Lệnh ngừng bắn là "cái kết thất bại" của Thổ Nhĩ Kỳ: "Câu đố" Idlib vẫn chưa giải xong, Nga-Syria lo ngại "chảo lửa" sớm bùng cháy trở lại?

Mạnh Kiên |

Thỏa thuận Nga-Thổ đạt được chỉ giúp đóng băng xung đột tại chỗ ở Idlib. Tình hình hiện tại vẫn căng như dây đàn khi các bên hiểu rằng lệnh ngừng bắn có thể sẽ không kéo dài bao lâu.

Thỏa thuận Nga-Thổ mong manh

Thỏa thuận ngừng bắn được Nga-Thổ Nhĩ Kỳ ký kết hôm 5/3 đã đóng băng cuộc xung đột tại chỗ nhưng không hoàn toàn chặn đứng nguy cơ chiến tranh nổ ra ở Idlib. Theo các báo cáo của Al-Jazeera, vẫn còn một số cuộc giao tranh lẻ tẻ ở Idlib dù cho các cuộc không kích hiện tại đã chấm dứt.

"Cho đến nay, đã không còn hoạt động bắn phá trên không nào nhưng tình hình vẫn rất căng thẳng, khi tất cả các bên cảnh giác về việc lệnh ngừng bắn có thể sẽ không kéo dài bao lâu", Mohammed al-Ali, một nhà hoạt động từ Idlib, nói với Al Jazeera.

Theo giới phân tích, lệnh ngừng bắn hiện nay đã ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhân đạo cấp bách, hy vọng sẽ chấm dứt hầu hết bạo lực, nhưng nó vẫn rất chao đảo và không giải quyết được câu hỏi hóc búa cơ bản mà Idlib phải đối mặt.

Trong buổi họp báo dành riêng cho thỏa thuận ngừng bắn mới, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố rằng quân đội nước ông có quyền đáp trả "mọi hành động thù địch" đến từ quân đội Syria.

Với tuyên bố trên, lệnh ngừng bắn có thể bị vi phạm nếu Damascus trả đũa những kẻ khủng bố tấn công khiêu khích, Victor Murakhovsky, tổng biên tập tạp chí Fatherland's Arsenal nhận định trên Sputnik.

Lệnh ngừng bắn là cái kết thất bại của Thổ Nhĩ Kỳ: Câu đố Idlib vẫn chưa giải xong, Nga-Syria lo ngại chảo lửa sớm bùng cháy trở lại? - Ảnh 2.

Thỏa thuận ngừng bắn ở Idlib vẫn chưa giải quyết được bản chất cuộc xung đột.

"Không rõ các nhóm khủng bố ở Idlib như Hayat Tahrir al-Sham sẽ tuân thủ lệnh ngừng bắn hay không và Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát được nhóm này như thế nào", Murakhovsky nói.

Ông tự hỏi điều gì sẽ xảy ra với lệnh ngừng bắn nếu nhóm khủng bố này cố tình tấn công các mục tiêu của Syria.

"Tình huống này không khác gì bạn phải giữ thăng bằng trên một quả bóng cao su trong khi phải chơi tung hứng bóng", Murakhovsky so sánh sự chông chênh của thỏa thuận ngừng bắn. "Một sai lầm nhỏ nhất có thể dẫn đến thảm họa".

Trong khi đó, ông cũng lưu ý về việc thỏa thuận giữa Nga-Thổ còn có nhiều "vùng xám", khi các khu vực không được kiểm soát hoặc không xác định rõ ràng.

Orhan Gafarli, một chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ từ Trung tâm Chính sách Ankara tin rằng, để ngăn chặn leo thang mới và bảo tồn thỏa thuận ngừng bắn ở Moscow, các thành viên của tiến trình Astana bao gồm Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, phải tham gia thảo luận về cách thức chống khủng bố ở Syria.

"Những kẻ khủng bố là vấn đề chính của khu vực. Các bên phải đồng ý về cách mà họ sẽ chiến đấu với phiến quân ở Idlib. Nếu không Tổng thống Syria Bashar Assad có thể tiếp tục các hoạt động tấn công khủng bố như trước đó", Gafarli nói.

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ thất bại?

Lệnh ngừng bắn là cái kết thất bại của Thổ Nhĩ Kỳ: Câu đố Idlib vẫn chưa giải xong, Nga-Syria lo ngại chảo lửa sớm bùng cháy trở lại? - Ảnh 3.

Thổ Nhĩ Kỳ thất bại ở Idlib vì thiếu sức mạnh từ không quân.

Điều đáng chú ý là Nga chính quyền Syria vẫn luôn chiếm thế thượng phong ngay cả trong các cuộc xung đột cũng như sau thỏa thuận ngừng bắn vừa qua.

Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm kiếm sự hỗ trợ từ NATO cho cuộc tấn công vào Syria nhưng không có được thứ họ thực sự muốn: tên lửa và áp đặt một khu vực cấm bay.

Mỹ đề nghị hỗ trợ đạn dược và viện trợ 100 triệu USD cho các nỗ lực nhân đạo của Liên Hợp Quốc trong tuần này nhưng đã không gửi cho Thổ Nhĩ Kỳ tên lửa Patriot như lời đề nghị.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã cố gắng gây áp lực với Liên minh châu Âu bằng cách sử dụng làn sóng người tị nạn làm đòn bẩy chính trị nhưng Hy Lạp - bến đỗ chính cho những người tị nạn đến châu Âu đã phong tỏa biên giới.

Các điều trên cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng có ít đòn bẩy trong các cuộc đàm phán với Nga trong tương lai.

Một trong những lý do chính đằng sau sự thất bại của Thổ Nhĩ Kỳ là việc Nga kiểm soát không phận ở Idlib, ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng chiến đấu cơ, trực thăng (trừ máy bay không người lái trong vòng 48 giờ) để thực hiện các cuộc tấn công áp đặt trên chiến trường.

Trong khi đó, Nga và không quân Syria có thể tùy ý sử dụng lực lượng không quân của mình để lấn át bước tiến của cả quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các lực lượng phiến quân đồng minh (mặc dù cả Moscow và Ankara đều từ chối nhắc tới việc máy bay Nga có vô tình không kích vào binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ hay không, vì muốn tránh thảm họa trên bàn đàm phán).

Cuối cùng, các chiến binh đối lập buộc phải trú ẩn trong cái gọi là "đồn quan sát" - pháo đài kiên cố của Thổ Nhĩ Kỳ được thành lập theo Thỏa thuận Sochi, xen kẽ với các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ để bảo vệ bản thân khỏi bị tấn công.

Do đó, chiến dịch Spring Shield được coi là một thất bại đối với Thổ Nhĩ Kỳ và các phiến quân đồng minh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại