LG quảng cáo "tất cả OLED đều bắt đầu từ LG", sự thật thế nào?

Bảo Nam |

Người dùng dường như chỉ được tiếp cận "một nửa sự thật" từ các thông điệp trong chiến dịch quảng cáo mới của nhà sản xuất TV đến từ Hàn Quốc.

Trên trang chủ của LG cũng như các banner quảng cáo rầm rộ đang được hãng công nghệ Hàn Quốc tung ra thời gian gần đây, thông điệp "Tất cả OLED đều bắt đầu từ LG" xuất hiện một cách to đẹp, rõ ràng và dễ dàng đập vào mắt người xem.

Với những người dùng bình thường, họ có thể nhận ra việc LG đang muốn khẳng định với cả thế giới rằng công ty mình là đơn vị khởi nguồn, khai sinh, sáng tạo ra công nghệ OLED, đang được áp dụng trên các mẫu TV OLED bán ra ngoài siêu thị và trong các cửa hàng điện máy ngoài kia.

Nhưng, đây có thực sự là một thông điệp chính xác? Và LG có phải là nơi khởi đầu của công nghệ màn hình OLED tiên tiến?

LG quảng cáo tất cả OLED đều bắt đầu từ LG, sự thật thế nào? - Ảnh 1.

Bảng quảng cáo hiển thị thông điệp của LG.

Ngược dòng lịch sử thì OLED (viết tắt của Organic Light Emitting Diode) là một công nghệ màn hình dựa trên hiện tượng phát quang đối với vật liệu hữu cơ, dựa trên sự kích thích bằng dòng điện. Các hoạt động nghiên cứu đầu tiên về OLED đã bắt đầu từ giữa những năm 1960. Tuy nhiên, khi đó các nhà nghiên cứu còn gặp nhiều hạn chế về trình độ cũng như hiểu biết đối với vật liệu, nên họ gặp nhiều khó khăn trong kiểm soát và ứng dụng.

Mãi tới năm 1987, khi hai nhà khoa học Ching Tang và Steve VanSlyke làm việc tại hãng Kodak mới báo cáo về việc phát triển thành công một cấu trúc hoàn toàn mới, hoạt động dựa trên vật liệu SMOLED. Có thể nói, đây chính là hai người đã đặt nền móng để tạo ra các màn hình OLED ngày nay.

LG quảng cáo tất cả OLED đều bắt đầu từ LG, sự thật thế nào? - Ảnh 2.

Ching Wan Tang, người được mệnh danh là "cha đẻ" của màn hình OLED. Ảnh: Rochester

Dựa trên loại sơ đồ (hoặc ma trận) mạch điều khiển dòng điện, tức là cách bố trí hệ thống cực dương, cực âm, dây dẫn và kẹp giữa là lớp phát sáng, người ta chia màn hình OLED ra làm hai loại là ma trận thụ động PMOLED và ma trận chủ động AMOLED. Về mặt đầu tư, PMOLED chế tạo đơn giản hơn, chi phí ít hơn nhưng tiêu tốn điện năng và bị giới hạn về kích thước hơn AMOLED. Do đó, 99% các màn hình OLED hiện nay của Sony, LG, Panasonic, Samsung... đều là loại AMOLED.

Quay trở lại vấn đề "khai sinh" thì từ kể từ năm 1987 cho tới 2009, một loạt các công ty không bao gồm LG như TDK (Nhật Bản), Pioneer, Kodak, Sanyo, Samsung, eMagin, Toshiba, Philips, Visionox, Sharp, BenQ... đã nghiên cứu vật liệu, phát triển, chế tạo thử nghiệm, ra mắt sản phẩm sử dụng công nghệ màn hình OLED, từ kích thước nhỏ như màn hình điện thoại cho tới kích thước lớn như TV.

LG quảng cáo tất cả OLED đều bắt đầu từ LG, sự thật thế nào? - Ảnh 3.

Màn hình OLED thương mại trên xe hơi của Pioneer năm 1997, sử dụng loại PMOLED.

Mãi tới năm 2009, LG mới chính thức nhảy vào sân chơi này, bằng cách... mua lại mảng OLED của Kodak. Và cuộc chiến giữa Samsung và LG chính thức bắt đầu năm 2012, khi cả hai đồng thời giới thiệu nguyên mẫu TV OLED 55 inch.

Tại sao LG mua mảng OLED của Kodak? Nguyên nhân một phần xuất phát từ việc năm 2007, LG bị Samsung đánh bại và vượt lên dẫn đầu về doanh số ở thị trường TV. Suốt 5 năm sau đó, mọi cố gắng và nỗ lực thay đổi tình hình của LG đều thất bại. Đó là lý do khiến năm 2012, nhà sản xuất này quyết định đặt cược một ván bài lớn khi dồn sức vào nghiên cứu sản xuất các tấm nền OLED cỡ lớn.

Nhưng cũng trong năm 2012 này, một vụ án nghiêm trọng đã diễn ra, trong đó 11 người đã bị bắt vì làm rò rỉ công nghệ của Samsung. Bên cạnh các giám đốc điều hành của LG, 6 trong số những người này từng là nhân viên của Samsung Mobile hoặc vẫn đang làm việc tại đây. Samsung đã lên tiếng kêu gọi LG phải chính thức xin lỗi vì có nhân viên tham gia hoạt động gián điệp có tổ chức nhằm ăn cắp công nghệ màn hình OLED của mình. Trong một tuyên bố liên quan đến vụ việc này, Samsung khẳng định họ đã mất tới "hàng nghìn tỷ won". Tất nhiên, LG đã phủ nhận các cáo buộc này, đồng thời dọa kiện ngược lại Samsung vì tội phỉ báng.

Tới đây, người dùng đã có thể phần nào đưa ra được nhận định của riêng mình về việc LG có thực sự là "ông tổ" của công nghệ OLED hay không. Nói một cách... vị tha, nhà sản xuất Hàn Quốc này đã mua lại mảng OLED của Kodak, công ty có hai nhân viên danh tiếng trong lĩnh vực phát triển màn hình OLED. Nhưng nói một cách nghiêm khắc, LG chỉ là hãng đi sau và tìm được cơ hội vươn lên giữa một thị trường đầy hỗn loạn.

LG quảng cáo tất cả OLED đều bắt đầu từ LG, sự thật thế nào? - Ảnh 4.

Ảnh chụp marco màn hình TV OLED của LG. Màu trắng là đi-ốt thêm vào (White), tạo ra thứ gọi là màn hình WRGB OLED.

Quay trở lại một lần nữa để bàn về vấn đề công nghệ thì OLED là khái niệm về công nghệ màn hình sử dụng đi-ốt phát sáng hữu cơ. Tuy nhiên, do nhiều bất cập về kỹ thuật, để đưa nó vào sản phẩm thực tiễn, các hãng sản xuất phải cải tiến, áp dụng các thay đổi trong quy trình sản xuất. Dựa trên lý thuyết về OLED, Samsung đã "cải biên" để tạo ra màn hình QLED, MicroLED và sắp tới là QD-OLED (OLED chấm lượng tử). Còn LG, dù vẫn bám vào kiến trúc OLED nguyên bản, nhưng sản phẩm của hãng lại là màn hình WRGB OLED chứ không phải RBG OLED - tiêu chuẩn gốc của công nghệ OLE, dựa trên 3 đi-ốt với 3 màu cơ bản (đỏ, xanh lá, xanh dương) để tạo thành một điểm ảnh.

Trên thực tế, Samsung từng thất bại trong việc thương mại hóa TV OLED với tấm nền RGB và con đường mà LG đang đi hiện nay giống như một lối khác để tránh vết xe đổ của đối thủ mà thôi. Tất nhiên, chúng ta sẽ không bàn tới việc chất lượng TV của hãng nào tốt hơn ở đây mà hãy hiểu rằng cả LG và Samsung đều đang cố gắng áp dụng, cải tiến sản phẩm của mình dựa trên lý thuyết về công nghệ OLED để mang tới cho người dùng trải nghiệm xem tốt nhất.

LG quảng cáo tất cả OLED đều bắt đầu từ LG, sự thật thế nào? - Ảnh 5.

Liệu có bao nhiêu người dùng chú ý tới dấu hoa thị trên quảng cáo của LG? Trang chủ LG hiện không có lời giải thích cho phần chú thích này.

Ngoài ra, có một chi tiết có thể gây hiểu nhầm nữa trên thông điệp quảng cáo của hãng LG. Dòng chữ "Bán chạy số 1 thế giới" ở đây đi kèm với một dấu hoa thị rất nhỏ, có ý nghĩa giải thích cho cụm từ này. Cụ thể thì đây là kết luận dựa trên Báo cáo đo lường Thị trường TV Quý IV/2017 do IHS Markit cung cấp, theo một dòng giải thích được in bằng một cỡ chữ khó có thể nhìn thấy bằng mắt thường trên quảng cáo hiển thị bảng điện tử. Còn trên website chính thức của LG, hiện tại không có dòng giải thích nào cho dấu hoa thị này.

Chưa rõ tại sao LG vẫn tiếp tục sử dụng dữ liệu từ báo cáo thị trường từ năm 2017 cho chiến dịch quảng cáo của năm 2019?

Còn nếu người dùng muốn tìm hiểu xem TV của thương hiệu nào đang bán chạy trên thế giới, báo cáo gần nhất của IHS Markit có thể cung cấp một chút thông tin. Đó là TV Samsung chiếm tổng cộng 31,5% tổng số lô hàng bán ra tính trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6/2019.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại