Libya kẹt giữa cảnh tiến thoái lưỡng nan giữa nhiều thế lực, "bóng ma" kịch bản Syria đang được lặp lại?

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Tình hình Libya một lần nữa lại thu hút sự quan tâm to lớn của cộng đồng quốc tế.

Ngày 27/4/2020, tướng Khalifa Haftar, người đứng đầu Quân đội quốc gia Libya (LNA) đã kêu gọi người dân Libya bác bỏ thỏa thuận Skhirat năm 2015 dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc, dẫn đến việc thành lập Chính phủ do Fayez Al-Sarraj đứng đầu tháng 1/2016, được gọi là Chính phủ hòa hợp dân tộc (GNA) có trụ sở tại Tripoli.

Tuy nhiên, chính phủ của F. Sarraj được thành lập không thông qua đàm phán giữa các phe phái, hội nghị hòa giải toàn quốc đã không được triệu tập, nên không được Quốc hội phê chuẩn. Cuộc tranh giành quyền lực giữa Quốc hội và GNA ngày càng trở nên căng thẳng và biến thành cuộc nội chiến kéo dài từ giữa mùa hè năm 2016 đến nay.

Chiến dịch quân sự của LNA nhằm chiếm Thủ đô Tripoli, lật đổ chính quyền của Thủ tướng F. Al-Sarraj được phát động từ tháng 4/2019 đến nay không giành được thắng lợi. Cuộc phản công của GNA cũng không đánh bại được cuộc tấn công của LNA. Tình hình này cho thấy cuộc xung đột Libya chỉ có thể giải quyết bằng con đường đối thoại chính trị.

Sáng kiến mới nhằm giải quyết cuộc xung đột bằng đối thoại chính trị

Trong bối cảnh căng thẳng như vậy, người đứng đầu Quốc hội Libya, Akilya Saleh, mới đây đã đưa ra sáng kiến ​​mới kèm theo một lộ trình nhằm giải quyết cuộc xung đột tại nước này bằng con đường chính trị. Ông đề nghị, 3 khu vực lịch sử của Libya gồm Tripolitania, Cyrenaica và Fezzan, mỗi khu vực sẽ bầu chọn ra một đại diện để tham gia vào Hội đồng Tổng thống bao gồm Tổng thống và hai phó Tổng thống.

Việc bỏ phiếu để bầu ra các thành viên của Hội đồng Tổng thống sẽ được tiến hành dưới sự giám sát của Liên Hợp Quốc. Hội đồng Tổng thống sẽ bổ nhiệm Thủ tướng và các Phó Thủ tướng đại diện cho ba khu vực nói trên của Libya. Quốc hội sẽ phê chuẩn các chức vụ Thủ tướng và Phó Thủ tướng.

Libya kẹt giữa cảnh tiến thoái lưỡng nan giữa nhiều thế lực, bóng ma kịch bản Syria đang được lặp lại? - Ảnh 1.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp tướng Khalifa Haftar. Ảnh: AFP

Sau khi Hội đồng Tổng thống được thành lập, một Uỷ ban dự thảo Hiến pháp sẽ được thành lập nhằm xác định thể chế tương lai của nhà nước Libya.

Bước tiếp theo trong lộ trình là tổ chức các cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội. Người đứng đầu hội đồng Tổng thống và các Phó Tổng thống sẽ không được phép tham gia bầu cử. Nhiệm vụ của Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang trong thời kỳ chuyển tiếp sẽ được các thành viên của Hội đồng Tổng thống đảm nhiệm chung.

Chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng sẽ do các lực lượng vũ trang lựa chọn và bổ nhiệm. Người đứng đầu GNA, F. Sarraj tuyên bố cần phải nối lại cuộc đối thoại chính trị giữa các bên trong cuộc xung đột dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc và khả năng sửa đổi thỏa thuận Skhirat về Libya.

Ông F. Al-Sarraj tuyên bố "hoan nghênh tất cả các sáng kiến ​​chính trị nhằm tìm ra một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột hiện nay mà không cần dùng đến các biện pháp quân sự."

Ông kêu gọi tất cả các bên xung đột và các lực lượng chính trị chấm dứt chia rẽ, nhanh chóng nối lại đàm phán dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc, trước mắt để đạt được đồng thuận về một lộ trình đi tới một giải pháp chính trị toàn diện cho cuộc xung đột.

Chế độ Muammar Al-Qaddafi bị lật đổ năm 2001, Libya trở thành nơi tranh giành lợi ích của các nước.

Sau khi nhà lãnh đạo Muammar Qaddafi bị Mỹ và các nước trong khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) tấn công lật đổ năm 2011, Libya bị chia cắt và chìm trong cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn kéo dài cho đến ngày nay. Hai chính quyền song song tồn tại: Chính phủ hòa hợp dân tộc (GNA) của Thủ tướng F. Al-Sarraj ở Tripoli và Quốc hội ủng hộ Quân đội quốc gia Libya (LNA) của tướng K. Haftar ở Tobruk.

Libya kẹt giữa cảnh tiến thoái lưỡng nan giữa nhiều thế lực, bóng ma kịch bản Syria đang được lặp lại? - Ảnh 2.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ R. Erdogan tiếp Thủ tướng GNA Fayez Sarraj tại Istanbul. Ảnh: Hurriyet

Chính phủ Hòa hợp dân tộc (GNA) của Thủ tướng F. Al-Sarraj được Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, một số quốc gia khác trong khu vực và Liên hợp quốc ủng hộ. Trong khi đó, quân đội LNA của tướng K. Haftar được Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Ả Rập Saudi, Italia, Pháp và Nga ủng hộ.

Ankara quyết định công khai ủng hộ chính phủ GNA ở Tripoli là nhằm bảo vệ chính quyền Hồi giáo thân Thổ Nhĩ Kỳ và các lợi ích kinh tế của mình tại Libya. Ngày 2/1/2020, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua nghị quyết cho phép triển khai quân đội đến Libya và ngay sau đó ba ngày Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu đưa quân sang Libya.

Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường tiếp viện cho chính phủ GNA của F. Sarraj, đưa đến Tripoli 11 máy bay F-16, hàng chục máy bay không người lái, một số tàu chiến và hơn 11 nghìn lính đánh thuê được tuyển mộ từ các tổ chức đối lập Syria. Tình hình này đã làm thay đổi cán cân so sánh lực lượng trên chiến trường bất lợi cho tướng K. Haftar. Kết quả là quân GNA đã giành được quyền kiểm soát hầu hết bờ biển phía Tây chạy dài từ Tripoli đến biên giới Tunisia.

Liên minh châu Âu (EU) không ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ triển khai quân đội tại Libya. Bộ trưởng ngoại giao Italia, Pháp, Đức và Anh, người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell đã ra tuyên bố kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức tại Tripoli. Chính phủ Síp cũng đã phản đối hành động của Thổ Nhĩ Kỳ.

Các nước ủng hộ Haftar coi Libya là địa bàn chứa nhiều nguy cơ bất ổn. Pháp, Italia, Ai Cập, UAE và Ả Rập Saudi cho rằng một chính phủ tôn giáo sẽ là nguồn gốc của sự bất ổn tiềm tàng. Họ muốn có một nhà lãnh đạo quân sự nắm quân đội để có thể thống nhất và kiểm soát được tình hình Libya, đồng thời có thể đàm phán để thiết lập một thể chế dân chủ và đấu tranh chống lại các phấn phần tử cực đoan.

Nga phủ nhận các cáo buộc Moscow tham gia vào cuộc xung đột Libya. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng, có nhiều lý do để tin rằng, Nga tham gia vào cuộc xung đột. Libya dưới thời M. Al-Qaddafi là đồng minh thân cận của Nga. Moscow muốn khôi phục lại ảnh hưởng của mình ở Libya, làm đầu cầu để triển khai chiến lược của mình ở Trung Đông và châu Phi,

Nhiều nhà phân tích chính trị cho rằng, sau một thời gian hỗ trợ tài chính và chiến thuật cho LNA của tướng K. Haftar, Nga đã chuyển sang có nhiều hành động trực tiếp hơn để tác động đến kết quả của cuộc nội chiến ở Libya có lợi cho mình.

Nga đã cung cấp cho LNA máy bay ném bom Su, các tổ hợp tên lửa và pháo binh. Báo New York Times viết, đây là kịch bản đang làm cho Moscow trở thành một bên đóng vai trò chủ chốt trong cuộc nội chiến ở Libya. Cũng giống như ở Syria, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đứng ở hai phía khác nhau trong cuộc xung đột Libya.

Libya kẹt giữa cảnh tiến thoái lưỡng nan giữa nhiều thế lực, bóng ma kịch bản Syria đang được lặp lại? - Ảnh 3.

Tướng K. Haftar và Thủ tướng GNA F. Al-Sarraj đồng ý tổ chức bầu cứ tháng 10/2019. Ảnh: Etienne Laurent/AFP/ Getty Images

Tương lai nào cho cuộc xung đột Libya?

Lý do chính của tình hình bất ổn ở Libya là sự can thiệp của phương Tây, dẫn đến việc thông qua Nghị quyết 1973 (2011) của Hội đồng Bảo an được các nước phương Tây và các đồng minh Ả Rập của sử dụng làm cơ sở cho sự can thiệp quân sự vào Libya, lật đổ chế độ Muammar Al-Qaddafi.

Mặc dù cả LNA và GNA đều nói về một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột, nhưng chiến sự vẫn đang diễn ra ác liệt. GNA bác bỏ đề nghị ngừng bắn nhân đạo của LNA trong tháng Ramadan của người Hồi giáo, tăng cường các cuộc tấn công nhằm chiếm căn cứ không quân Al-Watiyah.

Đáp lại, các lực lượng LNA đã nâng mức báo động và sẵn sàng chiến đấu ở mức cao nhất tại các khu vực phía Nam. Ngày 9/5/2020, các lực lượng LNA tiếp tục bắn hàng loạt tên lửa vào sân bay quốc tế Matiga của Thủ đô Tripoli gây nhiều thiệt hại và thương vong.

Căn cứ Al-Watiyah được coi là cứ điểm lớn nhất của Tướng K. Haftar ở phía Tây Libya. Đây là nơi xuất phát điểm của các lực lượng LNA tấn công vào Thủ đô Tripoli. Nếu căn cứ này rơi vào tay GNA thì vòng vây phong tỏa Tripoli của tướng K. Haftar sẽ bị phá vỡ và phải rút lực lượng về các vị trí của mình ở phía Đông.

Điều này có nghĩa là tham vọng của K. Khalifa trong việc thống nhất Libya dưới quyền lãnh đạo của ông sẽ đứng trước nguy cơ sụp đổ. Bởi vậy, các lực lượng LNA được một số nước ủng hộ quyết chiến đấu đến cùng để giữ bằng được căn cứ quan trọng này.

Rất khó để dự đoán được tiến triển tình hình của cuộc nội chiến Libya. Triển vọng ổn định tình hình ở Libya trong tương lai gần hầu như rất mờ mịt do có quá nhiều nước can dự vào cuộc xung đột. Các nhà phân tích am hiểu tình hình Libya dự đoán cuộc khủng hoảng có thể diễn biến theo ba khả năng chính:

Libya kẹt giữa cảnh tiến thoái lưỡng nan giữa nhiều thế lực, bóng ma kịch bản Syria đang được lặp lại? - Ảnh 5.

Thứ nhất, các lực lượng của chính phủ GNA do F. Sarraj đứng đầu và những người ủng hộ họ chiếm được căn cứ Al-Watiyah và thành phố Tarhuna, mở rộng quyền kiểm soát đối với thành phố Sirte và Bani Walid. Kết quả này sẽ dẫn đến chia cắt Libya thành ba quốc gia: Burqa,Tripoli và Fezzan.

Thứ hai, được sự hỗ trợ mạnh mẽ của Nga, UAE, Ai Cập và Pháp, tướng K. Haftar sẽ tiếp tục phản công và giành lại quyền kiểm soát khu vực bờ biển phía Tây. Căn cứ Al-Watiyah đến nay vẫn đứng vững, cuộc chiến có thể kéo dài.

Thứ ba, tình hình trên chiến trường không ngã ngũ, do sức ép của Liên hợp quốc và các nước, GNA và LNA sẽ nối lại đàm phán trên cơ sở thỏa thuận Skhirat (2015) và tuyên bố của Hội nghị Berlin tháng 1/2020.

Tướng Haftar là một quân nhân kỳ cựu sẽ không dễ dàng đầu hàng. Hơn nữa, trong nước được hầu hết các bộ lạc ở phía Đông ủng hộ, ngoài nước được một số nước hỗ trợ, tướng K. Haftar từ lâu nuôi cho mình tham vọng trở thành người đứng đầu quốc gia Libya, sẽ chiến đấu đến cùng với bất cứ giá nào.

Quan điểm khác nhau và xung đột lợi ích giữa các nước là trở ngại lớn trong quá trình giải quyết cuộc xung đột ở Libya. Mâu thuẫn trong thế giới Ả Rập giữa một bên là Ai Cập, UAE và Ả Rập Saudi và bên kia là Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ, bất đồng giữa các quốc gia châu Âu đang làm cho việc hòa giải giữa các bên xung đột Libya trở nên khó khăn và phức tạp hơn. Kịch bản Syria đang được lặp lại ở Libya.

*Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại