Lên kế hoạch "không làm vẫn có ăn" với lương cứng 30 triệu/tháng

NGUYỄN QUỲNH TRANG |

Trong lúc nền kinh tế biến động và thay đổi chóng mặt như hiện tại, nhiều người càng muốn tiến gần hơn với mục tiêu nghỉ hưu sớm!

"9h sáng - 5h chiều ở công ty rồi về, thu nhập chỉ đủ sức mua 1 căn hộ. Như thế thì mục tiêu nghỉ hưu sớm có xa vời hay không?" Khi đặt ra câu hỏi này với Hoàng Kim Chi (29 tuổi, Hà Nội), tôi lại nhận được câu trả lời khá bất ngờ: "Hoàn toàn có khả năng! Tuy nhiên, khối tích lũy của bạn phải đủ lớn để có thể xây dựng được một kế hoạch tài chính an toàn sau khi chọn nghỉ hưu sớm."

Phương Chi cũng cho biết, bản thân cô đã lên kế hoạch nghỉ hưu sớm của mình!

Chọn nghỉ hưu sớm để gác lại nỗi lo về tài chính

Mình hiện tại 29 tuổi, làm trưởng phòng của 1 công ty chuyên về tài chính. Mức lương cứng hiện tại của mình giao động trong khoảng 30 triệu/tháng. Tuy nhiên, ngành tài chính này có hoa hồng ký trên mỗi hợp đồng mà mình nhận bảo lãnh và tư vấn. Nên con số mình nhận về hàng tháng có lẽ sẽ cao hơn với mức thu nhập của một quản lý thông thường.

Bản thân mình đã có kế hoạch tự do tài chính và nghỉ hưu sớm từ những năm 22-23 tuổi. Thực ra, khái niệm này cách đây 5-6 năm đã khá phổ biến, chỉ là được lưu truyền rộng rãi hơn với những người học kinh tế. Sau này, lúc nào đi làm mình cũng đau đáu về kế hoạch nghỉ hưu sớm, để không cần mỗi sớm mai thức dậy với những lo toan về tiền bạc. Lý do này đã khiến mình bám trụ trong ngành tài chính này lâu đến thế!

Lên kế hoạch không làm vẫn có ăn với lương cứng 30 triệu/tháng - Ảnh 1.

Hoàng Kim Chi (29 tuổi, Hà Nội) - Ảnh NVCC

Một kế hoạch nghỉ hưu sớm hoàn hảo, là khi bạn kiếm được 1 khoản tiền bằng 25 lần số tiền bạn chi tiêu trong 1 năm. Hay với người Mỹ, con số tuyệt đối này là 1 triệu đô la (~23 tỷ đồng). Tích lũy đủ rồi, thì bạn sẽ đem khoản tiền này để đầu tư dài hạn với kỳ vọng lãi suất lớn hơn 4%/năm. Sau khi nghỉ việc và không cần sống phụ thuộc vào lương nữa, bạn có thể rút 4% này ra, để trang trải những chi tiêu trong cuộc sống. Về mặt lý thuyết, thì tức là khoản tiền 25 lần kia vẫn sẽ mãi ở đó, không mất đi dù cho nền kinh tế đang thay đổi thế nào.

Nhưng mình không thực hiện nghỉ hưu sớm như vậy. Vì còn rất nhiều thứ phải cân đo đong đếm, và thực tế thì không như những gì người ta vẽ nên. Về cơ bản những người thực hiện đúng theo công thức này, họ sẽ phải tiết kiệm và đầu tư lên tới 70% số tiền kiếm được, chỉ bỏ ra 30% để tiêu xài. Họ sẽ phải tích lũy trong rất nhiều năm, cho đến khi đạt được con số 25 lần kia. Như vậy, nhìn chung họ sẽ phải tiêu xài 1 cách "cực kỳ cần kiệm".

Mình không chọn nghỉ hưu sớm theo ý tuyệt đối như thế. Mà thay vào đó mình sử dụng 3 trụ cột chính về tài chính cá nhân mà nghỉ hưu sớm mang lại: Lên kế hoạch tài chính kỹ càng - Kỷ luật trong cách sử dụng tiền - Đầu tư thông minh. Việc ứng dụng những trụ cột này vào quản lý tài chính cá nhân, giúp mình đạt được "tự do tài chính" ngay ở thời điểm hiện tại. Xa hơn nữa thì là mục tiêu nghỉ hưu sớm ở tuổi 40-45.

Quan điểm của mình về tự do tài chính có lẽ khác so với phần đông mọi người: Biết thế nào là đủ, không có nỗi lo sợ về nợ nần, luôn có 1 quỹ dự phòng tài chính cho rủi ro tương lai, và đặc biệt là mình không cần chờ đợi đến việc nhận lương và cuối tháng. Với mình, một tâm thế thoải mái về chuyện tiền bạc, cũng gần giống với mục tiêu tài chính đề ra trước đó. Điều duy nhất mình còn thiếu, là chưa đạt được trạng thái "thích thì làm, không thích thì nghỉ".

