Lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran là một trong những điều khoản của nghị quyết 2231 năm 2015 nhằm thông qua thỏa thuận hạt nhân Iran. Chính vì thế, cuộc tranh cãi giữa Mỹ và các nước khác xoay quanh vấn đề Iran dự kiến sẽ còn kéo dài.
Tại cuộc họp trực tuyến, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã gọi Iran là nhà nước khủng bố và kêu gọi Hội đồng Bảo an gia hạn cấm vận vũ khí đối với nước này, dự kiến sẽ hết hạn ngày 18/10 tới.
"Vào tháng 11/2019, chính Tổng thống Iran Rouhani đã nói, khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ vào năm tới, Iran có thể dễ dàng mua bán vũ khí. Iran không phải là một nước dân chủ có trách nhiệm. Chúng tôi đã biết Iran sẽ làm gì nếu được mua thêm vũ khí”.
Những tuyên bố của Mỹ đã vấp phải sự phản ứng mạnh từ Iran. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố, ý định của Mỹ là vô lý và bất hợp pháp, đặc biệt là trong bối cảnh Mỹ đã tuyên bố rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015. Ông Javad Zarif khẳng định, Iran sẽ có phản ứng “tương xứng và rất kiên quyết” nếu lệnh cấm vũ khí được gia hạn.
Theo Ngoại trưởng Iran, Liên Hợp Quốc cần lập tức xem xét vấn đề trách nhiệm của Mỹ, buộc Chính phủ nước này phải chịu trách nhiệm cho những hệ quả (của việc rút khỏi thỏa thuận) mà rõ ràng vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Ông Javad Zarif nhấn mạnh, đã tới lúc để Hội đồng Bảo an phải đảm bảo sự tuân thủ của tất cả các bên trong Thỏa thuận hạt nhân.
“Cộng đồng quốc tế nói chung và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nói riêng, đang phải đối mặt với một quyết định quan trọng. Chúng ta có duy trì sự tôn trọng đối với luật pháp hay chúng ta quay trở lại luật rừng bằng cách đầu hàng ý thích bất chợt của một kẻ bắt nạt ngoài vòng pháp luật. Cộng đồng quốc tế và đặc biệt là Hội đồng bảo an cần phải buộc chính phủ Mỹ chịu trách nhiệm về hậu quả của các hành động sai trái của mình. Bao gồm cả những nỗ lực độc hại để khủng bố kinh tế Iran”, ông Javad Zarif nói.
Ý định kéo dài lệnh cấm vũ khí với Iran của Mỹ cũng vấp phải sự phản ứng của cả Nga. Thành viên thường trực của Hội đồng bảo an tuyên bố sẽ ngăn chặn kế hoạch của Mỹ.
Phát biểu trong cuộc họp Hội đồng Bảo an, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia mô tả hành động của Mỹ là “chính sách làm nghẹt thở tối đa”:
“Hành động đơn phương của Mỹ coi thường ý kiến chung của các quốc gia khác. Chúng tôi quan ngại đến chính sách gây áp lực tối đa đối với Iran. Iran đang bị Mỹ bóp nghẹt từ mọi hướng nhằm đạt được sự thay đổi chế độ hoặc tạo ra một tình huống theo nghĩa đen là không thở được. Điều này giống như “dùng đầu gối” đè cổ một nước khác ".
Trong khi đó, Anh, Pháp và Đức mặc dù không đề cập trực tiếp tới lệnh cấm vận vũ khí với Iran nhưng cho biết sẽ không ủng hộ những nỗ lực đơn phương của Mỹ quay trở lại áp đặt tất cả chế tài của Liên Hợp Quốc lên Iran.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump từ lâu cho rằng, lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran không nên được dỡ bỏ. Kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức vào năm 2017, chính quyền Mỹ đã từ bỏ thỏa thuận hạt nhân và tăng cường chế tài đều đặn lên Iran mà Mỹ mô tả là áp lực tối đa.
Hiện cả Nga và Trung Quốc đều thể hiện phản đối gia hạn lệnh cấm vận này. Dự báo, những tranh cãi về lệnh cấm vũ khí đối với Iran sẽ còn tiếp tục kéo dài và căng thẳng Mỹ - Iran sẽ còn leo thang./.