Có một chàng trai trẻ cảm thấy bế tắc vì bản thân toàn gặp chuyện không như ý, cuộc sống thật quá khắc nghiệt với mình nên đã vượt đường xá xa xôi, tìm đến một ngôi chùa trên núi - nơi có một vị hòa thượng già nổi tiếng để xin chỉ giáo.
Hòa thượng già nghe xong câu chuyện của chàng trai liền nhẹ nhàng bảo tiểu hòa thượng: "Con đi đun một ít nước ấm mang vào đây cho ta."
Rất nhanh, tiểu hòa thượng mang một chuyên nước ấm vào. Hòa thượng già nhặt lá trà bỏ vào cốc, rổ nước ấm lên rồi đặt cốc nước trà đó trước mặt chàng trai: "Thí chủ, mời uống trà."
Chàng trai thấy bọt nước nổi lên mặt cốc, lá trà cũng nhẹ nhàng nổi lên. Cảm thấy khó hiểu, liền hỏi: "Chùa nhà ta sao lại dùng nước ấm pha trà ạ?"
Hòa thượng già cười, chỉ nói: "Thí chú, mời dùng trà."
Chàng trai trẻ đành cầm cốc trà lên, ngụm hai ngụm.
Hòa thượng già hỏi: "Xin hỏi thí chủ, trà này có thơm không?"
Chàng trai lại ngụm thêm hai ngụm, chầm chậm cảm nhận rồi lắc đầu: "Đây là trà gì vậy ạ? Con không thấy có mùi thơm của trà."
Hòa thượng già cười, nói: "Đây là trà thiết quan âm nổi tiếng đó."
Chàng trai vừa nghe vậy, liền cầm cốc lên, thổi nhẹ những lá trà sang một bên và ngụm tiếp vài ngụm. Đặt cốc xuống, anh ta vẫn khẳng định chắc chắn: "Con khẳng định không có mùi vị của trà."
Hòa thượng già cười, gọi đệ tử vào dặn: "Con đi đun cho ta một ít nước sôi mang vào đây."
Một lúc sau, tiểu hòa thượng mang một chuyên nước sôi còn bốc hơi vào. Hòa thượng già đứng dậy, lấy một chiếc cốc, nhón một ít lá trà bỏ vào đó rồi đổ nước sôi lên.
Chàng trai trẻ nhìn thấy lá trà trong cốc nổi lên rồi lại chìm xuống, cùng với sự chuyển động của lá trà, một mùi thơm đặc trưng từ từ bốc lên.
Bị thu hút bởi mùi thơm của trà, chàng trai muốn cầm cốc trà lên, hòa thượng già liền nói: "Đợi chút" và nhấc chuyên nước sôi lên, rót thêm vào cốc.
Chàng trai lại nhìn vào cốc, thấy những lá trà hết chìm lại nổi, liên tục thay đổi nhiều hơn. Đồng thời, hương thơm của trà mỗi lúc một đậm đà, nhè nhẹ khuếch tán khắp căn phòng.
Hòa thượng già làm đi làm lại 5 lần như vậy, cho đến khi cốc đầy – hoàn toàn là một màu xanh trong, thơm dịu. Làm xong, ông hỏi: "Thí chủ chắc biết là tại sao đều là trà thiết quan âm nhưng lại có sự khác biệt về mùi vị rồi chứ."
Chàng trai trẻ trả lời: "Vì một cốc hãm bằng nước ấm và một cốc hãm bằng nước sôi, nước dùng hãm trà khác nhau ạ."
Hòa thượng già cười, nói: "Dùng nước khác nhau, lá trà chìm nổi cũng khác nhau. Khi dùng nước ấm để hãm trà, lá trà nổi trên mặt nước, làm sao có thể thôi ra mùi thơm đặc trưng?
Còn dùng nước sôi để hãm trà, lá trà hết chìm lại nổi, hết nổi lại chìm, chìm chìm nổi nổi, như thế mới có thể thôi ra hương vị của trà.
Lời bình
Đời người cũng vậy, nào có khác gì lá trà kia.
Trà có hai trạng thái: Chìm, nổi. Người uống trà cũng có hai tư thế: Cầm lên và đặt xuống.
Khi chìm nổi, mới có thể cảm nhận được hương vị của trà, lúc nâng lên – đặt xuống, mới có thể tạo ra phong thái người uống trà.
Biết lúc nào nên chìm, lúc nào nên nổi, biết lúc nào cần nâng lên, khi nào cần đặt xuống, đó là nghệ thuật uống trà và cũng là trí tuệ làm người.
Đời người cũng như lá trà kia, những người không trải qua sương gió, sống một cuộc sống bình bình, cũng giống như lá trà được hãm bởi nước ấm kia, nổi trên mặt nước và không thể tỏa ra mùi hương của sinh mệnh và trí tuệ.
Còn những người phải vật lộn với cuộc đời, kinh qua phong ba bão táp, khó khăn và thử thách, bất hạnh hết lần này đến lần khác tấn công họ, cũng giống như nước sôi hết lần này đến lần khác được rót vào cốc để hãm trà, mới có thể tỏa ha rương thơm tinh khiết, đó là hương thơm của sinh mệnh, của trí tuệ.
Nghe hòa thượng già nói đến đây, chàng trai bừng tỉnh ngộ và không còn thắc mắc hay muộn phiền gì về cuộc sống chưa như ý của mình.