Làm sao để đạt được tự do tài chính và nghỉ hưu sớm ngay lúc này?

Cái thu hút mọi người hướng về nghỉ hưu sớm là không còn nỗi lo về tiền bạc. Đây cũng chính là trạng thái lý tưởng nhất của cuộc sống: Không cần làm mà vẫn có ăn. Để đạt được điều này, bạn chắc chắn phải trải qua 1 tuổi trẻ làm việc, kiếm tiền hết mình. Hiện tại, cá nhân mình vẫn đang tuân thủ những nguyên tắc: Không nợ nần gì ai, bỏ qua những khoản chi tiêu không đáng có, có 1 lộ trình rõ ràng về kế hoạch nghỉ hưu sớm.

Sống với mức lương cứng 30 triệu/tháng, mình tiết kiệm bao nhiêu?

Mình không muốn sống quá tằn tiện. Nhưng vì mục tiêu nghỉ hưu sớm, mình đã lựa chọn cắt giảm gần như toàn bộ các khoản chi tiêu không đáng có. Một số có thể kể đến như: mua sắm quần áo, đồ đạc linh tinh - mình chọn sống tối giản kể cả trong suy nghĩ lẫn đời sống vật chất. 

Không bỏ tiền để duy trì các mối quan hệ không cần thiết, thay vào đó là tập trung vào gia đình, bạn bè thân thiết và 1 vài người đồng nghiệp lâu năm. Không ăn uống sang chảnh, chạy theo bất cứ lối sống nhanh nào. Tóm lại, là tập trung vào chất lượng chứ không phải số lượng.

Ngay từ những lúc có lương đều đặn hàng tháng, mình tiết kiệm tối đa 50% thu nhập. Sau này, khi lương tăng lên, con số mình tiết kiệm lại được nhiều hơn, có tháng lên tới 60% lương. Mình không bị rơi vào vòng luẩn quẩn của lạm phát lối sống, vì luôn biết bản thân muốn gì, cần gì.

Gạt bỏ các khoản nợ nần

Nếu làm trong ngành tài chính, bạn sẽ hiểu được cách hoạt động của dòng tiền và lãi suất. Trên thực tế, lãi kép chỉ có ích với những người có tiền, nhiều tiền. Còn với những người thu nhập bằng lương tháng, 1 năm chưa kiếm nổi 1 tỷ, thì mình nghĩ hãy tránh xa các khoản nợ. 

Thường thì mình rất sợ khi nghe thấy tin bạn bè vay tiền, thế chấp ngân hàng để mua nhà, mua đất, rồi trả góp hàng chục năm. Lãi kép khi này đúng là kỳ quan thứ 8, nhưng bên có lợi là ngân hàng, chứ không phải bạn.

Với 1 kế hoạch dài hạn, tập trung vào tích lũy, mình nói không với các khoản nợ. Thay vào đó, mình tập trung vào phát triển bản thân, kiếm thêm tiền nhờ công việc chính.

Đầu tư thông minh

Không nhất thiết bạn phải là 1 nhà đầu tư tài giỏi, 1 năm kiếm lại 15-20% tiền lãi. Bạn chỉ cần nhận định đúng rằng, nếu chỉ cần rút 4% từ khoản đầu tư 25 lần kia, nghĩa là kỳ vọng lãi suất bạn nhận về chỉ cần đạt từ 5-9%. Đây là con số lý tưởng, và thực hiện đầu tư dài hạn mới là đúng đắn. 

Khi này, khoản tiền tích lũy được bạn có thể đầu tư dần vào đất đai, vàng bạc. Còn phần bảo hiểm, chỉ là để đảm bảo khi sức khỏe có vấn đề, mình sẽ được hỗ trợ tối đa về tiền thuốc thang, chạy chữa. Thực chất của việc đầu tư bảo hiểm, chính là đầu tư cho sức khỏe tương lai. Không nên tính khoản tiền lãi này vào con số 4% kia.

Kỳ vọng của mình đối với mục tiêu nghỉ hưu sớm này không hẳn là 100%. Cái đích đến cuối cùng của mình, là cải thiện được tài chính của bản thân, suy nghĩ thoải mái hơn trong chuyện tiền bạc. 

Trải qua gần 5 năm tuân theo những nguyên tắc mà bản thân đề ra, mình nhận thấy tầm quan trọng của việc quản lý tài chính cá nhân. Với mình, khi biết cách quản lý tốt, không cần chờ từng đồng lương mới có thể sống tiếp, đã là 1 nửa chặng đường của nghỉ hưu sớm rồi!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại