Lễ cưới cho đôi uyên ương cùng hy sinh trong chiến tranh: Em cứu anh, cả hai ra đi mãi mãi

CHi CHi |

Hai người yêu nhau và đã báo cáo với gia đình để tiến tới hôn nhân, nhưng chiến tranh đã cướp đi quyền được làm vợ làm chồng của họ. Phải 50 năm sau, họ mới thành vợ chồng.

Ảnh: Facebook & VTV24

Ảnh: Facebook & VTV24

Đám cưới đặc biệt

Trong những ngày tháng 4 lịch sử, có một đám cưới đặc biệt dành cho 2 liệt sĩ hy sinh cách đây 50 năm. Gia đình đã thực hiện đám cưới này để thành toàn ước nguyện trọn kiếp trọn đời của đôi lứa vì chiến tranh mà mãi mãi dở dang. 

Hai liệt sĩ ấy là chị Nguyễn Thị Diện (SN 1947, Nghệ An) và anh Đặng Văn Cự (SN 1946, Bắc Giang). Họ hy sinh khi tuổi chỉ đôi mươi với lý tưởng cách mạng và tình yêu nước nồng nàn. Cả hai người đều hy sinh khi ước nguyện về chung một nhà chưa thành. Mất đến 50 năm, 2 gia đình mới có đều kiện viết tiếp ước nguyện ấy.

Ngày 4/4/2022, đám cưới đặc biệt diễn ra tại nhà gái ở Đô Lương (Nghệ An) có mặt đầy đủ gia đình nhà trai từ Hiệp Hòa (Bắc Giang) vào. Hai nhà chuẩn bị một mâm cơm đủ món với trầu cau, bánh phu thê cùng lễ vật hỏi cưới. 

Lễ cưới cho đôi uyên ương cùng hy sinh trong chiến tranh: Em cứu anh, cả hai ra đi mãi mãi - Ảnh 1.

Hai gia đình trong ngày gặp gỡ. Ảnh: VTV24

Trước bàn thờ gia tiên, ông Nguyễn Hữu Tường (em trai của nữ LS Nguyễn Thị Diện) đại diện nhà gái phát biểu: "Hôm nay, trước bài vị gia tiên, ước mơ của anh chị suốt đời bên nhau từ đây đã được gia đình, họ hàng đôi bên chấp thuận. Đó là ước mơ sâu thẳm của một đời người mà đến bây giờ mới thực hiện được"- (VTV24 trích đăng).

Đến ngày 5/4/2022, 2 gia đình đến 2 ngôi mộ nằm cạnh nhau của họ tại nghĩa trang liệt sĩ Hải Thanh, TP.Đồng Hới (Quảng Bình) làm lễ trước đài Tổ quốc ghi công và các đồng đội đã nằm xuống nơi đây. 

Theo Thanh Niên Online, sau buổi lễ tại nghĩa trang, ngày 6/4/2022 họ nhà gái đã về nhà em trai của ông Đặng Văn Cự là ông Đặng Văn Cầm (người đang thờ cúng ông Cự) tham dự một bữa tiệc nhỏ và chứng kiến việc chính thức đưa tên chị Nguyễn Thị Diện về gia phả của dòng họ Đặng.

Tình yêu nảy nở trong chiến tranh

Ông Nguyễn Hữu Tường cho báo Thanh Niên biết trước khi tham gia kháng chiến, chị Diện nổi tiếng đẹp nhất vùng với dáng người cân đối, tóc dài đen mượt, lại thông minh, khéo tay, nhanh nhẹn và sống vui vẻ hòa đồng… nên ai cũng quý mến. Từ năm 23 tuổi chị đã được kết nạp Đảng và được bầu làm bí thư chi đoàn.

Lễ cưới cho đôi uyên ương cùng hy sinh trong chiến tranh: Em cứu anh, cả hai ra đi mãi mãi - Ảnh 2.

Chị Diện hy sinh khi vừa tròn 25 tuổi. Ảnh: VTV24

Trong khi đó, anh Cự là con cả trong gia đình có 10 người con. Anh không đẹp trai, nhưng thật thà chất phác, cùng sự chín chắn của người thanh niên dạn dày sương gió. 

Cuối năm 1968, trong tình hình chiến tranh khốc liệt, đơn vị "Thanh niên tình nguyện kết nghĩa Quảng Bình" được thành lập. Tại đây, anh Cự và chị Diện cùng gia nhập đơn vị này để cống hiến tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến chống Mỹ.

50 năm trước, họ cùng nhau làm nhiệm vụ vận chuyển thực phẩm, đạn dược, đảm bảo huyết mạch tiếp viện từ Bắc vào Nam cho kháng chiến bên dòng sông Gianh ở huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình). Tình yêu của họ cũng nảy nở từ trong khói lửa, trong sự khốc liệt của bom đạn chiến tranh. 

Tình yêu giữa cô bí thư Đoàn với anh đội trưởng vận tải hàng hóa đã sưởi ấm con tim, tiếp thêm sức mạnh để cùng dìu nhau đi qua những ngày tháng gian khó ấy. 

Ông Nguyễn Phong Vũ (huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) cho VTV24 hay: "Chị Diện là người Đô Lương, ở trong chính nhà bố mẹ đẻ của tôi. Còn anh Cự ở nhà của ông tôi, cách một thửa đất nhỏ. Bà con chòm xóm ai cũng biết hai người rất thương nhau, thường cùng đi làm việc rồi cùng về nhà".

Thanh Niên Online cũng trích đăng bức thư mà chị Diện gửi về nhà vào năm 1972 như sau: "Con đã đi rất lâu như chưa về nhà. Nhưng, con sẽ dồn ngày phép bốn năm để về tết 1973. Ngày đó, con sẽ đưa chàng rể ngoài Bắc về ra mắt họ hàng". 

Thế nhưng, họ đã không kịp đợi đến Tết năm 1973. Trên dòng sông Gianh chứng kiến tình yêu của họ nảy nở thì cũng là nơi đôi uyên ương nằm xuống. Ngày 29/12/1972, khi gần đến cái tết 1973, đôi uyên ương tài sắc đã hy sinh trên dòng sông Gianh, gần khu vực Bến Đò Vàng. 

Ông Nguyễn Hữu Tường rưng rưng kể với nguồn trên: “Trong một lần tham gia công tác cùng đơn vị, chiếc thuyền di chuyển trên sông gặp gió lớn, chao đảo, anh Cự bị rơi xuống sông. Vì anh Cự không biết bơi nên chị Diện đã lao xuống cứu, gặp dòng nước chảy xiết, cả hai mãi mãi ra đi”.

Giờ đây, từ 2 gia đình không quen biết, một gia đình ở Bắc Giang đã trở nên thân quen với 1 gia đình ở Nghệ An. Ước nguyện của những người đã mất đã được người thân thực hiện trọn vẹn. Sư hy sinh tuổi trẻ, tình yêu của họ dành cho đất nước sẽ luôn được ghi nhớ.

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại