Hôm nay, bé Trịnh Thị Xuân (9 tuổi) dậy từ tờ mờ sớm, háo hức cả đêm không ngủ khi ngày khai giảng năm học mới đã đến – cũng là ngày duy nhất trong năm bé đến trường cùng các bạn đồng trang lứa.
Cũng như hàng triệu đứa trẻ khác, hôm nay bé đi khai giảng. Xuân được mặc quần áo mới, thắt khăn quàng đỏ, cầm bóng bay và được mẹ dắt tay khai giảng ngày tựu trường.
Thế nhưng có lẽ điều ám ảnh chúng tôi nhất trong buổi sáng hân hoan của Xuân là những câu trả lời hồn nhiên của em.
- Quê con ở đâu?
- Dạ, Việt Nam ạ, còn nhà con ở đây! Con ở đây lâu lắm rồi, không nhớ tự bao giờ.
- Ước mơ của con là gì?
- Con ước mơ được làm cô giáo.
- Hôm nay đi khai giảng con có vui không, có muốn đến trường học cùng các bạn không?
- Dạ đây là năm thứ 4 con được đi khai giảng, con vui lắm ạ, nhưng con chỉ thích đi khai giảng rồi về học ở trung tâm.
- Sao lại thế?
- Vì con ngại…
Đó cũng là câu chuyện "hao hao" nhau của 72 đứa trẻ đang được chăm sóc và nuôi dưỡng tại Trung tâm Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (Cơ sở cai nghiện may tuý số 2, xã Yên Bài, Ba Vì, Hà Nội). Những đứa trẻ gần như không biết về quê quán, cội nguồn. Trung tâm là nhà, cán bộ trung tâm chính là cha mẹ. Cùng Lao Động theo chân trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trong ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường. Một ngày của gần 80 trẻ có “H” đã bắt đầu khi mặt trời còn chưa ló rạng, sương sớm giăng giăng trên những đồi chè xanh ngắt ở Ba Vì.
5h sáng, trước khi đến trường khai giảng, các bé đã dậy dọn vệ sinh quanh nhà. Những em học cấp 3 thì đi xe bus hoặc xe đạp điện đến, các em cấp 2 được cán bộ đưa đi học, còn 14 học sinh tiểu học thì đi khai giảng ở trường rồi về “nhà” học.
Đúng 6h, các chuyên viên chăm sóc sức khoẻ phát thuốc để các bé uống trước khi đến trường.
Những chị lớn trong nhà tết tóc, trang điểm cho các em trước giờ khai giảng. Nếu nhìn cái cách các bé chăm sóc nhau, người ta mới thấy đó chính là gia đình!
Chị Đào Thị Huyền, Trưởng phòng Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (hay còn gọi là mẹ Huyền của tụi nhỏ) chia sẻ, trở ngại khi các bé đến trường đến từ phía phụ huynh của học sinh. Phụ huynh cũng lo lắng chính đáng khi các bé còn nhỏ tuổi, khó tránh hiếu động xây xát. Nhưng “con tôi” cũng bị ảnh hưởng tinh thần khi bị phụ huynh của bạn gọi là “bọn ở trung tâm ra”. Có cháu cũng buồn buồn tâm sự với mẹ nhưng rất hiểu chuyện: “Thôi mẹ ạ mình cứ học trong này, đợi lớn rồi con ra học với bạn như anh chị”.
Chiếc xe đạp đưa chân em đến trường, chở theo cả những háo hức, nôn nao ngày khai giảng.
Không đạp xe đến trường như các anh chị lớn, 6h30 sáng, 14 bé cấp tiểu học xếp hàng đều tăm tắp để "bố mẹ" đưa đến trường khai giảng.
Nếu một lần nhìn vào đôi mắt trong veo, nụ cười thuần khiết mà thăm thẳm buồn của các em nhiễm H trong ngày khai giảng, không khỏi chạnh lòng...
14 đứa trẻ tiếng là sĩ số của trưởng Tiểu học Yên Bài B (Yên Bài, Ba Vì, Hà Nội), nhưng vẫn ngồi biệt lập ở một góc sân. Người trong "nhà" mới là bạn.
Cũng như hàng triệu đứa trẻ khác, hôm nay các em đến trường, mang theo những ước mơ thuần khiết của tuổi học trò.