Ông Ali Hassan Khalil, trợ lý của Chủ tịch Quốc hội Lebanon hôm qua (19/11) xác nhận, Lebanon và lực lượng Hezbollah đã đồng ý với những đề xuất của Mỹ về thỏa thuận ngừng bắn giữa Hezbollah - Israel . Phía Lebanon đã gửi phản hồi bằng văn bản tới đặc phái viên Nhà Trắng Amos Hochstein và Đại sứ quán Mỹ ở Beirut về một lệnh ngừng bắn với Israel. Động thái này được cho là nỗ lực đàm phán lớn nhất từ trước đến nay, cũng là nỗ lực nghiêm túc nhất của Lebanon liên quan đến việc khép lại xung đột.
Trong khi đó, Đặc phái viên Mỹ Amos Hochstein cũng khẳng định đã có cuộc đàm phán mang tính xây dựng với Chủ tịch Quốc hội Lebanon tại Beirut, đồng thời bày tỏ tin tưởng về khả năng có cơ hội thực sự để chấm dứt xung đột giữa Israel và lực lượng Hezbollah. Theo trang Axios, dự thảo thỏa thuận mới nhất bao gồm lệnh ngừng bắn 60 ngày. Trong thời gian trên, Israel sẽ rút quân khỏi miền Nam Lebanon, Hezbollah dời vũ khí xa khỏi biên giới Lebanon – Israel.
Giới quan sát đang đặt nhiều kỳ vọng vào tiến trình đàm phán hướng tới lệnh ngừng bắn, song vẫn không ít ý kiến cho rằng, mặc dù đây có thể được xem như một “tia sáng”, song vẫn không loại trừ khả năng sớm “vụt tắt”, rơi vào ngõ cụt như những nỗ lực tìm tiếng nói chung về lệnh ngừng bắn trong suốt nhiều tháng qua ở Lebanon và Dải Gaza. Nhất là khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 18/11 vẫn thẳng thừng tuyên bố sẽ tiếp tục các chiến dịch nhằm vào Hezbollah dù có thỏa thuận, với mục tiêu ngăn nhóm vũ trang này tổ chức lại lực lượng.
Trước tình hình Trung Đông đang “căng như dây đàn”, các nỗ lực ngoại giao nhằm tìm giải pháp hóa giải xung đột trong khu vực vẫn không ngừng được đẩy mạnh. Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh G20 vừa diễn ra ở Brazil đã ra tuyên bố chung, kêu gọi ngừng bắn toàn diện ở Gaza và Lebanon, đồng thời thả tất cả con tin đang bị giam giữ.
Trong bối cảnh xung đột trong khu vực đang diễn ra dữ dội và căng thẳng lên đến đỉnh điểm, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres vừa kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và thiết lập khu vực phi vũ khí hạt nhân ở Trung Đông. Ông Guterres cho biết ý tưởng về một khu vực như vậy đã tồn tại trong nhiều thập kỷ và hiện tại mục tiêu này đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Cảnh báo trong hơn 1 năm qua, Dải Gaza đã trải qua cơn “ác mộng” không ngừng, đe dọa nhấn chìm toàn bộ khu vực, cũng như tình hình căng thẳng hiện tại ở Lebanon, ông Guterres một lần nữa khẳng định rằng, việc xây dựng tương lai hòa bình và an ninh bền vững, không chỉ ở Trung Đông mà trên toàn thế giới, phụ thuộc vào việc thế giới tiếp tục theo đuổi các mục tiêu giải trừ vũ khí.
“Hòa bình ở Gaza với lệnh ngừng bắn ngay lập tức, trả tự do cho tất cả các con tin và bắt đầu một tiến trình không thể đảo ngược hướng tới giải pháp hai nhà nước. Hòa bình ở Lebanon, với lệnh ngừng bắn và các bước đi có ý nghĩa hướng tới việc thực hiện đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an. Hòa bình ở mọi nơi đều đòi hỏi các hành động dựa trên các giá trị của Hiến chương Liên hợp quốc, pháp quyền và các nguyên tắc về chủ quyền, độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia”.
Mặc dù các nỗ lực hòa bình trong những năm qua chủ yếu do Mỹ và các cường quốc phương Tây dẫn dắt, nhưng các quốc gia Arab cũng đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy một sáng kiến hòa bình mới. Jordan và Qatar vừa thúc giục mạnh mẽ việc chấm dứt hành động quân sự của Israel tại Gaza và Lebanon. Cảnh báo về thảm họa nhân đạo chưa từng có tại khu vực phía Bắc Dải Gaza do Israel phong tỏa viện trợ, các bên trung gian hòa giải này cũng một lần nữa khẳng định việc chấm dứt ngay lập tức xung đột tại Gaza và Lebanon là bước đi cấp thiết để đạt được ổn định toàn diện trong khu vực.