Giới chuyên môn nói giải không thể tránh việc loãng quá với nhiều trận chất lượng kém ở vòng bảng.
Nhưng không phải AFF không lường trước điều này vì các bên đã cân nhắc rất nhiều, thậm chí đã tranh luận nảy lửa… Tuy nhiên, vì chiều theo nhà tài trợ muốn quảng bá thương hiệu của mình thật dài và lan tỏa nên AFF chấp nhận sự chi phối trên với việc "mở cửa" sinh ra thể thức mới.
Theo giới chuyên môn thì về mặt kỹ thuật, mỗi trận đấu mỗi đội phải di chuyển xa và cách quãng dài làm cho họ khó duy trì hưng phấn, còn người xem thì cảm thấy bị đứt mạch.
Việc qua vòng loại chỉ bỏ một đội làm cho vòng chung kết AFF Cup có nhiều đội yếu vào khiến chất lượng xuống cấp. Điển hình là trận Lào - Việt Nam chỉ đá một chiều và dự báo còn nhiều trận một chiều hoặc kém chất sẽ diễn ra nữa…
Chỉ có mỗi Brunei bị loại và vòng chung kết có 10 đội nên không tránh nhiều đội yếu đá kiểu "lót đường" như Lào làm chất lượng giải kém đi. Ảnh: NGỌC DUNG
Còn nhớ AFF Cup 2016 vẫn còn thi đấu ở hai bảng (mỗi bảng bốn đội) thuộc hai quốc gia đăng cai. Trước đó, vòng loại bốn đội tham dự chọn một suất vô địch vào vòng chung kết. Lần đó vòng loại đá tại Campuchia, tất cả trận đấu được Fox Sports truyền hình trực tiếp, khán giả đến xem chật cứng với hơn 60.000 người trên sân Olympic ở Phnom Penh và đội tuyển Campuchia đã vượt qua vòng loại.
Vào vòng chung kết, ở hai bảng các đội đá mỗi trận cách nhau ba ngày, không phải liên tục di chuyển và nó cũng phù hợp với phương châm các vòng chung kết như FIFA, UEFA thực hiện. Nó cũng phù hợp khoa học thể thao vì mỗi đội đá một trận thì có ba ngày phục hồi thể lực và không phải di chuyển thay đổi khí hậu, địa phương, làm quen sân bãi dù là đá vòng bảng.
So với AFF Cup 2016 thì AFF Cup 2018 "mở thêm cửa" đón thêm hai đội bóng yếu vào vòng chung kết và rải ra vòng bảng đá sân nhà, sân khách theo kiểu một lượt, tức bắt chước đá cúp kiểu đầu dơi mình chuột.
AFF Cup đang chạy theo lợi nhuận, theo đồng tiền khiến các đội phải phục vụ với một kiểu đá không giống ai. Tiếc là ở những phiên họp của các quốc gia đại diện bóng đá Đông Nam Á đa số đều chiều theo chuyện tiền nhiều mà chuyên môn, chất lượng kém hơn.