Tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM (Quận 1) hiện đang diễn ra Lễ hội bánh mì Việt Nam kéo dài từ sáng ngày 30/3 đến hết ngày 2/4/2023.
Theo thông tin từ Ban tổ chức, lễ hội sẽ quy tụ 120 gian hàng của các đơn vị nhà hàng, tiệm bánh mì, nhà cung cấp... hàng đầu tại TP.HCM và cả nước. Được biết trong lễ hội sẽ có những điểm sáng đặc sắc như hội thảo "Hành trình phát triển bánh mì Việt Nam", trình diễn 105 món ăn kèm bánh mì, trưng bày các loại bánh mì làm từ rau củ quả Việt Nam, bình chọn top thương hiệu bánh mì lâu đời và nổi tiếng trên 50 năm tại Việt Nam, thưởng thức bánh mì trực tiếp chế biến tại lò và thưởng thức bánh mì nổi tiếng miễn phí... Mọi thứ vẽ nên một kì vọng cho rất nhiều người dân nói chung và những ai yêu bánh mì Việt nói riêng.
Tuy nhiên, theo trải nghiệm của nhiều người tham dự trong 2 ngày đầu tiên, lễ hội mang lại nhiều trải nghiệm chưa thoả mãn so với mường tượng.
Bánh mì ở lễ hội nhưng chất lượng lại kém đi?
Bánh mì Việt chinh phục không chỉ người Việt mà còn rất nhiều thực khách quốc tế vì hương vị độc đáo, mặn mà, phần nhân chất lượng - ai cũng biết. Trong lễ hội bánh mì - ngành dành riêng để giới thiệu, tôn vinh, hãnh diện về món ăn "vua" này thì nhiều thực khách cho rằng chất lượng lại kém hẳn so với bình thường nó vốn dĩ. “Một ổ bánh mì giữ nguyên độ nóng giòn tìm ở đây phải dùng từ "hiếm", các gian bánh mì đa phần đều bán cho khách ổ bánh mì nguội, cắn một miếng dai thay vì giòn, chưa kể đến phần nhân bánh mì, những phần nhân như thịt heo quay, chả cá nóng, xíu mại... sẽ nguội không khác gì bánh mì thịt nguội” - một vị khách đến tham dự cho hay.
Người tham dự hi vọng khi đến lễ hội bánh mì, sẽ được mục sở thị những loại bánh mì Việt Nam "biến thể" qua các vùng miền, nhưng hơn một nửa các gian bán bánh mì ở đây đều trưng bày bánh mì với công thức nhân: chả, pa-tê, thịt nguội, rau sống, dưa leo, cải chua. Thậm chí những loại bánh mì hay ho đã có mặt ở TP.HCM như bánh mì cá, bánh mì há cảo, bánh mì xíu mại trứng muối,… đều không xuất hiện. Tuy nhiên cũng thật mừng khi tại lễ hội này có bánh mì nhân sắn, bánh mì trứng gà non lòng đào và bánh mì bột chuối là các món giúp làm gia tăng sự phong phú khi lựa chọn món lạ tại lễ hội.
Đa phần ở lễ hội quy tụ bánh mì sẽ là quy tụ bánh mì pa-tê thịt nguội.
Món bánh mì nhân sắn kho và bánh mì có vỏ làm từ bột chuối chắc có lẽ là nét hay ho trong ngày hội quy tụ bánh mì Việt.
Một trong những điều làm không ít người tham dự bất ngờ là về giá bánh mì trung bình một ổ tại lễ hội dao động khoảng 30.000đ. Đây là một mức giá tuy không quá cao, nhưng vì người tham gia tại sự kiện lần này là rất đa dạng, có cả những người lớn tuổi và người lao động bình thường, nên họ cảm thấy quá cao để ăn một ổ bánh mì với chất lượng chưa thể tương xứng.
Anh Đức Phan, 26 tuổi tặc lưỡi: "Mình nghe nói rằng lễ hội bánh mì sẽ được thưởng thức miễn phí các loại bánh mì nổi tiếng, nhưng nhìn những ổ bánh mì pa-tê thịt nguội bình thường bán giá 35.000đ thì thôi mình ra ngoài mua giá 15.000đ - 20.000đ ở xe bánh mì sát bên đây, giá rẻ hơn mà nhân chất lượng hơn."
Vì đầu tư trưng bày nên các ổ bánh mì trong lễ hội sẽ có giá nhỉnh hơn bánh mì ở mặt bằng chung được bán bên ngoài.
Tôi tấp lại một hàng bánh mì khá đông đúc trong lễ hội, khều vai hỏi dì lớn tuổi vừa xếp hàng mua xong rằng giá một ổ bao nhiêu, dì nói: "Lỡ vào lễ hội bánh mì thì mua ăn cho nó đúng, chứ ổ bánh mì chả có gì trong đó đâu nha con ơi."
Ổ bánh mì mà mọi lớp tuổi đều mê tại lễ hội này lại có phần gây thất vọng.
Chị Molly, một giảng viên người Anh sống tại TP.HCM chia sẻ: "Tôi cảm thấy bánh mì trong lễ hội không ngon bằng bánh mì tôi thường ăn hàng ngày. Tuy nhiên không khí của lễ hội khá vui vẻ, có một vài hàng trưng bày một số bánh mì khá đẹp mắt."
Có rất nhiều khách nước ngoài đang chen chúc trong lễ hội, tôi nghĩ thầm: "Liệu những ai chưa kịp thưởng thức hết đặc sắc của một loại văn hoá ẩm thực này, có vội đánh đồng rằng bánh mì Việt Nam chỉ đến thế thôi thông qua các gian hàng khác tên nhưng trùng vị?"
Khoảng một nửa số gian hàng là bán món khác
Có lẽ sẽ có rất nhiều người tham dự hiểu lầm thông tin từ Ban tổ chức khi nghe rằng "lễ hội quy tụ 120 gian hàng". Những ai đang háo hức cho một buổi tụ họp đông đảo hơn trăm gian bánh mì từ nổi tiếng đến bình dân, từ hương vị đặc trưng đến độc lạ sẽ hơi hụt hẫng khi khoảng một nửa số lượng gian trong lễ hội không phải bán buôn hay giới thiệu bánh mì, loại nhân ăn kèm bánh mì nào cả. Tuy là lễ hội bánh mì, nhưng ở đây cũng sẽ quy tụ luôn các gian từ kem dừa, cá viên chiên, bánh tráng nướng... đến hạt điều sấy, nước khoáng kiềm, nước mắm hay cả trầm hương, bát đĩa sứ. Đây là điều rất bình thường trong các lễ hội, nhưng vì nhiều người cho rằng vì lúc đầu tưởng chỉ có bánh mì nên giờ bất ngờ khi đến một chút.
Chị Thùy Mai, dân văn phòng làm việc ở công ty đường Võ Văn Tần gần đó cho hay: "Mình dùng cả giờ nghỉ trưa để cùng đồng nghiệp qua đây định tham quan, ăn bánh mì cho bữa trưa luôn nhưng giờ cả đám phải cuốc bộ về lại ăn bún bò trước toà nhà vì quá đông, chúng mình mà đợi chắc hết giờ nghỉ trưa mới cầm được trên tay bánh mì ăn vội. Nói về độ đặc sắc thì đi hết một vòng mình chưa thấy, vẫn là các loại bánh mì chả pa-tê bình thường thôi."
Hoạt động có đủ sức hút?
Ở lễ hội vẫn có nhiều hàng bánh mì nổi tiếng của Sài Gòn như bánh mì Nguyên Sinh, bánh mì Tuấn 7 kẹo, bánh mì Tăng, bánh mì Phát Lợi... thế nhưng hoạt động thưởng thức bánh mì nổi tiếng miễn phí thì đừng trông mong gì nhiều, sẽ có gian chỉ phát 100 ổ miễn phí cho 100 người đầu tiên, đôi ba gian còn lại sẽ cắt bánh mì không thành 2-3 phần để mọi người thưởng thức miễn phí.
Một số tiệm bánh mì nổi tiếng có mặt tại đây thu hút rất đông khách tham quan.
Đây là phần bánh phục vụ miễn phí cho khách tham dự của một số thương hiệu mới.
Về hoạt động trưng bày các loại bánh mì làm từ rau củ quả Việt Nam, nó sẽ là một phần nhỏ được xếp ra trong bàn trưng bày bánh mì được tạo kiểu cách điệu đẹp mắt với 4-5 loại bánh mì rau củ như bánh mì thanh long, bánh mì than tre, bánh mì dứa.
Sau khi hỏi anh đầu bếp đứng ở bàn trưng bày nơi trình diễn bánh mì rau củ, tôi khá bất ngờ khi phần trình diễn bánh mì rau củ khá khiêm tốn.
Đối với hoạt động công diễn 105 món ăn kèm bánh mì theo lịch trình diễn ra trong khung giờ 8h30 - 11h30, bạn sẽ phải đợi đến 14h hơn để thấy các món ăn kèm bánh mì được bày trên bàn ở khu vực trình diễn. Đây có lẽ là điểm sáng trong hoạt động của lễ hội vì cách trình bày khá đẹp mắt, chỉ trừ việc kế hoạch công diễn thay đổi đột ngột từ sáng thành chiều.
Phần công diễn 105 món ăn kèm khá đẹp nhưng diễn ra lệch lịch trình.
Ngoài ra, điều khó khăn đầu tiên để người dân tham gia được lễ hội là tình trạng loay hoay tìm chỗ gửi xe. Bãi giữ xe của Nhà Văn Hoá Thanh Niên TP.HCM kín chỗ từ trong ra ngoài vỉa hè, chạy lên các bãi ngoài ở Hai Bà Trưng, Nguyễn Văn Chiêm và các điểm giữ xe tự phát xung quanh cũng đều hết chỗ và phải sang đường sách, Bưu điện Thành phố rồi đi bộ đến.
Mọi người đứng đợi có người lấy xe ra để được gửi xe vào thay.
Phần sân khấu được dỡ bỏ background.
Điều phối một lễ hội với hơn một trăm đối tác gian hàng là rất khó, các hoạt động có sự tham gia của nhiều bên sẽ trúc trắc bất cập... và đây là lần đầu lễ hội bánh mì được tổ chức nên xảy ra những điều này là hoàn toàn khó tránh khỏi. Quan trọng hơn đã có hàng chục nghìn lượt người đến tham gia suốt 2 ngày qua - đây là điều vô cùng tuyệt vời dành cho đơn vị tổ chức, từ đây thấy rõ sự yêu mến của người dân nói chung và của các "tín đồ" bánh mì nói riêng lớn đến mức nào.
Nhiều người vẫn đặt kỳ vọng lễ hội bánh mì sẽ được tổ chức nhiều năm tới nữa như một hoạt động định kỳ hàng năm để mọi người có cơ hội được tham gia, trải nghiệm các món bánh mì từ lạ đến quen trên khắp mọi nơi, chứ không chỉ riêng tại TP.HCM.