Thổ Nhĩ Kỳ gửi hệ thống phòng không đến Idlib?
Trái ngược với thỏa thuận ngừng bắn vừa ký kết với Nga, Ankara trong hai tuần qua không những không đáp ứng được các điều khoản của thỏa thuận mới mà còn triển khai thêm hệ thống phòng không tới tỉnh Idlib, trang BulgariMilitary.com dẫn thông tin từ hãng tin Aviapro cho biết.
Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ trong vài ngày qua đã gửi đến chiến trường Idlib hệ thống phòng không tầm thấp ATILGAN, được trang bị 8 ống phóng tên lửa, cùng hệ thống cảm biến quang điện tử hồng ngoại, mở ra nguy cơ đối đầu trực diện với máy bay Nga.
Hình ảnh được BulgariMilitary.com đăng tải cho thấy tổ hợp ATILGAN đã được chuyển đến tỉnh Idlib của Syria, trong khi các chuyên gia dự đoán rằng, Ankara dường như sẵn sàng sử dụng hệ thống này để chống lại không quân Nga một khi cần thiết.
"Năng lực phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ còn nhiều khiếm khuyết, bởi vậy họ sẽ khó có thể phân biệt rõ máy bay chiến đấu và máy bay trực thăng của Nga hay là của Syria. Do đó, Ankara đang đặt ra mối đe dọa đối với không quân Nga.
Rủi ro ở đây là rất lớn, khi Thổ Nhĩ Kỳ đang đưa mình vào một cuộc đối đầu mở trên không", BulgariMilitary.com dẫn lời các chuyên gia lưu ý.
Về phần hệ thống phòng không ATILGAN, thực tế đây chỉ là một tổ hợp phòng không cơ bản tầm thấp, được trang bị 8 tên lửa Stinger và chỉ là mối đe dọa đối với các mục tiêu nằm ở độ cao dưới 4 km.
Tuy nhiên, do thực tế là lực lượng không quân Nga sử dụng chiến đấu cơ Su-25 của Syria và máy bay ném bom Su-24 hoạt động ở độ cao thấp, nên khả năng va chạm là hoàn toàn có thể xảy ra.
Hiện Ankara không bình luận gì về việc gửi các hệ thống phòng không của mình tới Syria.
Thỏa thuận ngừng bắn liệu có bền vững?
Cuộc tuần tra đầu tiên của Nga-Thổ ở đường cao tốc M4 đã bị rút ngắn do phiến quân gây hấn.
Vào ngày 5/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nhất trí một thỏa thuận ngừng bắn ở Idlib, đồng thời tiến hành tuần tra khu vực an ninh chung dọc theo đường cao tốc M4 chiến lược.
Cuộc đàm phán ngừng bắn Nga-Thổ Nhĩ Kỳ được thiết lập để giải quyết tình hình chiến sự ngày càng nguy hiểm ở Idlib, khi quân đội Syria liên tiếp mở các cuộc tiến công chống lại các nhóm đối lập và khủng bố, nguy cơ nổ ra một cuộc chiến toàn diện.
Trong bước tiến quân sự mới nhất, lực lượng Chính phủ đã chiếm lại được nhiều phần lãnh thổ quan trọng ở Idlib cũng như một số trạm quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ. Sau đó, Ankara đã tăng cường sức mạnh quân sự trong khu vực bằng việc triển khai binh sĩ và vũ khí tới đây để đẩy lùi bước tiến của quân đội Syria và hậu thuẫn cho các nhóm phiến quân.
Giới phân tích nhận định, thỏa thuận ngừng bắn mới đã khiến Tổng thống Erdogan mất đi nhiều đòn bẩy hơn so với thời điểm trước khi chiến sự Idlib nổ ra vào đầu năm nay.
Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng chiêu bài người tị nạn để gây sức ép buộc châu Âu ủng hộ tham vọng chiếm lĩnh ảnh hưởng của mình ở Idlib. Tuy nhiên, lời đe dọa này giờ đây đã mất hiệu lực khi tình hình Idlib tạm thời bình ổn.
Trong khi đó, một trong những điều đáng tiếc nhất đối với Nga là đã không thể hồi sinh thỏa thuận Adana, vốn được ông Putin xúc tiến trước khi gặp người đồng cấp Erdogan. Đây là điều mà nhà lãnh đạo Nga đã thúc đẩy kể từ tháng 2/2019, với hy vọng sẽ là nền tảng dẫn đến việc bình thường hóa quan hệ giữa Damascus và Ankara.
Sau cùng, tất cả những gì Nga nhận được chỉ là lời hứa từ Tổng thống Erdogan mà không có hành động cụ thể.
Nhiều người đã đặt câu hỏi về việc liệu thỏa thuận ngừng bắn mới ở Idlib có bền vững hay không?
Theo Gulf News, có thể thỏa thuận sẽ kéo dài trong nhất là tám tháng tới. Mỹ đang quá bận rộn để để có thể chú tâm vào những diễn biến mới trên chiến trường Syria, chưa kể đến cuộc bầu cử mới sẽ diễn ra trong năm nay.
Ngoài ra, các quốc gia đồng minh khác của Mỹ đang bận tâm nhiều hơn đến các giải pháp chống dịch Covid-19, thay vì lo lắng đến các vấn đề bên ngoài.
Đây được coi là một yếu tố thuận lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ và Nga khi hai nước sẽ tự mình giải quyết bế tắc ở Idlib và có toàn quyền trong việc chia sẻ lợi ích. Thỏa thuận ngừng bắn mới có tồn tại lâu hay không sẽ còn phụ thuộc vào các biện pháp xây dựng lòng tin được thực hiện giữa hai nhà lãnh đạo.