Lệnh "đuổi" 755 nhà ngoại giao Mỹ có cũng như không, dụng ý thực sự của ông Putin là gì?

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Cựu đại sứ Mỹ tại Nga, ông Michael McFaul nói lên Twitter: "Chúng tôi không có 755 nhà ngoại giao ở Nga".

Trong thế giới ngoại giao, trục xuất các nhà ngoại giao không phải hiếm khi xảy ra.

Công ước Vienna về Quan hệ ngoại giao năm 1961 và Công ước Vienna về Quan hệ lãnh sự năm 1963 đảm bảo cho các nhà ngoại giao quyền ưu đãi và miễn trừ rộng rãi, nhưng cũng dành cho nước sở tại quyền chấp nhận và trục xuất nhà ngoại giao được nước ngoài cử đến.

Các nhà ngoại giao phải tuân thủ pháp luật sở tại và một khi họ vi phạm pháp luật sở tại với chứng cứ rõ ràng thì chuyện họ bị trục xuất vốn rất bình thường. Nhưng bản chất câu chuyện sẽ khác hẳn khi các nhà ngoại giao trở thành con tin của mối quan hệ chính trị giữa hai nước.

Thời kỳ Chiến tranh Lạnh, rất nhiều nhà ngoại giao ở hai phía Đông và Tây đã bị trục xuất. Hiện tại vẫn thấy xảy ra như thế. Trong thế giới ngoại giao còn có 2 nguyên tắc là có đi có lại và bình đẳng đối xử.

Có đi có lại nghĩa là hai nước dành cho lẫn nhau những điều kiện tương đương, ví dụ ngang bằng về số lượng nhân viên ngoại giao và nhân viên kỹ thuật, về số lượng tổng lãnh sự quán và lãnh sự quán...

Bình đẳng đối xử là không có sự phân biệt đối xử giữa nhà ngoại giao của nước này với nhà ngoại giao của nước khác. Tất cả những điều ấy đều được thỏa thuận và cam kết khi hai bên ký kết thỏa thuận về thiết lập quan hệ ngoại giao và lãnh sự. Cho nên thường xảy ra chuyện bên này trục xuất nhà ngoại giao của bên kia thì bên kia trả đũa bằng biện pháp tương tự.

Lệnh đuổi 755 nhà ngoại giao Mỹ có cũng như không, dụng ý thực sự của ông Putin là gì? - Ảnh 1.

Đại sứ quán Mỹ tại Moskva (Ảnh: Sky News)

Mỹ không đủ 755 nhân viên ngoại giao cho Nga "đuổi"

Khi còn là tổng thống Mỹ, ông Barack Obama đã quyết định trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga vào tháng 12/2016, và gần như tịch thu hai cơ sở thuộc sở hữu của Nga ở Mỹ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin không phản ứng theo kiểu kinh điển "người sao ta vậy". Nhưng vừa rồi, sau khi lưỡng viện Mỹ thông qua luật mới siết chặt và mở rộng phạm vi trừng phạt Nga thì ông Putin đã thể hiện thái độ ngay lập tức, trước hết là đòi Mỹ giảm số lượng nhân viên ngoại giao và kỹ thuật của Mỹ ở Nga xuống còn 455 - bằng số lượng nhân viên ngoại giao và kỹ thuật của Nga ở Mỹ và cũng đóng cửa hai cơ sở của Mỹ ở Nga.

Đáng chú ý là Nga không trục xuất chỉ có nhân viên ngoại giao như ông Obama mà để Mỹ tự quyết định rút về ai, để lại ai. Sau đó, ông Putin nói thẳng ra số lượng nhân viên ngoại giao và kỹ thuật mà Mỹ phải giảm đi ở đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Moscow và ở 3 tổng lãnh sự quán khác trên lãnh thổ Nga là 755 người. Cụm từ "trục xuất" cũng vẫn không được sử dụng.

Cựu đại sứ Mỹ tại Nga, ông Michael McFaul nói lên Twitter: "Chúng tôi không có 755 nhà ngoại giao ở Nga".

Số liệu thật hiện tại thì chỉ có Mỹ và Nga biết rõ. Năm 2013, blog ngoại giao Diplopundit cho biết có cả thảy 1.279 người làm việc trong đại sứ quán và 3 tổng lãnh sự quán Mỹ ở Nga, trong đó 301 người có quốc tịch Mỹ, 934 là nhân viên địa phương, chủ yếu là người Nga và số còn lại không thể xác định chính xác quốc tịch.

