Đây là một câu chuyện rất thú vị, thể hiện lòng tôn kính của công nhân nhà máy với vị lãnh tụ của mình.
Ngày 21/4/1917, tại Nhà máy này đã thành lập tổ đảng Bolshevich đầu tiên. Sau đó một thời gian, đội Cận vệ Đỏ của nhà máy cũng được thành lập, tham gia cách mạng ngay từ những ngày đầu thành lập Chính quyền Xô viết.
Tại cuộc mít tinh kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5 năm 1923, để tỏ lòng tôn kính, các công nhân nhà máy đã thông qua quyết định kết nạp lãnh tụ Lenin làm công nhân danh dự của Nhà máy.
Cũng cần lưu ý khi đó Lenin vẫn còn sống và Người mất sau đó nửa năm, tháng 1/1924.
Theo một số liệu điều tra xã hội mới nhất của Trung tâm xã hội học uy tín Levada nhân kỷ niệm 146 năm ngày sinh của Lenin (22/4/1870-22/4/2016), sự đánh giá của người dân Nga đối với vai trò của Người ngày càng cao.
Chỉ trong vòng 10 năm, số người đánh giá Lenin có vai trò tích cực trong lịch sử đã tăng từ 40 lên 53%.
Lãnh tụ của giai cấp vô sản được Nhà máy trả lương thợ nguội bậc 3 ngay sau khi quyết định được thông qua, cho đến ngày Nhà máy đóng cửa khi Liên Xô tan rã, năm 1991.
Thậm chí hàng tháng, tiền lương của Lenin tại nhà máy còn được trích một phần để đóng thuế, bình đẳng như các công nhân khác.
Tiền lương của vị lãnh tụ đã được trích vào Qũy văn hóa xã hội để sử dụng cho các nhu cầu chung của Nhà máy.
Trích một trang của sổ lương Lenin năm 1975.
Trong thời gian Chiến tranh vệ quốc vĩ đại (1941-1945), toàn bộ tiền lương của Người được chuyển hoàn toàn để mua lương thực thực phẩm cho các chiến sĩ ngoài mặt trận.
Lương của Lenin do nhà máy trả cũng được sử dụng để xây dựng đài tưởng niệm các công nhân của nhà máy đã anh dũng hy sinh ngoài mặt trận chống phát xít Đức.
Trong sổ lương của Nhà máy dụng cụ Miass, tiền lương của Lenin được trả cho đến những ngày cuối cùng, trước khi Liên Xô tan rã năm 1991.
Như vậy, dù đã mất, nhưng suốt 68 năm liền Lenin vẫn được Nhà máy trả lương, và toàn bộ số tiền đó đã được sử dụng một cách hữu ích cho cộng đồng.
Ở Miass hiện vẫn còn đó những bức tượng Lenin. Vào ngày sinh của Người, người dân thành phố vẫn đến đặt hoa, tưởng nhớ đến vị lãnh tụ của giai cấp vô sản.