LHQ cảnh báo về thời tiết nóng kỷ lục của năm 2022

An Bình |

Liên hợp quốc, ngày 12/1, xác nhận rằng 8 năm qua là khoảng thời gian nóng nhất kể từ khi thông tin về thời tiết bắt đầu được lưu trữ, theo AFP.

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết năm 2022, khi thế giới phải đối mặt với một loạt các thảm họa thiên nhiên chưa từng có do biến đổi khí hậu gây ra, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã cao hơn khoảng 1,15 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) và NASA cũng công bố các số liệu tương tự về nhiệt độ toàn cầu năm 2022 vào ngày 12/1. Bill Nelson, người đứng đầu cơ quan của Mỹ cho rằng những số liệu này là "đáng báo động".

Ông nói: "Cháy rừng đang gia tăng, bão ngày càng mạnh, hạn hán tàn phá, mực nước biển dâng cao. Nhiều hình thái thời tiết khắc nghiệt đe dọa sự an toàn của chúng ta trên khắp hành tinh này. Và chúng ta cần một số hành động mạnh mẽ".

LHQ cảnh báo về thời tiết nóng kỷ lục của năm 2022 - Ảnh 1.

Nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan đã diễn ra trong năm 2022. Ảnh: AP.

WMO, một cơ quan của Liên Hợp Quốc, cho biết tám năm qua "là khoảng thời gian nóng kỷ lục trên toàn cầu, một phần đến từ nồng độ khí nhà kính và nhiệt độ ngày càng tăng".

Năm nóng nhất được ghi nhận là năm 2016, tiếp theo là năm 2019 và 2020. Còn năm 2022 đánh dấu năm thứ tám liên tiếp nhiệt độ toàn cầu hàng năm cao hơn ít nhất 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, từ năm 1850 đến năm 1900.

Thỏa thuận Paris, được gần như tất cả các quốc gia trên thế giới nhất trí vào năm 2015, kêu gọi hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Các nhà khoa học cho rằng mức này sẽ hạn chế tác động của biến đổi khí hậu để con người có thể kiểm soát được.

Nhưng WMO ngày 12/1 cũng cảnh báo rằng "nguy cơ nhiệt độ tăng vượt giới hạn 1,5C... đang gia tăng theo thời gian."

Russell Vose, Giám đốc giám sát khí hậu của NOAA, cho biết có khả năng sẽ có một năm trong khoảng 2020-2029 nhiệt độ tăng trên 1,5 độ C.

WMO đã đưa ra kết luận của mình bằng cách hợp nhất sáu bộ dữ liệu quốc tế hàng đầu, bao gồm cả bộ dữ liệu của NOAA và bộ dữ liệu theo dõi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (C3S).

Hiệu ứng La Nina 'ngắn ngủi'

Cơ quan của Liên Hợp Quốc cũng nhấn mạnh rằng 8 năm nóng nhất đã diễn ra dù thế giới xảy ra liên tiếp các hiện tượng liên quan đến La Nina giúp làm mát nhiệt độ. Một phần nhờ La Nina, năm ngoái "chỉ" là năm nóng thứ năm hoặc thứ sáu từng được ghi nhận, WMO cho biết.

Tuy nhiên, tình hình thời tiết năm ngoái ở một số nơi ngày càng nghiêm trọng hơn. Copernicus cho biết trong báo cáo thường niên rằng các vùng cực của Trái Đất đã trải qua nhiệt độ kỷ lục vào năm ngoái, cùng với nhiều khu vực rộng lớn ở Trung Đông, Trung Quốc, Trung Á và Bắc Phi.

Châu Âu cũng đã trải qua năm nóng thứ hai từ trước đến nay khi Pháp, Anh, Tây Ban Nha và Italy lập kỷ lục nhiệt độ trung bình mới. Các đợt nắng nóng cùng với tình trạng hạn hán nghiêm trọng diễn ra trên khắp lục địa.

WMO cho biết tác động của La Nina đối với hành tinh nói chung dự kiến sẽ kết thúc trong vòng vài tháng và đây chỉ là hiệu ứng " trong thời gian ngắn".

Hiện tượng La Nina "sẽ không đảo ngược xu hướng ấm lên trong thời gian dài do mức độ khí nhà kính đang ngày càng tăng mạnh trong bầu khí quyển của chúng ta", theo WMO.

Các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt

WMO cho biết xu hướng thời tiết cực đoan ngày càng rõ ràng. "Kể từ những năm 1980, mỗi thập kỷ đều ấm hơn thập kỷ trước", theo WMO.

Nhiệt độ trung bình trong giai đoạn 2013-2022 cao hơn 1,14 độ C so với nhiệt độ nền thời kỳ tiền công nghiệp. WMO cho biết, điều này "cho thấy tình trạng nóng lên trong thời gian dài vẫn tiếp diễn" và thế giới đang tiến gần đến giới hạn tăng nhiệt độ mà Thỏa thuận Paris tìm cách ngăn chặn".

Cùng chung ý kiến với chuyên gia Nelson của NASA, người đứng đầu WMO Petteri Taalas đã nhấn mạnh vào các sự kiện thời tiết khắc nghiệt trong năm 2022, chỉ ra lũ lụt gây ảnh hưởng nặng nề tại một phần ba Pakistan, các đợt nắng nóng kỷ lục ở Trung Quốc, châu Âu và châu Mỹ cũng như hạn hán kéo dài ở vùng Sừng châu Phi.

Tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP27 vào tháng 11, người đứng đầu Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã tiết lộ kế hoạch 5 năm trị giá 3 tỷ USD để xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm toàn cầu đối với các hiện tượng thời tiết cực đoan. Cảnh báo sớm là điều cần thiết khi số người thương vong và thiệt hại tài sản ngày càng tăng do biến đổi khí hậu.

Cho đến nay, chỉ một nửa trong số 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc có hệ thống như vậy, Taalas nói.

Gavin Schmidt, giám đốc Viện Nghiên cứu Không gian Goddard của NASA, cho biết hành động tập thể là điều cần thiết và việc đánh giá để đưa ra các quyết định tốt hơn cũng rất quan trọng.

Schmidt nói: "Sự nóng lên toàn cầu là một hệ lụy của lượng khí thải carbon dioxide. Tại bất kỳ thời điểm nào, chúng ta đều có thể nỗ lực làm điều gì đó để giảm lượng khí thải và giảm nhiệt độ."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại