Lê Vi: Chị không chịu nổi khi nghe em nói những câu đau lòng như thế với cha

Độc giả Nguyễn Thu Hương |

Có lẽ chị hơi cổ hủ khi đặt nặng vấn đề máu mủ, nhưng nghe anh Đàm Vĩnh Hưng, ca sĩ Thanh Hà và giờ là em, chia sẻ những vấn đề về đấng sinh thành, chị không thể chịu nổi.

Chị đã xem talk show Đối Mặt giữa em, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu và nhà báo Hoàng Nguyên Vũ, một chương trình thật cảm động, rất thật và đụng đến những góc khuất rất con người.

Lê Vi: Chị không chịu nổi khi nghe em nói những câu đau lòng như thế với cha - Ảnh 1.

Ca sĩ Hoàng Lê Vi chia sẻ trong chương trình Đối Mặt rằng, cô cảm ơn cha đã sinh ra mình nhưng tình cảm thì giờ không còn nữa.

Chị tin là em đã nhẹ nhàng sau 18 năm khi nói ra những sự thật của đời mình, cũng như anh Hưng, như chị Thanh Hà. Nhưng cái nhẹ đó, sẽ kéo theo những nặng nề tội nghiệp của bao nhiêu người khác.

Chị cũng hiểu một cô bé bơ vơ bên này hàng rào kẽm gai nhìn cha mình sống một cuộc sống khác, thờ ơ với đứa con gái tội nghiệp đang đi tìm ông, mà thực ra là tìm một hạnh phúc nhỏ bé mà đứa bé đó đáng được hưởng.

Chị cũng như em, không hiểu nổi tại sao cha em lại làm thế, cha em lại sống thế. Ngay người trong cuộc như em mà còn không hiểu, thì hỏi sao người ngoài cuộc như chị có thể hiểu?

Nhưng có một điều chị biết là em hiểu, và chị rất hiểu: Cha em đã tạo ra hình hài của em, cho em những vui buồn suốt 12 năm.

Và hiểu theo nghĩa tích cực, cha em với sự bất hạnh để lại cho em, đã cho em nghị lực, và cho em trân trọng hơn giá trị hạnh phúc, để em hạnh phúc với chồng con hiện tại như bây giờ.

Chị cũng chẳng khác gì em đâu. Và chị tin ở đất nước này, biết bao nhiêu đứa con đắng cay vì cha mẹ ruột, như em, như anh Hưng, như chị Hà và thậm chí kinh khủng hơn thế.

Tuổi thơ chị là những trận đòn từ cha. Cha đánh các anh chị em chị khi có rượu. Cha đánh luôn mẹ, đánh suốt ngày, đánh trước mặt các con.

Cha chửi ông bà ngoại tại sao lại sinh ra mẹ. Cha chửi luôn những ai bênh vực mẹ. Cha bắt chị em chị làm lụng và bắt chị em chị bỏ học.

Em ơi, nếu không có nghị lực, nếu không có tình thương của người đời, thì chị em chị giờ đây không biết lặn ngụp ở bến nào. Rằng chị và các em sẽ có ngày hôm nay hay không.

Một người đàn ông mua đồng nát đi qua thấy cha đánh mẹ gãy răng và đánh luôn chị em chị, thì ông đã kể lại câu chuyện với một người thân của ông. Hai tuần sau, có một người đàn ông đến thăm hỏi, muốn đỡ đầu chị em chị.

Cha chị nổi giận và sau đó nói thẳng với ông: muốn nuôi các con của cha thì đưa tiền cho ông. Người ấy không đưa tiền ngay mà hẹn, khi nào các con nên người thì lúc đó sẽ trả. Dĩ nhiên, ông đưa cho cha chị một ít tiền.

Chị và đứa em kế chị thành con nuôi của người đàn ông ấy. Đó là một người không có con. Họ có một cuộc sống rất ổn ở thành thị.

Những ngày ở với gia đình mới, chị nhớ mẹ kinh khủng. Đêm nào chị cũng nhắm mắt nghĩ rằng giờ này mẹ thế nào, có chịu nổi cơn hành hạ của cha chị không?

Lê Vi: Chị không chịu nổi khi nghe em nói những câu đau lòng như thế với cha - Ảnh 2.

Một tuần sau chị em chị được về nhà chơi. Một tuần, chị thấy mẹ gầy đi nhiều. Trên mặt xuất hiện những vết bầm tím. Còn ai vào đó nữa, tác giả của những vết bầm ấy.

Chị em chị khóc nói với cha nuôi xin được ở nhà với mẹ nhưng mẹ một mực đẩy chị em chị đi. Mẹ hiểu, chỉ có cách đó mới có tương lai cho chị em chị. Giờ chị hiểu, mẹ đau vì mẹ là người sinh ra con mà không nuôi dưỡng, bảo vệ được con mình.

Sống với cha mẹ nuôi, cuộc sống chị em chị ổn hơn. Cha nuôi luôn nhắc chị, chỉ có học giỏi mới cứu được mẹ và cứu được đời mình. Chị em chị lao vào học.

4 tháng sau, nhà báo tin dữ: Bố chị say rượu ngã xuống ao và chết đuối. Không hiểu sao lúc đó trong lòng chị lại không buồn. Để rồi bây giờ, chị lại thấy đau.

Nếu quay lại tuổi thơ, chị vẫn ước mình không phải là con của cha chị. Nhưng nếu cha chị còn sống, chị tin rằng mình sẽ báo hiếu như bao người con khác dù cha có độc ác với mình thế nào đi chăng nữa.

Bởi vì sao: Thời gian trôi đi rất nhanh. Sự lớn khôn của những đứa con do người khác nuôi dưỡng, sẽ là sự trừng phạt lớn nhất đối với người cha đã hắt hủi con mình.

Không điều gì đớn đau bằng một người cha mất đi con mình khi con còn sống. Lúc đó chị tin, cha chị sẽ phải từ bỏ rượu, tỉnh ra để thành một người đàn ông tử tế.

Chị tiếc vì cha chị đi quá sớm. Chứ tận trong thẳm sâu, chị vẫn mong cha mình còn đó, chứng kiến sự đổi đời của các con rồi ông sẽ thay đổi. Con người có những điều kỳ diệu mà mình nên tin và tha thứ sẽ là một liều thuốc lớn nhất để cảm hoá tất cả.

Hãy làm điều đó đi Vi khi cha em vẫn còn sống. Sự thất bại của người đàn ông không phải là cái lỗi. Việc đến với người đàn bà khác cũng do uẩn khúc gì đó. Giờ cha em đã chứng kiến em thành công, em hạnh phúc. Đã đến lúc em nên rõ ràng và tha thứ, một lần đi em.

Hơn là nói với cha mình những điều cay đắng như vậy.

Chúng ta là phận con, chúng ta không quay lại quá khứ để thay đổi được nghịch cảnh. Thì chúng ta hãy dùng hiện tại, thậm chí cả tương lai để thay đổi nghịch cảnh. Và khép quá khứ lại ở yên vị trí của nó.

Chị mong rằng em làm được. Và tuyệt vời biết mấy, nếu có sự đổi thay kỳ diệu đó. Lúc đó, em sẽ là người hạnh phúc và cha em, sẽ biết thế nào là sự trân trọng hạnh phúc cho những người xung quanh mình, và cho chính ông. Thứ mà mấy chục năm qua ông chưa có được hoặc chưa ai tạo cơ hội cho ông có được.

Chúc em bình an!

*Bài viết là ý kiến riêng của độc giả Nguyễn Thu Hương (Công ty điện lực TP. Hồ Chí Minh)*

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại