Trung Quốc hiện đang triển khai hình thức kiểm soát sức khỏe công dân bằng các mã QR sức khỏe, vốn được cấp thông qua các ứng dụng phòng chống COVID-19. Thông qua các mã QR này, người dân và chính quyền có thể nắm bắt được tình trạng sức khỏe của người khác dễ dàng nhờ hồ sơ y tế của họ.
Ra mắt lần đầu tiên tại Hàng Châu vào tháng 2/2020, mã QR sức khỏe giờ đây đã trở thành "vật bất ly thân’ trong đời sống người dân Trung Quốc. Nếu muốn ra vào các địa điểm công cộng như trung tâm mua sắm, nhà hàng, văn phòng và khu dân cư, họ buộc phải đưa ra mã QR sức khỏe để chứng minh mình không có nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
Mã sức khỏe được chia thành 3 màu, với màu xanh lá thể hiện rõ bạn không bị nhiễm COVID-19
Tuy nhiên, khoảnh khắc mở ứng dụng khi đến nơi công cộng thường khá căng thẳng. Mã QR màu xanh lá cho phép bạn đi bất cứ đâu. Màu vàng cho biết bạn có thể phải tự cách ly tại nhà. Cuối cùng, màu đỏ cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải cách ly nghiêm ngặt tại một khách sạn được chính phủ chỉ định trong 2 tuần.
‘Giấy thông hành’ để tới nơi công cộng
Tại Trung Quốc, người dân đang sử dụng rất nhiều ứng dụng theo dõi khác nhau, đơn cử như ứng dụng của Quốc vụ viện Trung Quốc. Ứng dụng sử dụng dữ liệu GPS được cung cấp bởi nhà mạng, cho phép chính quyền truy dấu lịch sử di chuyển trong vòng 14 ngày của người dân để xem liệu họ đến các khu vực có nguy cơ cao hay tiếp xúc với ai mắc Covid-19 không.
Tuy nhiên, ứng dụng này dường như đang tồn tại một số lỗi về phần mềm. Mã sức khỏe của nhiều người nước ngoài tại Trung Quốc đột nhiên chuyển sang màu vàng vào tháng 4 vừa qua. Khi phóng viên của AFP gặp phải tình trạng tương tự thời gian gần đây, ứng dụng đã chuyển sang màu xanh sau khi anh tắt đi bật lại nhiều lần.
Một tài xế quét mã QR để đăng ký thông tin trước khi đi vào thành phố biên giới Suifenhe, thuộc tỉnh Hắc Long Giang
Trong khi đó, vẫn có một số ứng dụng khác không dùng dữ liệu GPS để truy vết. Đơn cử như ứng dụng có tên "Health Kit" được sử dụng ở thủ đô Bắc Kinh, vốn sẽ hiển thị các thông tin như người dùng đã đi tàu hay máy bay, có đi qua chốt an ninh tại các cửa ngõ ra ngoài thành phố hay không, hoặc đã xét nghiệm nCoV chưa. Những thông tin này được cảnh sát, các nhân viên y tế và các ủy ban khu phố khắp cả nước đã cung cấp.
Tuy nhiên, nhìn chung các ứng dụng về cơ bản đều hoạt động theo cách giống nhau. Sau khi tải ứng dụng, người dân sẽ khai báo tên tuổi, số chứng minh nhân dân, số điện thoại và thậm chí cả ảnh chụp bản thân. Ứng dụng sau đó sẽ cấp cho người sử dụng một mã sức khỏe theo màu.
Để có thể du lịch, đặt vé tàu hỏa, máy bay hay ra vào địa điểm công cộng, người dân Trung Quốc bắt buộc phải có mã sức khỏe này. Tuy nhiên, không phải địa điểm công cộng nào cũng yêu cầu người dân trình diện mã sức khỏe, chẳng hạn như siêu thị.
Việc triển khai các ứng dụng phòng chống COVID-19 nhận được sự đồng thuận của đại đa số người dân
Từ bỏ quyền riêng tư để đảm bảo sức khỏe bản thân và cộng đồng
Không chỉ riêng Trung Quốc, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng các giải pháp công nghệ để theo dõi tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng. Tuy nhiên, tại các quốc gia Châu Âu như Anh, Pháp và Thụy Sĩ, các ứng dụng nói trên vấp phải sự phản đối của dư luận.
Điều này trái ngược hoàn toàn với Trung Quốc. Việc triển khai các ứng dụng phòng chống COVID-19 nhận được sự đồng thuận của đại đa số người dân. Nhiều người Trung Quốc khẳng định, họ thấy vui vẻ khi được hợp tác với chính phủ vì mục đích tốt đẹp.
"Có sự khác biệt giữa văn hóa Trung Quốc và phương Tây", Cui Xiaohuim, giáo sư tại trung tâm phân tích dữ liệu và nghiên cứu AI tại đại học Vũ Hán cho biết.
"Hầu hết người dân Trung Quốc đều sẵn sàng hi sinh một chút riêng tư cá nhân vì sự an toàn của sức khỏe", ông Cui nói. Luận điểm này của ông Cui nhận được sự đồng tình của Li Song, một diễn viên 37 tuổi hiện đang sống ở Thượng Hải.
"Chúng tôi đều tuân thủ theo quy định của chính phủ và không quản đối việc chính phủ sử dụng dữ liệu định vị’, Li cho biết. Sau khi trở về từ Pháp và hoàn thành xong 2 tuần cách ly, ứng dụng của Li đã chuyển từ màu đỏ sang màu xanh lá.
"Chúng tôi đang ở trong tình cảnh đặc biệt với đại dịch này, vì thế việc bị lộ lịch sử di chuyển không khiến tôi thấy khó chịu", Debora Lu, 30 tuổi, hiện sinh sống ở Thượng Hải, nói. "Mạng sống con người quan trọng hơn nhiều"
Khi ra vào nơi công cộng, các nhân viên an ninh hoặc y tế sẽ kiểm tra mã sức khỏe của người dân
Với việc đại đa số người dân Trung Quốc đều tuân thủ việc cài đặt các ứng dụng phòng chống COVID-19 cũng như sử dụng mã sức khỏe, đã xảy ra một vài câu chuyện 'dở khóc dở cười'.
Gần đây nhất, Trung Quốc đã ghi nhận một trường hợp trốn nã hàng chục năm bất ngờ “đầu thú” vì không có mã QR sức khỏe Đó là trường hợp của một người đàn ông tên Shi, từng là kẻ sát nhân và đã trốn nã từ năm 1996. Hồi tuần này, Shi với bộ dạng khổ sở đã khóc lóc khi tới đồn cảnh sát ở Hàng Châu, Chiết Giang để tự thú. Theo cảnh sát, Shi không sử dụng smartphone và anh ta cũng không có mã sức khỏe. Điều này khiến Shi gặp khá nhiều hạn chế và bất tiện, trong đó có việc không thể đi tới nhiều nơi để sinh sống.
Tham khảo Channel News Asia