Ảnh minh họa: Reuters
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen hôm qua (4/5) kêu gọi các nước thành viên nhanh chóng thông qua gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga, đặc biệt trong đó có lệnh cấm nhập khẩu dầu và khí đốt. Tuy nhiên, việc phải viện tới vũ khí ngoại giao - kinh tế lớn nhất này lại là lựa chọn cực chẳng đã và là vấn đề gây chia rẽ giữa các nước thành viên, bởi một điều chắc chắn Nga “hắt hơi” thì Liên minh châu Âu cũng không tránh khỏi “cảm lạnh”.
Phát biểu trước Nghị viện châu Âu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen đề xuất các quốc gia thành viên chấm dứt nhập khẩu dầu thô trong vòng 6 tháng và các sản phẩm tinh chế vào cuối năm nay. Đây là một phần trong nỗ lực của châu Âu nhằm phong tỏa nguồn thu 850 triệu USD mỗi ngày từ năng lượng của Nga, cũng đồng nghĩa với đòn giáng trực tiếp vào “túi tiền” của điện Kremlin.
“Chúng tôi đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào dầu của Nga . Điều này sẽ không dễ dàng vì một số quốc gia thành viên đang phụ thuộc mạnh mẽ vào dầu của Nga. Nhưng đơn giản là chúng ta phải làm điều đó. Vì vậy, hôm nay chúng tôi đề xuất cấm nhập khẩu tất cả dầu từ Nga”.
Châu Âu là thị trường chủ chốt của Nga về xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt và cũng là khu vực tạo ra nguồn thu ngân sách chủ yếu cho Moscow. Theo Cục Thông tin năng lượng Mỹ, doanh thu từ xuất khẩu mặt hàng năng lượng chiếm 43% tổng ngân sách của chính phủ Nga trong giai đoạn từ 2011-2020. Tuy nhiên việc đảo ngược hàng thập kỷ phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga không phải là vấn đề đơn giản đối với khối 27 quốc gia thành viên. Trong khi Hungary thẳng thừng bác bỏ, thì Slovakia và Cộng hòa Séc đang tìm kiếm một giai đoạn chuyển tiếp trong nhiều năm. Tất cả đều là những nước sử dụng nhiều dầu mỏ của Nga.
Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala nhấn mạnh: “Chúng tôi sẵn sàng ủng hộ quyết định về các lệnh trừng phạt bao gồm cả dầu mỏ, song cũng muốn có thêm thời gian để tăng công suất cho các tuyến đường ống thay thế. Chúng tôi đang hành động rất tích cực ở các cấp độ khác nhau và đang cố gắng đảm bảo rằng có thể nhận được sự trì hoãn trong 2 hoặc 3 năm và sau đó tất nhiên chúng tôi sẽ sẵn sàng ủng hộ gói trừng phạt này”.
Trên thực tế, bất chấp cảnh báo leo thang căng thẳng của các chính phủ châu Âu, khí đốt và dầu vẫn tiếp tục chảy vào châu Âu từ Nga. Theo tính toán của các nhà phân tích tại tổ chức tư vấn Bruegel ở Brussels, Liên minh châu Âu đã chuyển 450 triệu USD mỗi ngày để mua dầu của Nga và 400 triệu USD mỗi ngày đối với khí đốt tự nhiên. Điều này có nghĩa là năng lượng vẫn mang lại nguồn thu ngân sách lớn cho Moscow, bổ sung vào nguồn dự trữ ngoại tệ có thể giúp Nga hỗ trợ đồng rúp và bù đắp một phần thiệt hại do các lệnh trừng phạt của phương Tây. Hơn nữa, triển vọng giá dầu tăng mạnh có thể giảm thiểu tác động lên nền kinh tế nếu Nga có thể chuyển hướng dầu thô sang các thị trường ngoài châu Âu, trong khi tìm cách khai thác sự khác biệt giữa các nước thành viên Liên minh châu Âu.
Theo Giám đốc Chương trình Nga và Á - Âu tại Tổ chức tư vấn Chatham House ở London, cả Nga và Liên minh châu Âu dường như đều đang chơi trò “dê đen dê trắng” và chờ đợi xem ai sẽ là bên nhượng bộ trước: “Người Nga sợ mất tiền hay châu Âu sợ đèn tắt hơn”./.