Sáng 5/9, gần 500 học sinh trường PTCS Xã Đàn, Hà Nội đã tham dự lễ khai trường năm học 2022-2023. Đây là ngôi trường 40 năm tuổi, có vai trò lớn trong công tác giáo dục học sinh khiếm thính tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Từ 6 giờ 30 sáng 5/9, hàng trăm học sinh, phụ huynh, giáo viên... đã có mặt để chuẩn bị cho buổi lễ khai giảng năm học mới 2022 - 2023.
Một cô giáo đang hướng dẫn bằng ngôn ngữ ký hiệu cho các em học sinh
Lễ khai giảng bắt đầu từ 7h30, kéo dài khoảng một tiếng với các nghi thức đón học sinh đầu cấp
Không giống với những ngôi trường khác, Trường PTCS Xã Đàn là một trường chuyên biệt của Hà Nội, đào tạo cho cả học sinh bình thường và học sinh khiếm thính, thiệt thòi với 3 cấp học mầm non, tiểu học và trung học.
Nét hồn nhiên vô tư trên gương mặt các em học sinh trong ngày khai trường
Các học sinh giao tiếp bằng cử chỉ của đôi tay
Những ngày đầu mới thành lập "Trường dạy trẻ câm điếc Hà nội" có nhiệm vụ phục hồi chức năng, chữa bệnh, dạy văn hóa và dạy nghề cho trẻ câm điếc của thành phố Hà Nội. Lễ khai giảng tại đây cũng đặc biệt hơn các ngôi trường khác khi hàng trăm học sinh cùng các thầy cô giáo hát Quốc ca, Đội ca bằng ngôn ngữ ký hiệu riêng biệt, chủ yếu diễn tả bằng tay
Thầy Đỗ Minh Tiến - Giáo viên bộ môn Toán - Tin, Chi ủy viên phụ trách công tác phát triển Đảng viên THCS, Trưởng ban thanh tra nhân dân của trường PTCS Xã Đàn cho biết "Trong tất cả các lễ chào cờ, tất cả học sinh khiếm thính của nhà trường luôn hát Quốc ca bằng ngôn ngữ ký hiệu bởi vì bản thân tôi là người trực tiếp tham gia dự án của Bộ Giáo dục về những bài hát Quốc ca bằng ngôn ngữ ký hiệu và cũng có tài liệu đưa về cho giáo viên chủ nhiệm các lớp để các thầy cô dạy cho học sinh, hướng dẫn các em làm tốt lên làm mẫu để các em khác học theo và triển khai".
Thầy Tiến cũng cho biết bài hát Quốc ca bằng ngôn ngữ ký hiệu được triển khai ở trường PTCS Xã Đàn từ những năm 2000. Phần lớn các em học sinh gặp khá nhiều khó khăn vì từ ngữ ở trong lời bài hát thầy cô phải phân tích để các em hiểu rõ được nội dung, thể hiện được văn hóa, chất riêng của người khiếm thính
Trường PTCS Xã Đàn năm học 2022-2023 có hơn 405 học sinh được chia thành 27 lớp học, trong đó có 315 em học sinh khiếm thính được bố trí ở các lớp chuyên biệt
Trường PTCS Xã Đàn có cả lớp mẫu giáo, đồng hành cùng cô giáo và các bạn, các bé bị câm điếc bẩm sinh có thể hòa nhập tốt nhất với môi trường từ khi còn nhỏ
Thầy Phạm Văn Hoan - Hiệu trưởng trường PTCS Xã Đàn lên đánh trống khai trường
"Lễ khai giảng 2022-2023 là một lễ khai giảng vô cùng cảm xúc, tốt đẹp vì sau hơn 2 năm dịch bệnh Covid-19 hoành hành, chúng tôi đã có một buổi khai giảng thực sự ý nghĩa và suôn sẻ.
Để chuẩn bị cho lễ khai giảng này, nhà trường đã có sự chuẩn bị khá kì công, bởi vì học sinh ở trường là những học sinh sáng tai ở khu vực gần trường cũng như học sinh khiếm thính trên địa bàn toàn thành phố.
Do các em học sinh ở xa khó tập trung đông đủ ở trường trong thời gian dài nên chúng tôi đã chuẩn bị một buổi tập trung đông đủ các em học sinh và trong buổi đó tích hợp các hoạt động dặn dò các em chuẩn bị cho buổi lễ khai giảng cũng như ngồi thử trước sân trường để tập dượt phần chào đón các em học sinh mới", thầy Phạm Văn Hoan - Hiệu trưởng trường PTCS Xã Đàn chia sẻ.
Bên cạnh đó, thầy hiệu trưởng cũng cho biết, với học sinh khiếm thính các thầy cô giáo của nhà trường có sự chuẩn bị rất kỹ, lược bỏ những phần khó hoặc chia nhỏ những nội dung khác một cách phù hợp nhất, tăng kênh hình do các thầy cô xây dựng và mô hình giáo dục do các em tự làm để các em truyền tải được những kiến thức tốt nhất mà không bị nặng nề
Toàn thể các bậc phụ huynh ở lại dự lễ khai giảng
Ông Chu Công Chấn đưa cháu tới dự lễ khai giảng không giấu nổi sự xúc động cho biết: "Tôi rất vui khi chứng kiến cháu vui đùa đùa và hòa nhập cùng bạn bè, mong năm học mới cháu và các bạn sẽ tiếp thu được nhiều kiến thức để sau này hòa nhập cùng xã hội".
Được biết, quá trình phát triển của trường chia làm 3 giai đoạn chính, giai đoạn 1 1977 - 1981 bằng nhiều hình thức và phương pháp giáo dục đặc biệt giúp trẻ có tật thính giác trở thành người lao động có khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ nói, có trình độ học vấn tương đương bậc tiểu học, có khả năng làm nghề phù hợp.
Giai đoạn 2 1981 - 1996 được sự hỗ trợ kỹ thuật của Hà Lan cùng với việc phát huy thành tựu của giai đoạn 1 nhà trường tiếp tục phát triển nhanh chóng về chuyên môn và vật chất.
Giai đoạn 3 từ 1996 đến nay xây dựng và hoàn thiện mô hình giáo dục mới cùng tên gọi trường PTCS Xã Đàn.
Sáng nay các em học sinh tại trường sẽ có tiết học đầu tiên sau buổi lễ khai giảng