Sau trận đấu này, phóng viên nói HLV Hoàng Anh Tuấn rằng các học trò của ông thấy thế nào, và ông xử lý ra sao khi nhiều NHM, giới truyền thông chê bai, chỉ trích những màn trình diễn của U19 Việt Nam.
Ông Tuấn nói: "Những lời khen, tiếng chê luôn có 2 mặt tích cực và tiêu cực. Tôi vẫn thường nói với các em rằng dù chỉ có 1 khán giả cũng cần phải chiến đấu.
Về những lời chê bai, những bài báo chỉ trích thì học trò của tôi biết ít, cực ít. Tôi muốn các em tập trung toàn bộ vào vấn đề chuyên môn".
Với phát ngôn đó, dù không nói thẳng nhưng có thể hiểu ông Hoàng Anh Tuấn và BHL U19 Việt Nam đã ra lệnh "giới nghiêm" với các cầu thủ, gần như cách li khỏi thế giới bên ngoài.
Duy Khánh ăn mừng như Ronaldo sau khi ghi bàn mở tỷ số cho U19 Việt Nam trước U19 Malaysia. Các em có đầy đủ khát khao và tham vọng nhưng đang thiếu sức mạnh tinh thần từ NHM.
Khi các đội bóng thi đấu, chuyện giới nghiêm hay tịch thu điện thoại, đồ điện tử cá nhân để tránh xao lãng là thường gặp. Nhưng cả một giải đấu mà bị cách li thì không bình thường chút nào.
Có thể chính những làn sóng tẩy chay, chê bai U19 Việt Nam dù chúng ta là nước chủ nhà và vẫn chiến thắng, lọt vào Bán kết, đã khiến ông Tuấn phải làm thế. Những ngẫm kĩ chuyện đó, thấy rất đáng buồn.
Vì sao một đội bóng trẻ được thi đấu trên đất nước mình lại phải cách li khỏi NHM để tránh phải nghe những lời ta thán?
Những cô gái Malaysia dù rất ít nhưng vẫn tới ngồi giữa số đông CĐV chủ nhà, cổ vũ cho U19 nước mình.
Lỗi chẳng của riêng ai. Rõ ràng, CĐV, giới truyền thông có lý khi chê trách lối chơi "buồn ngủ" của thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn. Còn U19 Việt Nam cũng có lý nếu yêu cầu được NHM yêu mến, cổ vũ nhiều hơn.
Mọi chuyện sẽ rẽ sang 1 hướng khác, nhiều tình thương mến thương hơn nếu CĐV bớt khắt khe, bớt so sánh lứa U19 Việt Nam hiện tại với thời gian của Công Phượng – Tuấn Anh – Xuân Trường.
Và thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn sẽ được yêu mến nhiều hơn nếu biết thi đấu chặt chẽ trong phòng ngự rồi tận dụng tối đa những tình huống có được khi tấn công.
U19 Đông Nam Á: U19 Malaysia 1-3 U19 Việt Nam
Nói đến đây, tôi chợt nhớ 1 hình ảnh, một sự thay đổi rất nhỏ thôi, trên khán đài trận U19 Việt Nam vs U19 Malaysia.
Tại khán đài B, nhóm CĐV bóng đá Việt Nam VFS, vốn là tập hợp của những người trẻ, đã đứng chung với nhóm CĐV Hà Nội, của những người lớn tuổi.
Trong vài năm qua, 2 nhóm này luôn đứng tách riêng, vì đường hướng hoạt động có phần khác nhau. Thế nhưng để cổ vũ thật nhiệt cho U19 Việt Nam, họ đã lần đầu tiên đứng chung.
Để rồi tiếng trống, tiếng loa điện mạnh mẽ hòa chung với những tiếng hô trẻ trung, trong trẻo của những chàng trai, cô gái VFS.
Một nhóm nhỏ CĐV ở khu khán đài B, nhưng luôn sôi nổi, huyên náo gấp nhiều lần đám đông tại khán đài A.
Sự kết hợp đó không biết có phải là chất xúc tác hay không, nhưng các CĐV Việt Nam tại khán đài A đã có đôi chút sôi nổi hơn khi chúng ta thắng Malaysia 3-1.
Nhưng sự sôi nổi ấy cần nhiều hơn nữa, bất chấp dưới sân các cầu thủ đang thi đấu ra sao. Cổ vũ bóng đá là một hành động thể hiện tình yêu, là một nét văn hóa mà không thể "mình thích thì mình làm thôi".
Nó cần có sự hy sinh, sự trung thành để hướng tới thành công cho tập thể đang thi đấu dưới sân cỏ. Để họ không cảm thấy cô đơn giữa chính đất nước mình.
Hành động đẹp của U19 Việt Nam khi an ủi các cầu thủ Malaysia đang rất thất vọng vì thua trận.
Các cầu thủ U19 Việt Nam tri ân NHM.
HLV Hữu Thắng cũng tới xem và động viên U19 Việt Nam.