Lễ cúng Giao thừa: Một số lưu ý quan trọng của chuyên gia

Thanh Tú |

Khi làm lễ cúng Giao thừa, dù cỗ mặn hay cỗ chay thì các gia đình nên để ở bàn nhỏ bên dưới bàn thờ chính.

Việc chuẩn bị mâm cỗ cúng Giao thừa (còn được gọi là lễ cúng Trừ tịch) cũng tùy vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của mỗi gia đình. Ở 3 miền, nghi thức và các công đoạn tiến hành lễ cúng khác nhau, không theo một khuôn phép cứng nhắc nào. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng có thêm những lưu ý để nghi lễ quan trọng này của các gia đình được vẹn toàn nhất.

PGS.TS Trịnh Sinh cho biết trên Vietnamnet, mâm cỗ cúng Giao thừa thường có hương, đăng (2 cây đèn hoặc 2 cây nến tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời), trà, nước (hoặc có thể dùng rượu. Cỗ sẽ có cỗ mặn, cỗ ngọt, lễ chay... Gia chủ sẽ sửa soạn 2 mâm cỗ cúng Giao thừa ngoài trời và mâm cỗ cúng trong nhà.

Lễ vật của mâm cỗ cúng ngoài trời và trong nhà tương tự nhau. Song lễ to hay nhỏ không quan trọng mà điều quan trọng là lòng thành kính của gia chủ.

Vị này đặc biệt lưu ý, khi cúng, dù cỗ mặn hay cỗ chay thì các gia đình nên để ở bàn nhỏ bên dưới bàn thờ chính. Trên bàn thờ chính chỉ để hoa tươi (không dùng hoa giả vì dân gian quan niệm đó là sự giả dối), các loại quả tươi và một ít tiền vàng mang tính tượng trưng. Bánh chưng và xôi, chè có thể đặt trên bàn thờ chính.

Ngoài ra, gia chủ không nên cắm cành vàng lá ngọc lên bàn thờ vì có chứa nhiều trường khí âm bất lợi.

Còn chuyên gia phong thủy Lương Ngọc Huỳnh lưu ý các gia đình không đốt tiền âm phủ trong lễ cúng Giao thừa để" tránh các vong âm lai vãng".

TS Lê Xuân Phương (chuyên gia phong thuỷ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu doanh nhân và doanh nghiệp Đông Nam Á) khi trao đổi với Lao động cho rằng, với mâm cỗ cúng Giao thừa, ngoài thủ lợn, gà luộc, bánh chưng, hoa quả, trầu cau, hương nến... thì quan trọng nhất phải có rượu, tức là hương vị.

Các chuyên gia cho rằng, mâm cỗ cúng Giao thừa ngoài trời là cúng trời, Phật, quan, thần, còn mâm cỗ trong nhà để cúng tổ tiên ông bà.

Theo nghệ nhân ẩm thực Phạm Thị Ánh Tuyết, khi cúng giao thừa thì phải tiến hành ngoài trời trước, khấn Phật, các quan để xin trời Phật phù hộ và cầu cho quốc thái dân an, cầu sức khỏe, bình an cho gia đình. Sau đó, mới đến nghi thức cúng Giao thừa trong nhà.

Liên quan tới lễ cúng Giao thừa, có một thắc mắc chung của không ít gia đình ở chung cư về việc cúng Giao thừa ngoài trời ra sao cho đúng.

Ông Tam Nguyên (Giám đốc Công ty TNHH Kiến trúc Phong thủy Tam Nguyên) từng giải đáp trên Gia đình & Xã hội, với các hộ ở chung cư, do không gian chật hẹp, dễ xảy ra hỏa hoạn, không có đất vườn nên chỉ cần cúng Giao thừa trong nhà chứ không nhất thiết phải cúng ngoài trời.

Trong trường hợp các hộ ở chung cư muốn tiến hành cúng Giao thừa ngoài trời thì có thể xuống sân chung cư làm, hoặc nếu có ban công rộng rãi, không vướng víu thì cũng có thể lễ ở đó.

(Tổng hợp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại