Một người bạn thân 15 năm kể với tôi rằng mẹ cậu ấy bị bệnh, là bệnh ung thư vú.
"Tớ luôn cảm thấy mẹ là vì mình nên mới bị bệnh", cô ấy dứt khoát nói.
Ngữ khí chắc như đinh đóng cột, kèm theo đó là sự tự trách không thể tha thứ cho mình.
Cô bạn ấy là vợ của một quân nhân, chồng thường xuyên không ở nhà, kể từ lúc kết hôn cho tới khi sinh con, người mẹ đã nghỉ hưu đều đến chăm sóc cô ấy.
"Mỗi ngày cứ 4h hơn mẹ lại đạp xe hoặc ngồi xe buýt đi mua rau ngon cá tươi về. Ở siêu thị cái gì cũng có, nhưng mẹ lúc nào cũng phải đi chợ sớm cho bằng được, nói chung cũng chỉ vì xót vài đồng bạc."
Cô ấy nói, có năm mùa đông, mẹ đi chợ vội vội vàng trở về nên bị ngã, trật cả chân, cô ấy tức giận nói không cho mẹ đi chợ sớm nữa, lúc đó mẹ mới miễn cưỡng đi siêu thị gần nhà, nhưng thỉnh thoảng vẫn lén đi ra chợ.
Chỉ vì những chuyện vặt vãnh như vậy mà hai người thường xuyên lời qua tiếng lại, đặc biệt là sau khi sinh con xong.
"Ai cũng bảo sau khi sinh con, mẹ chồng nàng dâu sẽ mâu thuẫn nhiều hơn, thực ra, mẹ ruột con đẻ cũng mâu thuẫn không ít."
Trước khi nghỉ hưu, mẹ cô ấy là một kế toán, công việc khá bận rộn, cộng thêm với việc mẹ cậu ấy cũng vốn không giỏi ăn nói, không biết thể hiện tình cảm, không như những bà mẹ khác thân thiết với con cái, nên khiến cô ấy cảm thấy mẹ không yêu mình cho lắm.
Tâm lý này khiến cô ấy xa cách với mẹ, về vấn đề giáo dục con cái, cũng xảy ra bất đồng:
Cô ấy nuôi con theo một cuốn sách về nuôi dạy trẻ, mẹ thì lại dùng phương pháp nuôi cô ấy trước kia để nuôi cháu ngoại.
Điều khiến cô ấy cảm thấy khó hiểu nhất là, cô ấy thậm chí còn không nhớ hồi mình còn nhỏ mẹ yêu thương mình ra sao, nhưng bà ngoại lại chiều chuộng yêu thương con mình hơn cả ông giời.
"Cháu nói gì, bà ấy cũng nghe. Tớ nói với ra, sao trước kia mẹ không thương con như vậy. Bà ấy không nói gì, liếc liếc lên tớ nói, mẹ nợ con thì kiếp sau mẹ trả…"
Rồi cứ như vậy, hai mẹ con cứ hở ra là lại lời qua tiếng lại.
Vì chồng thường xuyên không ở nhà, cô ấy cảm thấy rất cô đơn, không có người chia sẻ, rồi cả những căng thẳng, bực dọc ở công ty, khiến cô ấy về nhà, đều "giận cá chém thớt" lên mẹ.
Vì là mẹ đẻ nên mỗi lần bực dọc cô ấy cũng không kiêng nể gì.
"Mẹ có hiểu con nói không vậy!"
"Mẹ làm ơn đừng thêm phiền phức cho con nữa có được không?"
"Cái đó của mẹ sớm đã lỗi thời rồi."
Cô ấy thường dùng ngữ khí như vậy mỗi lần cãi nhau với mẹ. Mẹ cũng tức giận nói "Ngày mai mẹ về nhà!"
Nhưng ngày hôm sau, trời vừa sáng đã lại đi mua đồ ăn rồi đưa đón cháu đi học, giống như hôm qua hai mẹ con chưa từng cãi nhau.
Cho tới một ngày nọ, cô ấy phát hiện ra bí mật của mẹ mình.
Ngày hôm đó, cô ấy thay ga giường cho mẹ, phát hiện dưới giường có một cuốn nhật kí.
Cô ấy rất tò mò: mẹ tới đây cũng hơn 4 năm rồi, cô hoàn toàn không biết là mẹ cũng có thói quen viết nhật kí.
Cô giở từng trang từng trang một ra xem:
"Con gái hôm nay lại tức giận với tôi, con bé Y. này nóng tính, lại thiếu cảm giác an toàn, đều trách mình khi còn trẻ chỉ biết làm việc, không cho con nhiều tình yêu. Sau khi kết hôn, chồng lại không ở cạnh, trong tim luôn có một kẽ hở, mình biết, nên không so đo với con bé."
"Lúc đi mua rau, gặp bác bán cá đồng hương, nói chuyện với nhau rất nhiều. Sau khi lên đây, lâu lắm rồi không nói chuyện với đồng hương sảng khoái như vậy, cả ngày chỉ từ nhà tới chợ, từ chợ về nhà. Nhớ lão già ở nhà, và cả mấy bà hàng xóm."
"Bà bạn hồi đại học lại khoe tranh sơn dầu bà ấy vẽ. Trông tranh rất đẹp. Thực ra, sau khi nghỉ hưu, người gợi ý đi học vẽ tranh là mình, không ngờ người học được lại là bà ấy."
"Hôm qua, con gái tăng ca tới hơn 11h mới về, đứng ngoài ban công, trông thấy nó về liền vội vàng vào hâm nóng lại thức ăn, nhưng nó không ăn. Muốn gọi nó dậy ăn chút cơm cho ấm bụng, nhưng lại sợ muộn như vậy rồi, thấy tôi chưa ngủ nó lại cằn nhằn. Con gái đáng thương của tôi!"
"Ngày của mẹ, con rể gọi điện thoại hỏi thăm, tôi chỉ quan tâm đúng một điều, bao giờ nó mới được chuyển công tác về gần nhà. Con rể nói đang nỗ lực nghĩ cách. Tôi mong nó sớm ngày về để con gái đỡ vất vả."
"Lưng lại đau không ngủ được, sáng sớm ngủ dậy, nấu xong cơm, đưa cháu đi học xong, một mình tới bệnh viện. Bệnh viện giờ hiện đại, làm việc toàn bằng máy móc, tôi không biết gì, may mà có một cậu thanh niên giúp đỡ.
Bác sỹ nói nguyên nhân đau lưng có rất nhiều, rất nhiều bệnh đều có triệu chứng đau lưng, bảo tôi kiểm tra kĩ hơn, tôi nghĩ hay là thôi, đợi cháu nghỉ hè rồi tôi về quê khám cũng được, tiết kiệm một chút…"
Đọc xong những dòng nhật kí của mẹ, cô ấy nhìn quanh căn phòng rồi khóc nấc lên như một đứa trẻ:
Người mẹ mà cô luôn cho là không yêu thương mình, người mẹ mà cô hay cãi vã, "giận cá chém thớt", người mẹ mà chỉ cần cô không vui một chút thôi là lập tức giống như đứa trẻ vừa làm sai việc gì đó, người mẹ đẻ ra cô, nuôi lớn cô rồi còn giúp cô chăm sóc con cái, nhà cửa, người mẹ có mong muốn được đi vẽ tranh, luôn dùng cách của mình để âm thầm yêu thương và lo lắng cho cô.
Chỉ có điều, một người bị những bận rộn và lo âu che mờ con mắt như cô, lại không nhìn thấy.
Cô vừa ghét bỏ mẹ, vừa ỷ lại vào mẹ; cô vừa trách móc mẹ, lại vừa trông mong vào mẹ; cô vừa xem nhẹ tình yêu của mẹ, lại vừa ngồi đó ung dung hưởng thụ tình yêu của bà.
"Chính khoảnh khắc ấy khiến tớ nghĩ rằng mình nợ mẹ quá nhiều", cô ấy nói, nghĩ kĩ lại, cô ấy có được ngày hôm nay, từ khi tốt nghiệp, kết hôn, công việc cho tới con cái, hầu như cái nào cũng có công sức của mẹ ở trong đó.
Cô ấy là nhờ mẹ mà có được ngày hôm nay.
Cô ấy là nhờ mẹ, nhờ mẹ hi sinh mọi thứ, từ cuộc sống thân thuộc nơi quê nhà cho tới sở thích nhỏ nhoi của mình, mới có thể vẹn toàn trong cả gia đình và sự nghiệp.
Cái cô luôn cho là năm tháng êm đềm, tất cả đều không tách rời ra khỏi những nhọc nhằn và gánh nặng của người mẹ.
Chỉ có điều, khi hiểu ra được điều này thì cũng đã quá muộn.
Vì đọc được nhật kí nên cô mới chú tâm tới sức khỏe của mẹ hơn, cô đưa mẹ đi kiểm tra, mới biết ở bên ngực phải của mẹ có một khối u, vì phải chăm sóc cháu và con gái nên cứ nhịn không nói ra.
Sau khi được chuẩn đoán mắc bệnh ung thư vú, mẹ cô ấy nhất quyết đòi về quê phẫu thuật vì sợ phiền con cái, với lại cũng lo chi phí ở thành phố cũng rất cao.
"Mẹ bị ung thư rồi mà vẫn còn nghĩ tới chuyện tiết kiệm tiền cho tớ, mẹ đang nghĩ gì vậy…", cô ấy không kìm nén được bật khóc nức nở, "vì hai thế hệ nhà tớ mà mẹ đã vắt kiệt sức khỏe của mình, đến cuối cùng, vẫn không biết thương lấy chính bản thân mình."
Cuộc phẫu thuật của mẹ, vẫn được tiến hành ở thành phố.
Lúc mẹ làm phẫu thuật, chồng cô ấy xin nghỉ phép về nhà, ba, người ở riêng với mẹ 4,5 năm cũng từ quê lên thăm mẹ.
Cả nhà cuối cùng cũng đoàn tụ… vì bệnh của mẹ.
Sau khi làm xong phẫu thuật, mẹ phải về quê cùng ba.
Không lâu sau đó, chồng của cô ấy cũng được chuyển công tác về, hai người vừa làm việc vừa trông con, mỗi ngày mệt mỏi tới rũ người, nhưng mọi việc trong nhà cũng vẫn chẳng "yên bề".
Tới lúc này, cô mới ý thức được 4,5 năm qua, mẹ vì trông cháu mà vất vả ra sao.
"Gia đình của thế hệ chúng ta bây giờ, đều được xây dựng trên lưng của ba mẹ ruột hoặc là của ba mẹ của đối phương."
Cô ấy nói…
Lúc trẻ không hiểu nỗi lòng của người làm cha làm mẹ, khi hiểu thì bản thân cũng đã làm cha làm mẹ.
Lúc trẻ không hiểu tình yêu của cha mẹ, tới khi hiểu lại khó có thể bày tỏ được tình yêu.
Lúc trẻ không hiểu ước mơ của cha mẹ, khi hiểu, họ lại chỉ còn có thể ở trong mộng.
Ba mẹ…
Họ đều đã già, bạn thì vẫn bận rộn.
Họ dùng những bước chân loạng choạng, một mình trải qua hết cái xuân hạ của một đời người.
Họ dùng tấm lưng còng ọp ẹp, âm thầm gánh vác mái ấm của hai thế hệ của cả một gia đình.
Họ dùng thứ tình cảm quật cường của mình để thành toàn nên những năm tháng chúng ta phấn đấu.
Trong cái thời đại hối hả này, mong bạn chậm lại, đợi họ với.
Mong bạn, người đang vội vã với nhịp sống hiện đại, có thể ở bên họ nhiều hơn, nhớ tới họ nhiều hơn, thể hiện sự quan tâm của mình nhiều hơn.
Bởi lẽ, họ đều đã từng là chúng ta, và chúng ta, sau này rồi cũng sẽ trở thành họ…