Trong tuyên bố của mình hôm 30/7, ông Putin không dùng cụm từ "trục xuất" mà dùng "chấm dứt hoạt động". Như thế có thể thấy nếu số nhân viên ngoại giao của Mỹ ở Nga nhỏ hơn 455 thì trên lý thuyết chẳng có nhà ngoại giao Mỹ nào bị Nga trục xuất bởi Mỹ chỉ cần sa thải ở mức độ cần thiết các nhân viên kỹ thuật và người bản địa.

Nhưng trong cơ quan đại diện ngoại giao và lãnh sự lại có những việc mà các nhà ngoại giao không làm được hoặc làm không hiệu quả. Vì thế các nhân viên kỹ thuật đóng vai trò rất quan trọng đối với hoạt động bình thường của cơ quan ngoại giao và lãnh sự.

Nhà ngoại giao không bị trục xuất nhưng nhân viên kỹ thuật bị giảm thì cơ quan ngoại giao và lãnh sự không thể hoạt động bình thường như yêu cầu.

Lệnh đuổi 755 nhà ngoại giao Mỹ có cũng như không, dụng ý thực sự của ông Putin là gì? - Ảnh 2.

35 nhà ngoại giao Nga cùng thân nhân đáp xuống sân bay ở Moskva giữa giá rét, sau khi trở về từ Mỹ do lệnh trục xuất của Tổng thống Obama (Ảnh: Vesti)

Kỷ lục trong căng thẳng ngoại giao

Giữa Liên Xô trước đây với Mỹ, Anh và Pháp, cũng như giữa Nga và Mỹ ngày nay, vốn đã nhiều lần xảy ra chuyện trục xuất các nhà ngoại giao, nhưng số lượng nhân viên ngoại giao bị liên đới chỉ từ vài người đến vài chục người, như vụ trục xuất 31 nhà ngoại giao giữa Liên Xô và Anh năm 1985, hay 50 nhà ngoại giao giữa Mỹ và Nga năm 2001.

Vụ việc duy nhất có thể được coi là tiền lệ cho căng thẳng ngoại giao đang xảy ra giữa Mỹ và Nga là vào năm 1986, Mỹ trục xuất 25 nhân viên của phái đoàn Liên Xô tại LHQ ở New York - không nói rõ nhân viên ngoại giao mà chỉ là nhân viên chung chung - với lý do hoạt động gián điệp và ở phái đoàn Liên Xô có quá đông nhân viên.

Moskva trả đũa bằng việc trục xuất 5 nhà ngoại giao của Mỹ ở Liên Xô. Đáp lại, Mỹ tiếp tục trục xuất 55 nhà ngoại giao của Liên Xô ở đại sứ quán và tổng lãnh sự quán của Liên Xô ở Mỹ. Liên Xô trục xuất thêm 5 nhà ngoại giao Mỹ và rút 250 nhân lực địa phương ra khỏi đại sứ quán Mỹ và tổng lãnh sự quán Mỹ ở Liên Xô.

Mức độ hiện tại là chưa từng thấy và cũng là kỷ lục trong thế giới ngoại giao. Lần này nó pha trộn giữa trục xuất và không trục xuất, giữa trục xuất gián tiếp và trực tiếp. 

Không có đủ nhân sự cần thiết, thiếu nhân viên kỹ thuật và nhân lực địa phương, các cơ sở ngoại giao của Mỹ ở Nga không thể hoạt động bình thường được. Cú đòn thật giả về trục xuất này tác động đặc biệt ở đó.

Ông Putin vẫn còn "nể mặt" ông Trump

So với biện pháp thẳng thừng trục xuất các nhà ngoại giao Mỹ thì quyết sách nói trên của ông Putin vẫn còn rất nhẹ. Ông Putin chủ ý vậy vì còn có dụng ý riêng.

Lệnh đuổi 755 nhà ngoại giao Mỹ có cũng như không, dụng ý thực sự của ông Putin là gì? - Ảnh 3.

Trên danh nghĩa thì Nga trả đũa Mỹ, nhưng trong thực chất thì đây là ông Putin trả đũa ông Obama và quốc hội Mỹ chứ không nhằm vào cá nhân tổng thống Mỹ Donald Trump.

Vì thế, ông Putin phải tung ra quyết định nói trên trước khi ông Trump ký - vì không có sự lựa chọn nào khác - phê chuẩn đạo luật mới về trừng phạt Nga.

Điều này giúp ông Trump bớt áy náy và cho thế giới bên ngoài thấy quan hệ giữa Mỹ và Nga hiện nhiều khúc mắc thật, nhưng phía Nga vẫn còn kiềm chế. Nhưng nó cũng còn cho thấy phía Nga đã bắt đầu thể hiện thái độ kiên quyết để cảnh báo Mỹ chớ đi quá đà và ngầm ý Nga còn những cú đòn trả đũa khác nữa quyết liệt hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại