Người trẻ làm được nhiều việc phi thường
Phi hành gia Dominic Anthony (Tony) Antonelli.
- Giai đoạn diễn ra Chương trình Apollo là “thời hoàng kim” của các chuyến bay đưa người vào vũ trụ. Sau đó tốc độ phát triển giảm dần. Ông có cảm thấy thất vọng không?
- Khi còn trẻ, tôi cảm thấy hào hứng vì các thành tựu của Chương trình Apollo. Tuy nhiên ngày nay, chúng ta cũng có nhiều thành công lớn. Tôi từng được bay trên tàu con thoi lên Trạm Vũ trụ quốc tế ISS. Tôi tham gia chủ yếu vào việc xây dựng trạm.
Từ tháng 10/2000 tới nay, nghĩa là gần 20 năm, chúng ta liên tục có người sống và làm việc trên Trạm ISS. Cứ mỗi 6 tháng, chúng ta đổi phi hành đoàn một lần; một số phi hành đoàn sống trên đó gần một năm.
Đồng thời, Mỹ cũng lên kế hoạch sử dụng tàu con thoi, để quay về tái khám phá Mặt trăng. Chúng ta muốn có người phụ nữ đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng. Chúng ta cũng muốn tìm cách kéo dài sự hiện diện của con người trên Mặt trăng, rồi sau đó đưa người lên sao Hỏa.
- Chúng ta hãy xem xét dự án Artemis, tức là kế hoạch đưa người quay trở lại Mặt trăng. Theo ông, những lợi ích lớn mà dự án này mang lại là gì – công nghệ, kinh nghiệm, giá trị tượng trưng?
- Tôi cho rằng, giới trẻ ngày nay lớn lên trong thế giới mà ở đó họ được cho biết họ không thể đạt được những thứ gì. Và điều đó làm tôi buồn phiền.
Chính vì thế, tôi cảm thấy rất phấn khích khi NASA thông báo, rằng muốn để cho một người phụ nữ đổ bộ lên Mặt trăng. Tôi hi vọng đó sẽ là một thiếu nữ, để cô ấy có cơ hội chứng tỏ rằng người trẻ có thể làm được nhiều việc phi thường hơn mọi người vẫn nghĩ.
Khởi đầu kỷ nguyên mới
Dự án Artemis đưa người quay trở lại Mặt trăng.
- Ông có cho rằng dự án Artemis là sự khởi đầu kỷ nguyên mới, trong đó các phi hành gia sẽ bay vào không gian xa xôi?
- Tôi hi vọng như vậy. Chúng ta đã chuẩn bị cho việc ấy từ khá lâu. Chính phủ nhiều quốc gia dành những phương tiện tài chính lớn cho phát hiện và khám phá khoa học. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng, sẽ không có tiến bộ vượt bậc, bất ngờ nếu chúng ta không phát triển hệ thống làm gia tăng các chuyến bay có phi hành đoàn.
Chúng ta có những chuyến bay dưới quỹ đạo với các khách hàng trả tiền thuê. Tôi hi vọng là tiếp tục có những chuyến bay như thế. Cách đây chưa lâu, xuất hiện tin đồn về một công ty muốn tổ chức các chuyến tham quan lên Trạm ISS. Kiểu kinh doanh như vậy cũng cần được khởi động.
Đối với viễn thông, việc đó đã xảy ra rồi. Chúng ta có đủ loại vệ tinh viễn thông do nhiều công ty chế tạo và họ kinh doanh thông qua các vệ tinh này. Hình thức kinh doanh tương tự cũng nên áp dụng cho các chuyến bay có phi hành đoàn.
- Chúng ta nói nhiều về sao Hỏa. Nhìn một cách thực tế, ông có nghĩ là con người bay lên quỹ đạo sao Hỏa trong vòng 20 năm tới?
- Tôi hi vọng, điều đó diễn ra sớm hơn nữa. Chúng ta có công nghệ để bay lên sao Hỏa ngay từ bây giờ. Chúng ta chỉ còn phải quyết định những việc gì chúng ta muốn làm. Đây không phải là chuyến tham quan thú vị, mà là một hành trình đầy nguy hiểm.
Dominic Anthony (Tony) Antonelli (sinh ngày 23/7/1967 tại Detroit, Mỹ) là phi hành gia, phi công quân sự, kỹ sư, trung tá Hải quân Mỹ.
Năm 2002, Tony Antonelli tốt nghiệp ĐH Washington lĩnh vực Hàng không và Du hành vũ trụ.
Tháng 6/2007, trong sứ mệnh tàu con thoi STS-117, ông đảm nhận nhiệm vụ điều hành liên lạc tại Trung tâm điều khiển các chuyến bay vũ trụ ở Houston của NASA.
15 - 28/3/2009, trong vai trò phi công, ông tham gia sứ mệnh tàu con thoi STS-119 kéo dài 13 ngày.
14 - 26/5/2010, lần thứ hai Tony Antonelli lên quỹ đạo quanh Trái đất trong sứ mệnh tàu con thoi STS-132.
- Trong các chuyến bay vũ trụ có phi hành đoàn, sự hợp tác quốc tế là cơ sở quan trọng. Ngoài các quốc gia như Mỹ hay Nga, một quốc gia châu Âu “bình thường” có thể đóng góp được gì?
- Chắc chắn, hoạt động của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) là một mô hình thích hợp. Tất cả các quốc gia tham gia ESA đều có đóng góp và có lợi ích từ việc đó. Nếu nói về các chuyến bay có phi hành đoàn thì tôi nghĩ rằng đó là lợi ích to lớn.
Tôi lấy ví dụ Canada. Cơ quan Vũ trụ Canada có tham gia dự án Trạm Vũ trụ quốc tế ISS trong lĩnh vực tự động hóa vũ trụ. Nhờ vậy, cứ từ 6 đến 8 năm, cơ quan này có một sứ mệnh đưa phi hành gia lên Trạm ISS.
- Lợi ích lớn nhất của việc đưa người vào vũ trụ là gì?
- Vào thời của Chương trình Apollo, máy tính chiếm toàn bộ một căn phòng lớn. Các kỹ sư phải làm việc rất vất vả để dần dần thu nhỏ máy tính tới kích cỡ bằng một chiếc hộp.
Tất nhiên, Chương trình Apollo không phải là nguyên nhân duy nhất để chúng ta có các máy tính nhỏ gọn. Điều cần nói ở đây là công việc đối với những vấn đề khó, nhiều thách thức khiến chúng ta trở nên hoàn thiện hơn. Việc đưa người lên sao Hỏa sau đó đưa về Trái đất là nhiệm vụ đầy khó khăn, đòi hỏi sự chung sức của tất cả chúng ta.