Liên quan đến sự việc một nữ khách hàng ngủ quên trên xe ô tô bị người đàn ông trộm chiếc ví rồi thản nhiên đếm tiền đang xôn xao dư luận, sáng 30/6 trao đổi với PV, qua điện thoại, người thân của nạn nhân cho biết, vào sáng (29/6) một người đàn ông tự nhận là thủ phạm đã liên hệ với gia đình chị để trả lại giấy tờ và số tiền gần 30 triệu đồng mà đối tượng đã lấy của người phụ nữ trên chuyến xe giường nằm.
Tên trộm đã trả lại tài sản cho bị hại
Theo bị hại, đối tượng đã trả lại số tiền nên gia đình chị không có ý kiến thêm.
Trả lại tài sản trộm cắp có bị xử lý hình sự?
Về tính huống tên trộm trả lại tài sản trộm cắp được cho người bị hại nêu trên, trao đổi với PV dưới góc độ pháp lý, Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng luật sư Tinh thông luật, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết: Trộm cắp tài sản là một hành vi vi phạm luật hình sự. Trộm cắp tài sản là một trong những tội xảy ra phổ biến trong nhóm tội xâm phạm đến quyền sở hữu.
Theo luật sư Bình, dấu hiệu đặc trưng của tội trộm cắp tài sản là thủ đoạn lén lút của người phạm tội, lợi dụng sơ hở của người bị hại để chiếm đoạt tài sản của họ. Người phạm tội luôn có ý thức che giấu hành vi của mình khi thực hiện, cố gắng thực hiện hành vi bằng cách thức mà người bị hại không phát hiện ra. Tội trộm cắp tài sản đã xâm phạm đến quan hệ sở hữu, cụ thể là xâm phạm đến quyền sở hữu của người khác.
Tội trộm cắp tài sản được quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây gọi là "Bộ luật Hình sự"), có hiệu lực thi hành ngày 1/1/2018 quy định về tội trộm cắp tài sản như sau:
1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
(a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
(b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
(c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
(d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
(đ) Tài sản là di vật, cổ vật.
"Từ những phân tích và Điều luật cho ta thấy hành vi lén lút trộm số tiền gần 30 triệu của người đàn ông lợi dụng hành khách ngủ say để ra tay đã cấu thành nên tội này. Việc đem trả lại số tiền chẳng qua là nhờ đoạn clip tung lên mạng tố cáo. Giả sử nếu không có đoạn clip này thì đối tượng có đem trả lại hay không? Do đó việc nộp lại chỉ được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nên Cơ quan Công an vẫn phải khởi tố vụ án.
Việc trộm cắp trên các tuyến xe thời gian qua gây nhức nhối trong xã hội bởi nhiều người khi xuống xe đến một nơi xa lạ hoặc đi chữa bệnh thì bị mất hết toàn bộ giấy tờ và tiền bạc. Hành vi này rất đáng bị lên án!" – Luật sư Diệp Năng Bình nói.
Luật sư cho rằng cơ quan công an cần phải khỏi tố vụ án
Trước đó, chiều ngày 27/6, trên mạng xuất hiện đoạn clip ghi lại hình ảnh đối tượng nam giới đã có hành vi lấy trộm chiếc túi tiền của một phụ nữ cùng đi trên chuyến xe khách giường nằm được cho là chạy tuyến Lào Cai – Thái Bình.
Qua hình ảnh cho thấy đối tượng nam giới nằm giường bên cạnh đã lấy chiếc túi của người phụ nữ khi người này đang ngủ giường bên cạnh. Sau đó đối tượng đem chiếc túi về chỗ của mình và móc ra một sấp giống các tờ tiền và nhét vào ví của mình.
Cùng với đoạn clip, người đăng tải cũng chia sẻ nội dung để nhờ cộng đồng mạng ai biết đối tượng thì báo công an để giúp chị nông dân nghèo.