh đồng có vụ thu hoạch thành công hơn sẽ bị đánh thuế ở mức cao hơn. Điều này vẫn được giữ nguyên trong khung thuế hiện nay, thể hiện qua việc các loại thuế khác nhau được ban hành dựa trên lượng của cải phát sinh.

Juan Carlos Moreno García, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp, phân tích: “Các cánh đồng bị đánh thuế theo nhiều cách khác nhau và tỷ lệ phụ thuộc vào năng suất của từng cánh đồng cũng như độ phì nhiêu, chất lượng của đất. Chính phủ cũng xác định mức thuế cơ bản phụ thuộc vào độ cao của sống Nile”.

Trên Elephantine, hòn đảo ở Thượng Ai Cập, các nhà khảo cổ thế kỷ 19 đã phát hiện ra một cầu thang dài dùng để đo mực nước lũ của sông Nile. Nếu nước dâng lên trên đường đánh dấu, nó báo hiệu những cánh đồng bị ngập lụt và mùa màng kém.

Nếu nó giảm quá thấp nghĩa là hạn hán và mùa màng khô hạn. Vì Ai Cập cổ đại là nền kinh tế nông nghiệp phụ thuộc vào sông Nile nên những thay đổi của sông sẽ ảnh hưởng đến mức thuế.

Thuế thu hoạch đã đóng góp nguồn thu quan trọng cho kho bạc nhà nước. Nhưng Ai Cập không chỉ cần ngũ cốc mà còn cần lao động. Do đó họ có hệ thống corvée, trong đó, tất cả người Ai Cập dưới cấp bậc quan chức có thể bị nhà nước bắt làm việc trong các dự án công. Họ phải hoàn thành các nhiệm vụ như cày ruộng, khai thác mỏ đá, xây dựng đền thờ, lăng mộ...

Lịch sử của hệ thống thuế- Ảnh 1.

Hệ thống thuế đầu tiên ra đời trong nền văn minh Ai Cập cổ đại.

Cách thức quản lý thuế

Ngoài việc xác định thuế suất và các loại thuế, người Ai Cập cổ đại đã phát triển nhiều phương pháp thu thuế. Trong thời kỳ Cổ Vương quốc, kéo dài từ năm 2649 đến 2130 trước Công nguyên, nhà vua đánh thuế tập thể các cộng đồng.

Điều này nghĩa là các chủ sở hữu bất động sản phải giao nộp hàng hóa do thuộc hạ của họ đóng góp. Cũng trong khoảng thời gian này, người Ai Cập đi tiên phong khái niệm chính quyền trung ương do pharaoh đứng đầu. Các tỉnh gọi là nomes, chịu sự quản lý của chính quyền địa phương.

Để đảm bảo các thống đốc tỉnh (gọi là nomarchs) báo cáo chính xác tình hình kinh tế, các pharaoh thường đi vi hành hàng năm hoặc 2 năm một lần. Trong các chuyến đi thực tế, các pharaoh có thể kiểm tra trực tiếp việc thu thuế mà không đợi báo cáo từ chính quyền địa phương.

Hình thức vi hành giúp nhà vua hiện diện rõ ràng trong cuộc sống của thần dân và theo dõi chặt chẽ mọi thứ đang diễn ra trong đất nước vào thời điểm đó.

Đến thời Trung Vương quốc (từ năm 2030 đến 1650 trước Công nguyên), nhà vua bắt đầu đánh thuế cá nhân. Thay vì vi hành, nhà vua sẽ cử những người ghi chép đi kiểm tra các địa phương. Họ có nhiệm vụ rà soát, lưu giữ hồ sơ về số thuế, số thiếu, số cần phải trả... Sự thay đổi này có được nhờ tỷ lệ biết đọc và viết tăng đột biến, giúp vua có nhiều người hầu đắc lực.

Hầu hết các bằng chứng vật lý về thuế ở Ai Cập Cổ đại xuất hiện tại Vương quốc Mới (từ năm 1550 đến 1070 trước Công nguyên). Đây là thời kỳ đỉnh cao của lưu trữ hồ sơ, khi một đội người thu thuế và người ghi chép giữ cho kho bạc hoàng gia luôn đầy ắp. Nhiều pharaoh đã sử dụng tiền thuế thu được để xây dựng các tượng đài lớn và tổ chức lễ hội hoành tráng.

Song song các mặt tiêu cực của hệ thống thuế cũng xuất hiện như gian lận, trốn thuế hay tham nhũng. Những người ghi chép có thể bắt tay với thống đốc tỉnh khai thiếu số lượng thuế và giữ phần thừa.

Những người nộp thuế cũng nghĩ ra nhiều cách để không phải nộp thuế. Đơn cử, họ bỏ đá vào ngũ cốc nộp thuế. Vấn đề trở nên nghiêm trọng đến mức hoàng gia đã ban hành sắc lệnh yêu cầu người dân không được gian lận về thuế.

Dù nền văn minh cổ đại có niềm tin vững chắc vào pharaoh, người được cho là trung gian giữa người thường và thần thánh, nhưng người Ai Cập cổ đại không quá quan tâm đến thuế. Nhiều người đã công khai phản đối hệ thống này, nhất là về sự không công bằng trong việc nộp thuế.

Sự bất mãn càng trở nên trầm trọng hơn khi Ai Cập cổ đại bị chiếm đóng. Nhiều người đã nổi dậy chống lại quân chiếm đóng, đổi lại, nhà nước phải ban hành các chính sách giảm thuế, miễn thuế nhằm xoa dịu người dân.

Theo Smithsonian

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại