Virus được nhắc đến là herpes simplex loại 1 (HSV-1), thường lây truyền qua hoạt động tình dục, những nụ hôn hay tiếp xúc cơ thể thân mật, thậm chí là do dùng chung dụng cụ vệ sinh cá nhân.
Virus này có thể ẩn mình trong cơ thể hoặc gây ra những vết loét ở khu vực miệng. Một "họ hàng gần" của nó là HSV-2 cũng gây ra các vết loét nhưng tập trung ở khu vực sinh dục.
Theo nghiên cứu mới dẫn đầu bởi nhà dịch tễ học Erika Vestin từ Đại học Uppsala ở Thụy Điển, việc nhiễm HSV-1 còn gây ra một hậu quả tai hại khác: Làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc các bệnh mất trí nhớ.
Thậm chí, các nhà khoa học cho rằng các bằng chứng cho thấy chính virus này có thể là một trong những nguyên nhân gây ra mất trí nhớ, do tác động đến phản ứng miễn dịch của hệ thần kinh trung ương.
Do vậy, một số bệnh như Alzheimer có thể là dấu hiệu phản ứng phòng vệ mất kiểm soát của não đối với các mầm bệnh lạ như HSV-1 và có thể cả một số virus khác.
Theo Science Alert, để chứng minh điều này, nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu của hơn 1.000 người trên 70 tuổi, theo dõi trong 15 năm.
82% trong số họ mang kháng thể HSV-1, tức đã từng phơi nhiễm virus này trong đời. Kết quả cho thấy họ có nguy cơ bị sa sút trí tuệ trong thời gian theo dõi cao gấp đôi so với những người không mang kháng thể.
Đây là một phát hiện đáng ngại bởi tỉ lệ người trưởng thành phơi nhiễm HSV-1 được khảo sát ở các quốc gia rất cao.
Trong khi đó, mất trí nhớ là một trong những bệnh gây tử vong sớm được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và nhiều cơ quan y tế cấp quốc gia cảnh báo, trong bối cảnh số người mắc gia tăng nhanh khắp thế giới.
Nguyên nhân gây mất trí nhớ vẫn chưa thực sự rõ ràng. Chỉ có vài thuốc được phê duyệt hạn chế tại một số quốc gia nhưng tác dụng không cao.